Vốn tư nhân là yếu tố chính để phát triển năng lượng

Theo báo cáo “Tối đa hóa tài chính cho phát triển năng lượng ở Việt Nam” của Nhóm Ngân hàng Thế giới, các ngân hàng cho rằng, bối cảnh kinh tế vĩ mô và ngành năng lượng đang thay đổi ở Việt Nam đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới về đầu tư vào ngành điện và khí.

Ảnh internet

Nghiên cứu của Nhóm Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra sự thiếu bền vững của mô hình tài chính truyền thống, chủ yếu dựa vào đầu tư công thông qua các doanh nghiệp nhà nước.

“Do dư địa tài khóa hạn chế và nguồn tài chính ưu đãi sẽ ngày càng giảm, điều quan trọng là Việt Nam phải tăng cường huy động các nguồn vốn thay thế cho ngành điện và khí. Chính phủ cần xử lý một cách toàn diện những nút thắt đang cản trở dòng vốn tư nhân trong và ngoài nước vào hai lĩnh vực chiến lược nhất của nền kinh tế Việt Nam”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định.

Theo tính toán, từ nay đến năm 2030, mỗi năm trung bình ngành điện Việt Nam cần đầu tư mới khoảng 10 tỷ USD, tập trung vào đầu kỳ, cao hơn mức bình quân 8 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2011 – 2015. Trong khi đó, phát triển ngành khí dự kiến cần khối lượng đầu tư lũy kế khoảng 20 tỷ USD trong giai đoạn 2015 – 2035.

Báo cáo khẳng định, dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển mới cơ sở hạ tầng, nhưng phần lớn đầu tư mới vào ngành điện và ngành khí sẽ phải đến từ khu vực tư nhân. Hướng đi này là phù hợp với chiến lược và mục tiêu tài chính cho phát triển năng lượng của Chính phủ trong tương lai.