Gỗ được xem là giải pháp cho các công trình xanh, giúp làm chậm lại quá trình trái đất nóng lên.
Chắc ai cũng biết câu chuyện cổ tích “Ba chú heo con”. Chú heo thứ hai thật không may mắn. Chú xây ngôi nhà bằng những cành cây. Kết quả là con sói hung ác chỉ cần thổi mạnh một cái là ngôi nhà bị hất bay đi và chú bị sói nuốt chửng. Nhưng chú heo út thì ngược lại, làm nhà bằng gạch đỏ, khá kiên cố nên có thể bảo vệ mạng nhỏ của mình trước con sói hung dữ.
Câu chuyện cổ tích này có lẽ đã được viết bởi một người phát ngôn cho ngành xây dựng, vốn rất thích dùng gạch, bê tông và thép để làm nhà và các loại công trình khác. Tuy nhiên, trong thế giới thực, chúng ta sẽ có thể hạn chế ô nhiễm và làm chậm lại quá trình trái đất nóng lên nếu ngày càng nhiều nhà xây dựng sao chép mô hình làm nhà sử dụng nguyên liệu gỗ của chú heo út trong câu chuyện cổ tích trên.
Vào năm 2015, cuộc họp thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới đã nhất trí hướng tới mục tiêu phải đạt được mức “cân bằng về năng lượng” (net zero carbon) trong nửa sau của thế kỷ này. “Cân bằng về năng lượng” có thể hiểu là các công trình phải sử dụng năng lượng hiệu quả và tạo ra năng lượng tại chỗ đủ để cân bằng với nhu cầu năng lượng tiêu thụ hằng năm.
Đó là một mục tiêu khó khăn và ngành xây dựng càng khiến cho mục tiêu này càng trở nên khó khăn hơn. Bởi lẽ, chỉ riêng sản xuất xi măng đang tạo ra 6% lượng khí thải carbon của thế giới. Thép, có tới phân nửa sản lượng sản xuất ra được dùng trong các tòa nhà, lại chiếm thêm 8% lượng khí thải ra. Nếu xét đến cả số năng lượng dùng để chiếu sáng, sưởi ấm và làm lạnh các ngôi nhà và văn phòng, thì các tòa nhà trên thế giới lại trở thành một nỗi ám ảnh kinh hoàng về môi trường khi ngốn một nguồn năng lượng khổng lồ.
Đó là lý do chính phủ tại các nước giàu hiện đang nỗ lực thúc đẩy hành vi xanh hơn bằng cách bắt buộc các nhà phát triển bất động sản phải xây dựng những dự án mới theo tiêu chuẩn “không carbon”. Từ ngày 1.1.2019 tất cả các tòa nhà mới thuộc khu vực công tại Liên minh châu Âu phải được xây theo các tiêu chuẩn “năng lượng gần như zero”. Tất cả các loại tòa nhà khác sẽ nối gót vào tháng 1.2021. Chính phủ tại 8 quốc gia khác đang được vận động hành lang để đưa ra các chính sách tương tự.
Các tiêu chuẩn này ít xanh hơn chúng ta vẫn tưởng. Các turbin gió và tấm pin năng lượng mặt trời trên nóc các tòa nhà trông có vẻ đẹp đẽ nhưng lại có hiệu suất kém hơn nhiều so với các trang trại gió và mặt trời. Và các tiêu chuẩn chỉ tính đến phần khí thải từ điều hành một tòa nhà mà không tính đến lượng khí thải ra trong quá trình chúng được xây dựng nên. Lượng khí thải này được cho là chiếm khoảng từ 30-60% tổng lượng khí thải ra suốt một vòng đời của một kết cấu xây dựng.
Nhưng các tòa nhà vẫn có thể trở nên xanh hơn. Chúng có thể sử dụng nhiều thép tái chế hơn và có thể được tiền chế tại các nhà máy, giảm đáng kể quá trình vận chuyển bằng xe tải. Dù vậy, không vật liệu xây dựng nào khác có tính thân thiện môi trường cao mà lại bị bỏ sót như gỗ.
Năng lượng cần để sản xuất một tấm gỗ laminate chỉ bằng 1/6 năng lượng cần để sản xuất một tấm thép có sức bền tương đương. Khi cây cối hấp thụ carbon trong quá trình lớn lên, thì các tòa nhà bằng gỗ đóng góp “âm” vào lượng khí thải ra với những cây xanh được trồng tại đó. Khi một cây trưởng thành được đốn đi, một cây mới được trồng vào thay thế thì sẽ hấp thụ nhiều carbon hơn. Sau khi các tòa nhà bị phá hủy, các tấm gỗ cũ dễ dàng được tái chế để dùng cho các tòa nhà mới. Để giúp các tòa nhà cũ tiết kiệm năng lượng hơn, gỗ là một chất cách nhiệt rất tốt. Một khung cửa sổ bằng gỗ mềm cách nhiệt gấp gần 400 lần một cửa sổ bằng thép có cùng độ dày và gấp hơn 1.000 lần một cửa sổ nhôm.
Một cuộc đua đang diễn ra nhằm xây dựng tòa nhà chọc trời hoàn toàn bằng gỗ cao nhất thế giới. Nhưng những công trình kiến trúc lớn như thế vẫn là hiếm thấy. Sự phân mảnh của ngành, cạnh tranh khốc liệt giành giật từng hợp đồng và biên lợi nhuận thấp có nghĩa rằng hầu hết các doanh nghiệp xây dựng gần như không có tiền đầu tư vào các phương pháp, kỹ thuật xây dựng xanh hơn ngoài những quy định pháp luật mang tính bắt buộc.
Vì thế, chính phủ các nước có thể giúp khuyến khích ngành xây dựng sử dụng nhiều gỗ hơn, đặc biệt trong khu vực công vì đây là khách hàng lớn nhất của ngành xây dựng. Điều đó sẽ giúp các chuyên gia sử dụng gỗ trong xây dựng đạt được quy mô lớn hơn với chi phí thấp hơn. Các quy định tòa nhà “không carbon” nên được thay đổi theo hướng tính luôn cả lượng khí thải có trong vật liệu. Điều này sẽ giúp cho gỗ trở nên được ưa chuộng cũng như khuyến khích các phương thức cải tiến trong việc sản xuất các vật liệu khác.
Các bộ luật xây dựng có thể được điều chỉnh, sửa đổi để tạo điều kiện sử dụng gỗ trong xây dựng. Thế nhưng, một số việc đang đi theo chiều hướng bất lợi. Anh, chẳng hạn, đang cấm sử dụng vật liệu gỗ ở bên ngoài các tòa nhà cao tầng sau khi xảy ra vụ 72 người chết trong một vụ cháy ở tòa tháp Grenfell Tower tại London vào năm 2017. Điều này không có ý nghĩa gì vì Grenfell Tower được bao phủ bởi nhôm và nhựa, chứ không phải gỗ. Hơn nữa, hiện nay loại gỗ ép tấm lớn (CLT) có sức chống chọi tốt hơn trong các cuộc kiểm tra hỏa hoạn hơn là thép.
Còn nhiều vấn đề xung quanh việc sử dụng gỗ trong các tòa nhà trên thế giới. Nhưng xu hướng chung là gỗ đang được hoan nghênh.