Lũ lụt xảy ra ở các nước nghèo, các nước đang phát triển là điều bình thường do hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém. Nhưng ngay cả các thành phố ở những nước phát triển, như Mỹ, Nhật Bản hay Singapore… cũng không tránh được nạn “thủy thần”. Kinh nghiệm ứng phó của họ trước biến đổi khí hậu (BĐKH) ra sao?
Con phố thương mại sầm uất Orchard Road của Singapore ngập trong nước lũ vào năm ngoái một lần nữa khiến vấn đề chống lũ lụt ở đảo quốc Sư tử lại trở lên nóng bỏng. Từ nhiều chục năm qua, đảo quốc này đã có nhiều biện pháp để giảm thiệt hại do lũ lụt gây ra. Năm ngoái, số khu vực bị ngập lụt của Singapore chỉ khoảng 30ha, giảm dưới 10% so với những năm 1970.
Năm 2018 là năm thế giới phải chứng kiến hậu quả khốc liệt của tình trạng BĐKH, mà một trong số đó là những trận lụt hoành hành không loại trừ bất cứ đâu, kể cả vùng khô hạn như sa mạc. Các thành phố cổ Petra, Madaba ở Jordan, hay Iraq, Kuwait và Qatar năm qua cũng phải hứng chịu “cơn thịnh nộ” của thiên nhiên khi chìm trong nước lũ.
Giới chuyên gia của Singapore cho rằng, không thể tránh khỏi lũ lụt hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát nó bằng chiến lược tổng thể nhằm giảm thiểu hậu quả. Cơ quan Nước quốc gia (PUB) Singapore đã phát triển các biện pháp quản lý lĩnh vực thoát nước đa chiều. Cụ thể, các dự án phát triển mới và tái phát triển ở Singapore bắt buộc phải có các biện pháp bảo vệ trước nguy cơ lũ lụt. Đối với các công trình mới, nước này yêu cầu phải xây dựng cơ sở hạ tầng thoát nước trước khi khởi công. Giám sát và nâng cấp thường xuyên hệ thống thoát nước cũng là quy định bắt buộc ở Singapore.
Trong chiến lược ngăn lũ lụt, Singapore phát triển và bảo trì mạng lưới mở rộng 8.000km đường ống thoát nước, mở rộng và đào sâu thêm hệ thống đường ống và kênh thoát nước hiện có. Cùng với đó, Singapore cũng cập nhật định kỳ quy định về thực hiện thoát nước bề mặt, trong đó có những yêu cầu kỹ thuật tối thiểu đối với các hệ thống này. Ngay cả với những hệ thống và cơ sở hạ tầng được xây dựng tốt nhất, sự can thiệp của con người cuối cùng vẫn đóng vai trò quyết định. Hơn một năm trước, việc bảo trì kém hệ thống bơm nước dẫn tới sự cố ngập nước ở đường hầm tàu điện ngầm tại ga Bishan của Singapore.
Ngoài các biện pháp ngăn lũ cơ học như dựng tường chắn lũ, Singapore còn tiến hành nâng cao đường đối với dự án phát triển mới, nâng cao lối vào đường hầm hay công trình ngầm…
Trong một bài phân tích trên Channelnewsasia của Singapore, tác giả cho rằng, vấn đề không chỉ liên quan đến quản lý nước mà giải pháp phần lớn lại ở chính việc con người ứng phó với vấn đề đó như thế nào. Người dân cần nhận thức được về những tác động có thể xảy ra, mối quan ngại về an toàn và nên có nhiều thông tin nhất có thể về những rủi ro tiềm ẩn và các cách ứng phó phù hợp nhất đối với thiên tai.
Chẳng hạn ở Tokyo (Nhật Bản), các khu vực ở vị trí thấp thường có bản đồ trong đó chỉ rõ các vùng có nguy cơ bị lũ lụt. Chính quyền luôn nỗ lực để bảo đảm mọi người dân đều có thể tiếp cận được bản đồ vùng nguy hiểm nên cung cấp bản đồ cả trên mạng lẫn bản cứng. Các bản đồ này cung cấp thông tin về mực sâu của nước lũ ở từng vùng và thời gian vùng đó bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trong bao lâu.
Bài viết cho rằng, việc phát triển cơ sở hạ tầng là cần thiết, nhưng theo các chuyên gia, nó chỉ giúp bảo vệ người dân ở mức độ nào đó. Để giúp người dân ứng phó tốt với lũ lụt cần có các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức giúp họ biết cách nên làm gì khi xảy ra lũ lụt. Thực tế là có những trận lũ lụt mà những thiệt hại của nó mới bộc lộ thiếu sự chuẩn bị cần thiết để ứng phó.
Singapore được cho là đã đạt được những bước tiến mới trong việc giảm nhẹ lũ lụt cũng như công tác chuẩn bị ứng phó. Một phần là bởi đảo quốc Sư tử thường xuyên đánh giá và điều chỉnh các chính sách giảm nhẹ lũ lụt. Trong các chiến lược của mình, Singapore luôn nỗ lực để tăng cường công tác chuẩn bị ứng phó và giáo dục nâng cao nhận thức của người dân.
Không chỉ tại Singapore, các thành phố ở những nước phát triển cũng đã có các biện pháp ứng phó với lũ lụt một cách sáng tạo. Các chiến lược ứng phó đa chiều bao gồm những chính sách ngắn, trung và dài hạn liên quan tới các định chế, các vấn đề tài chính và phát triển cơ sở hạ tầng. Các cơ sở hạ tầng lớn để ngăn lũ bao gồm các tường chắn bão để bảo vệ các bến cảng, thành phố đã được dựng ở Rotterdam (Hà Lan) hay London (Anh), Tokyo (Nhật Bản).
Các thành phố ở châu Âu, Australia, Nhật Bản, Mỹ và Canada cũng xây dựng các kế hoạch giảm lũ lụt và đây chính là những công cụ cần thiết cho kế hoạch sử dụng đất đai ở những thành phố này. Qua đó giúp chính phủ, các ngành công nghiệp cũng như người dân chuẩn bị ứng phó với các tình huống khẩn cấp liên quan đến lũ lụt.