Đêm khuya, toàn bộ nửa trước căn nhà của bà Tạ Thị Kim Anh bị sập. Chỉ trong vài phút, nửa căn nhà được xây trên bờ cát của sông Mê Công đã chìm xuống đáy nước sâu hun hút.
“Bếp, phòng giặt ủi, hai phòng ngủ của nhà tôi đều biến mất. Lẽ ra, chúng tôi nên ở trong một hang động thì hơn”, bà Kim Anh nói, giữa đống đổ nát đầy những mảnh kim loại méo mó còn lại của căn nhà mà hàng ngày bà vẫn bán hàng tạp hóa, từ trứng, xà phòng cho đến mì ăn liền phục vụ dân làng ở Bến Tre, một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Trước đây, bà Kim Anh từng dùng thân cây dừa và lốp xe cũ để gia cố bờ sông sát nhà.
Theo các chuyên gia và quan chức, việc xây đập trên thượng nguồn cùng hoạt động khai thác cát dày đặc đã làm cho vùng đất chằng chịt sông ngòi kênh rạch vốn nằm gần cửa một trong những con sông lớn của thế giới lún xuống với tốc độ khoảng 2 cm mỗi năm.
Con sông dài 4.350 km, được gọi là Lan Thương ở thượng nguồn, chảy từ cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc dọc biên giới Myanmar, Lào và Thái Lan, qua Campuchia và cuối cùng dồn về Việt Nam, nơi Mê Công tạo thành đồng bằng và được Việt Nam gọi là “chín rồng”, nuôi sống bao cộng đồng nông nghiệp và đánh cá trong cả nghìn năm.
Trên khắp Đồng bằng sông Cửu Long, chính quyền địa phương đang “đánh vật” với tốc độ xói mòn nhanh chóng của con sông khiến nhà cửa bị phá hủy và đe dọa sinh kế của vùng trồng lúa lớn nhất Đông Nam Á.
Một nguyên nhân chính là nhiều năm nay, các con đập thượng nguồn ở Campuchia, Lào và Trung Quốc đã lấy đi lượng trầm tích quan trọng. Và trầm tích đó, yếu tố quan trọng để kiểm tra dòng chảy của Mê Công, cũng đã bị mất do nhu cầu vô độ về cát, thành phần chính để sản xuất bê tông và các vật liệu xây dựng khác ở một nước đang phát triển nhanh như Việt Nam. Chính nhu cầu xây dựng nở rộ đã tạo ra thị trường sôi động cả trong và ngoài nước thúc đẩy việc khai thác bát nháo.
“Đó không phải là vấn đề thiếu nước mà là thiếu trầm tích”, TS. Dương Văn Ni, chuyên gia về sông Mê Công thuộc Khoa môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Đại học Cần Thơ, thành phố lớn nhất khu vực ĐBSCL, nói.
“Cát không về với chúng tôi nữa”
Theo người dân địa phương và các quan chức thì vào thời điểm này trong năm, dòng nước sông Mê Kông chảy vào Việt Nam thường có màu nâu đục nhưng bây giờ, dòng sông trong vắt. Không có trầm tích tươi từ thượng nguồn, lòng sông sâu hơn và tạo ra dòng chảy mạnh hơn, rồi ăn mòn vào bờ sông, nơi có nhà của những con người sống dựa vào sông.
Theo TS. Dương Văn Ni, các vấn đề bắt đầu từ khi Trung Quốc xây dựng các nhà máy thủy điện đầu tiên ở lưu vực thượng nguồn Mê Công khiến Lào, Campuchia và Thái Lan trở thành nguồn trầm tích chính cho sông Cửu Long ở Việt Nam.
Tuy nhiên, khai thác cát ở Campuchia đã bùng nổ trong 10 năm qua, một phần do nhu cầu dùng cát lấn biến ở Singapore giàu có nhưng chật chội, và câu chuyện lên đến đỉnh điểm khi chính phủ Campuchia vào năm 2017, dưới áp lực của các nhóm môi trường, đã phải ban hành lệnh cấm xuất khẩu cát.
Riêng các dự án thủy điện thì vẫn tiếp tục. Đầu tháng này, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã tham gia khánh thành một đập thủy điện trị giá 816 triệu USD tại tỉnh Stung Treng, gần biên giới với Lào, được xây dựng bởi các công ty từ Trung Quốc, Campuchia và Việt Nam.
Đập mới là dự án thủy điện lớn nhất cho đến nay của nước này và sẽ có tác động lớn đến nghề cá cũng như đa dạng sinh học ở sông Mê Công, theo cảnh báo từ các nhóm môi trường. Thủ tướng Hun Sen bác bỏ những lời chỉ trích về dự án mà theo ông là có lợi cho đất nước và người dân Campuchia.
“Kể từ khi Trung Quốc xây dựng các nhà máy thủy điện, cát mới hầu như không bao giờ đến được với chúng tôi”, TS. Ni nói. “Nếu chúng tôi sử dụng hết số cát hiện có, tương lai sẽ không còn nữa”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ “rất chú ý đến những mối quan tâm và nhu cầu của các nước ở hạ nguồn sông Mê Công”, đồng thời nhấn mạnh việc điều tiết dòng chảy từ đập thủy điện “đã trở thành một công cụ quan trọng trong việc ngăn chặn lũ lụt và hạn hán”.
Bộ Phát triển Quốc gia Singapore cũng cho biết nước này phải nhập khẩu cát thương mại từ nhiều quốc gia khác nhau. “Chúng tôi có các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để đảm bảo rằng các nhà cung cấp có được cát theo đúng luật pháp và quy định tại nước sở hữu nguồn cát”.
Đuổi cát tặc bằng ná cao su
Các quan chức khu vực ở tỉnh Vân Nam thuộc phía Tây Nam Trung Quốc đã bảo vệ việc xây dựng các con đập trên sông Mê Công là “hoàn toàn tuân thủ pháp luật”.
Tuy nhiên, ở hạ nguồn, vấn đề trở nên tồi tệ hơn bởi nạn cát tặc, thường diễn ra vào ban đêm.
“Cát tặc rất nhanh mà manh động”, ông Nguyễn Quang Thương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bến Tre thừa nhận.
“Chúng tẩu thoát rất nhanh, vì vậy, việc có các tổ tự quản người địa phương giúp đỡ chính quyền là rất hữu ích”.
Ở Bến Tre có một tổ tự quản như vậy, một vài thành viên đã 67 tuổi, sử dụng vũ khí tự chế thô sơ như súng và ná/nỏ cao su để đuổi cát tặc.
“Chúng tôi tuần tra 24/7 và trong vài tháng đầu tiên, chúng tôi đã tìm đuổi được 90% cát tặc”, một thành viên trong tổ cho biết. “Kể từ năm 2018, không ai trong số chúng dám đến gần bờ của chúng tôi”.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động và các nhóm môi trường lo ngại rằng tổn hại đã xảy ra với con sông Mê Công – chảy qua sáu quốc gia có nhu cầu cạnh tranh để khai thác tiềm năng thủy điện của dòng sông.
Pianporn Deetes, phụ trách chiến dịch của tổ chức International Rivers và đã làm việc về sông Mê Kông trong hai thập kỷ cho biết còn thiếu ý chí chính trị giữa các quốc gia có chung dòng sông để nhận thức tác động xuyên biên giới của các dự án đó.
“Không nhận diện được các vấn đề hiện tại, tôi không nghĩ có bất kỳ hy vọng nào”, cô nói.
Nhật Anh (Theo Reuters)