Ngay cả khi Trung Quốc muốn gia nhập CPTPP, quá trình này có thể không trơn tru hoặc chóng vánh bởi sự phản đối của những thành viên lo ngại sự cạnh tranh từ Bắc Kinh.
Nhà phát minh vĩ đại Alexander Graham Bell từng nói khi một cánh cửa khép lại, một cánh cửa khác mở ra. Năm 2018, thế giới chứng kiến sự khởi đầu của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung nhưng cũng đón nhận sự ra đời của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – thỏa thuận thương mại có sự tham gia của 11 nước và có hiệu lực từ ngày 30-12-2018.
Nếu Trung Quốc quyết định gia nhập CPTPP, động thái này có thể giải quyết nhiều thách thức đến từ chiến tranh thương mại đang tiếp diễn. Bằng việc tuân thủ các quy tắc thương mại CPTPP, Trung Quốc có thể xoa dịu căng thẳng với Mỹ và những quốc gia khác.
Một khi gia nhập mạng lưới thương mại khu vực năng động này, Bắc Kinh có thể đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và đa dạng hóa các thị trường của mình. Ngoài ra, thông qua cam kết thực hiện các tiêu chuẩn cao về chính sách quốc tế, Trung Quốc có thể thúc đẩy cải cách trong quá trình xây dựng một nền kinh tế mở và hiện đại.
Về mặt kinh tế, CPTPP sẽ tạo đà cho Trung Quốc thực hiện chính sách “mở cửa” – được xem là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của họ. Trung Quốc đang có các mối quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ với một số nước thành viên CPTPP nhưng thỏa thuận thương mại này có thể giúp cắt giảm một số rào cản thương mại khác. Giao thương sẽ gia tăng trong các mạng lưới châu Á – Thái Bình Dương, giúp chuỗi cung ứng sản xuất hiệu quả hơn và giảm bớt sự phụ thuộc của khu vực này vào Bắc Mỹ.
Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) ước tính CPTPP, ở hình thức hiện tại, sẽ bổ sung thêm 147 tỉ USD/năm vào thu nhập toàn cầu. Đây là con số ấn tượng nhưng có thể tăng lên 632 tỉ USD/năm nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP. Xuất khẩu Trung Quốc vào khu vực sẽ tăng trưởng cực kỳ nhanh ở lĩnh vực điện tử và máy móc. Trong khi đó, nhập khẩu Trung Quốc sẽ tạo ra dòng chảy sản phẩm mới đối với linh kiện hiện đại, hàng tiêu dùng và nông sản.
Ngoài việc cắt giảm những rào cản thương mại thông thường, như thuế quan và hạn ngạch, CPTPP còn mang lại một bảng quy tắc sâu rộng và tham vọng cho các mối quan hệ kinh tế hiện đại.
Bằng việc áp dụng các quy tắc này, Trung Quốc sẽ cam kết điều chỉnh các chính sách của họ, kể cả những chính sách bị Mỹ chỉ trích, theo hướng phù hợp với các quy tắc toàn cầu. Ví dụ như các quy tắc của CPTPP đòi hỏi công ty nhà nước Trung Quốc trở nên minh bạch hơn. Các bí mật thương mại và bằng sáng chế sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt, các nhà đầu tư nước ngoài ít chịu hạn chế hơn và các công ty sẽ được tự do hơn khi tham gia vào thương mại điện tử và truyền dữ liệu xuyên biên giới.
Tất cả những điều trên đều không dễ thực hiện và đòi hỏi cải cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, các nước thành viên CPTPP đã sử dụng các quy tắc của hiệp định để thúc đẩy cải cách khó khăn về chính trị. Trước đây, khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Bắc Kinh cũng hưởng nhiều lợi ích lớn nhờ cải cách kinh tế. Những cải cách trong khuôn khổ CPTPP thậm chí còn đáng tin hơn vì nó gồm các điều khoản thực thi đầy ý nghĩa.
Về mặt chính trị, CPTPP sẽ giúp cắt giảm căng thẳng thương mại và củng cố ngoại giao kinh tế cho Trung Quốc. Nếu gia nhập CPTPP, Trung Quốc sẽ hợp tác với các quốc gia châu Á và Mỹ Latin để xây dựng một hệ thống khu vực mở. Một số đối tác có thể lo lắng về sự cạnh tranh từ Bắc Kinh, song hầu hết sẽ hoan nghênh sự tham gia của thị trường rộng lớn này.
Quan hệ kinh tế và chính trị giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á cũng sẽ được hưởng lợi. Sự hợp tác sâu rộng hơn trong khu vực sẽ nâng tầm ảnh hưởng chính trị của Đông Á trên thế giới. Chưa hết, khu vực này còn mang đến sự hậu thuẫn cần thiết cho một hệ thống thương mại dựa trên các quy tắc vào thời điểm Mỹ dường như đang tránh xa nó.
Dĩ nhiên là ngay cả khi Bắc Kinh muốn gia nhập CPTPP, quá trình này có thể không diễn ra trơn tru hoặc chóng vánh. Sự phản đối có thể đến từ những thành viên CPTPP lo ngại cạnh tranh từ Trung Quốc và thậm chí là cả Mỹ. Dù vậy, ngay cả khi không đạt được thỏa thuận tức thì, việc Bắc Kinh tập trung vào các quy tắc của CPTPP sẽ phát một tín hiệu mạnh mẽ đến thế giới rằng họ cam kết tuân thủ các quy tắc toàn cầu trong một loạt chính sách của mình.
Cần nói rõ rằng quyết định gia nhập CPTPP của Trung Quốc không thể khiến căng thẳng biến mất hoàn toàn. Bất chấp nhiều thập kỷ hợp tác về mọi thứ, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản vẫn thường xuyên có những tranh cãi thương mại gay gắt.
Khi Trung Quốc ngày càng phát triển, xung đột như thế sẽ tiếp diễn và ngày càng nghiêm trọng theo thời gian. Tuy nhiên, gia nhập CPTPP có thể giúp xoa dịu nguy cơ xung đột thương mại leo thang thành chiến tranh thương mại, từ đó mở đường cho những thỏa thuận mang tính xây dựng.
Câu nói của nhà phát minh Alexander Bell ở đầu bài được theo sau bởi một cảnh báo: “Chúng ta thường tiếc nuối mãi nhìn cánh cửa đã khép mà không chú ý đến những cánh cửa đang mở ra”. Viễn cảnh đóng góp to lớn cho kinh tế toàn cầu xứng đáng được giới lãnh đạo Trung Quốc cân nhắc kỹ càng.