Từ việc được hỗ trợ năng lực phát huy các quyền về tiếp cận quản lý đất đai sản xuất và đất rừng, cộng đồng các dân tộc thiểu số ở các điạ phương đã dần cải thiện được thu nhập, đồng thời nâng cao được vai trò và đóng góp nhiều hơn vào quá trình bảo vệ và quản lý rừng.
1/ Phần lớn các cộng đồng dân tộc thiểu số đều sống dựa hoàn toàn vào rừng. Rừng vốn là nguồn dự trữ nhiều tài nguyên quý, chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển, tuy vậy nghèo đói trong cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn dai dẳng và trầm trọng hơn rất nhiều so cộng đồng người Kinh. Chỉ khi có thể tự quản lý, bảo vệ và khai thác rừng bền vững thì bà con mới có thể tự cải thiện, nâng cao cuộc sống của mình.
Từ năm 2015, tại năm tỉnh Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum, Trung tâm tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông – Nam Á (CIRUM) và Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam cùng các địa phương đã phối hợp thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực tiếp cận và quản lý đất sản xuất và đất rừng cho cộng đồng các dân tộc thiểu số”. Dự án đã hỗ trợ các cộng đồng dân tộc thiểu số Vân Kiều, Thái, Xê Đăng, Rơ Ngao, Dao Đỏ… cải thiện thu nhập thông qua việc phát triển các mô hình sinh kế gắn với phát triển rừng theo hướng bền vững, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Trong cả quá trình thực hiện. Các địa phương cũng đồng thời cải thiện nâng cao năng lực chính quyền cơ sở và đại diện các tổ chức, mạng lưới cộng đồng, nâng cao ý thức và năng lực bảo vệ quyền sinh kế gắn với tri thức bản địa và bảo vệ, phát triển tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, xã hội bền vững.
Nhiều mô hình tạo thu nhập bền vững từ việc giao đất giao rừng cho cộng đồng dân tộc thiểu số đã thành công như hai vườn sâm Ngọc Linh 250 gốc trên diện tích 538, 82 ha đất rừng ở thôn bản của đồng bào Xê Đăng ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum); mô hình phát triển cây sa nhân tím của đồng bào dân tộc Gia Rai dưới tán rừng tự nhiên trong Vườn Quốc gia Chư Mom Ray; mô hình phát triển cây đót tự nhiên của đồng bào Vân Kiều ở Quảng Bình; mô hình phát triển dịch vụ ngâm tắm thuốc nam Sải Duẩn dựa trên tri thức bản địa của đồng bào dân tộc Dao đỏ ở Lào Cai…
Ông Phạm Xuân Quang, cán bộ xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), nói về việc thực hiện dự án ở địa phương mình: “Nhờ sự hỗ trợ của dự án, xã của tôi đã được giao giấy chứng nhận sở hữu hơn 500 ha đất rừng cộng đồng. Bà con cũng được tham gia nhiều hội thảo, gặp các cán bộ trung ương, gặp cả đại biểu Quốc hội nhiều lần để nói đến vấn đề đất rừng của cộng đồng”.
2/ Dự án đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại chính sách, từ cấp trung ương, đến cấp tỉnh, huyện, xã và ở cộng đồng. Các cuộc đối thoại đã mang lại những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy các quyền của cộng đồng trong sở hữu và quản lý đất rừng được đưa vào Luật Lâm nghiệp năm 2017. Tại một cuộc đối thoại, người dân nêu ý kiến:“Các đồng chí phải tạo điều kiện cho bà con có đất sản xuất. Nếu chính quyền không bảo vệ được rừng thì giao lại cho bà con, bà con quản lý được. Tôi tin rằng những người ở trong rừng, sống nhờ rừng và gắn bó với rừng sẽ bảo vệ rừng tốt hơn những người từ thành phố đến (Các công ty lâm nghiệp)”. Dự án này được thực hiện cùng với quá trình xây dựng sửa đổi Luật Lâm nghiệp cũng đã có tác động tốt tới việc tham vấn cho chính sách trên cơ sở kết quả công việc thực hiện từ thực tiễn. Luật Lâm nghiệp (sửa đổi) năm 2017 đã có những thay đổi “đột phá” với việc công nhận phong tục tập quán của các cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam, tăng thêm nhiều quyền cũng như nhiều sự hỗ trợ với bà con dân tộc thiểu số.
Cộng đồng các dân tộc thiểu số ở các địa phương đều đã dần cải thiện được thu nhập vốn phụ thuộc hoàn toàn vào đất nông nghiệp và đất rừng, đồng thời nâng cao tiếng nói và đóng góp của mình vào quá trình bảo vệ và quản lý đất rừng cộng đồng. Đây là một trong những kết quả quan trọng được tổng kết từ Dự án “Nâng cao năng lực tiếp cận và quản lý đất sản xuất và đất rừng cho cộng đồng các dân tộc thiểu số” bên cạnh những tác động lan tỏa của cách làm và mô hình đối với các địa phương khác.
Dự án do Trung tâm tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông – Nam Á (CIRUM) và Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam triển khai từ năm 2016 đến 2018 với nguồn hỗ trợ tài chính từ Liên minh châu Âu (EU). Dự án đã hoàn thành mục tiêu tổng thể là góp phần bảo vệ và tăng cường tiếp cận và quản lý rừng, đất rừng cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số. Dự án sẽ tiếp tục xây dựng mô hình thí điểm thực hiện Luật Lâm nghiệp 2017 để tiếp tục tư vấn, góp ý xây dựng các văn bản dưới luật. |