Một màn sương mù dày đặc đã che phủ Hàn Quốc ngày thứ hai liên tiếp, khiến nhiều khu vực ở thủ đô Seoul và tỉnh Gyeonggi bị ảnh hưởng nặng nề.
Sáng 14-1, bụi PM 2.5 bao trùm nước này ở mức độ nguy hiểm. PM 2.5 mỏng hơn sợi tóc 30 lần, có thể xâm nhập vào phổi và thậm chí cả máu khi con người hít phải, gây tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe.
Theo chỉ số chất lượng không khí của Air Korea, tại nhiều khu vực ở Seoul, PM 2.5 đạt mức 169 microgram/m3 trong khi mức trung bình cả nước vào khoảng 102 microgram/m3.
Mức độ PM 2.5 ở Hàn Quốc hôm 14-1 đã vượt quá 4 lần tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về không khí an toàn (chỉ là 25 microgram/m3). Hiệp hội Khí tượng Hàn Quốc (KMA) dự báo mức độ ô nhiễm sẽ còn nghiêm trọng cho đến ngày 15-1, sau đó có thể giảm từ “rất xấu” xuống “xấu”.
Theo báo The South China Morning Post, Hàn Quốc nhiều lần quy trách nhiệm chuyện ô nhiễm không khí ở nước mình cho Trung Quốc. Tháng 3-2018, báo Chosun đổ lỗi Trung Quốc di dời các lò đốt rác ra bờ biển phía Đông, khiến gió thổi bụi mù từ Bắc Kinh xuống Hàn Quốc.
Cũng trong năm ngoái, Viện Nghiên cứu tiêu chuẩn và khoa học Hàn Quốc khẳng định có chứng cứ cho thấy hiện tượng bụi gia tăng vào mùa xuân một phần là do pháo hoa mừng năm mới ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vào tháng 12-2018, Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc bác bỏ toàn bộ cáo buộc trên.
Không chỉ Hàn Quốc mà nhiều nơi khác ở châu Á cũng ngột ngạt vì ô nhiễm. Ở Thái Lan, sương mù hồi cuối tuần qua tại một số nơi của thủ đô Bangkok dày đến mức làm tầm nhìn giảm xuống còn 1 km.
Tình hình ngày 14-1 không khá hơn, khi nhóm hoạt động vì môi trường Hòa bình xanh xếp Bangkok là thành phố ô nhiễm thứ 10 thế giới. Trong khi nhà chức trách lo ngại nước này có thể thiệt hại hàng tỉ baht chi phí y tế thì giới chuyên môn dự báo ô nhiễm tiếp tục nghiêm trọng trong ít nhất 1 tháng nữa – vốn do mật độ xe cộ, nông dân bên ngoài Bangkok đốt nương rẫy và ô nhiễm từ các nhà máy.
Trong bối cảnh đó, Thái Lan dự kiến triển khai máy bay làm mưa nhân tạo để giảm bớt ô nhiễm ở Bangkok. Ông Pralong Dumrongthai, Tổng Giám đốc Ban Kiểm soát ô nhiễm Thái Lan, cho hay kế hoạch làm mưa có thể bắt đầu vào ngày 15-1 nhưng còn phụ thuộc vào gió và độ ẩm.