Mang cuộc đời mới đến cho những sản phẩm cũ hứa hẹn là giải pháp cho nhiều vấn đề về nguyên liệu và năng lượng trong tương lai.
Khoảng 10 năm trước, hình ảnh những quán cà phê mang phong cách hoài cổ (vintage) lần đầu xuất hiện tại TP.HCM ở những chung cư cũ trong lòng thành phố. Không chỉ sử dụng những bàn ghế cũ xưa, nội thất trong các quán này là những vật dụng được ứng biến công năng, từ chiếc bàn làm từ bàn máy may hay những cánh cửa cũ, đến bình hoa từ những chai nước đã qua sử dụng hay chụp đèn từ những ly trà cũ.
Mô hình tận dụng đồ cũ tạo không khí hoài niệm cho quán cà phê được nâng tầm khi chuỗi Cộng cà phê ra đời. Không chỉ trải dài trong các thành phố lớn trong nước, Cộng còn “xuất khẩu” mô hình ra nước ngoài khi mang phong cách thập niên 1980 của Việt Nam sang Hàn Quốc với cửa hàng nhượng quyền vừa được mở tại thủ đô Seoul.
Nâng tầm đồ cũ (upcycling) không xa lạ gì với người Việt, từ hồi những đôi giày cao su cắt từ những chiếc bánh (lốp) xe trong thời chiến ra đời. Ngày nay, lốp xe còn được dùng làm bàn, ghế uống cà phê hay xích đu, bập bênh cho trẻ nhỏ, rác thải nhựa và chai nhựa được tận dụng làm gạch Ecobrick, chai thủy tinh hay chai nhựa cũ làm chụp đèn và vải bạt, bao tải làm túi xách. Nội thất, ván sàn, ốp tường làm từ các thanh gỗ pallet cũng là một kiểu upcycling thông dụng.
“Ý tưởng cơ bản của upcycling là mang một “cuộc đời mới” đến cho các vật phẩm cũ mà không “bắt” chúng phải quay về trạng thái nguyên liệu thô”, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, nhà sáng lập kiêm Giám đốc MES LAB, chuyên nghiên cứu và triển khai R&D tại Việt Nam, giải thích. Upcycling đang ngày càng được chú ý như một giải pháp đầy hứa hẹn để giảm thiểu vật liệu và năng lượng sử dụng trong điều kiện tài nguyên hữu hạn.
Upcycling có thể mở rộng phạm vi từ các đồ dùng đơn giản sang những ứng dụng có độ phức tạp cao hơn. Trên thế giới đã xuất hiện những công ty chuyên cắt thép từ ô tô cũ để gia công thành các sản phẩm cao cấp và đắt tiền như đồng hồ đeo tay REC Watches, hay các công ty biến những vật liệu từ máy bay được chế tạo thành đồ nội thất trong nhà như SkyArt.
Thị trường upcycling thế giới trị giá 150 triệu USD, theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA), một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ cho xu hướng này với việc cho ra đời Seoul Upcycling Plaza. KITA cho rằng thị trường upcycling ở Hàn Quốc còn ở quy mô không đáng kể vì không có nguồn dự trữ rác thải ổn định cho việc nâng cấp và thiếu những nhà sản xuất chuyên nghiệp. Nhận thức hạn chế của người tiêu dùng về sản phẩm upcycling cũng là một rào cản đối với thị trường này.
Trên thế giới, upcycling được chú ý nhiều trong lĩnh vực hàng dệt may và vật liệu. Tuy vậy, một trong những nhà sản xuất thiết bị điện tử hàng đầu là Samsung cũng đã để mắt đến hoạt động có thể giảm thiểu lượng chất thải điện tử có khối lượng gần 45 tấn mỗi năm bằng chương trình Galaxy Upcycling. “Dạy cho thiết bị cũ của bạn những “chiêu” mới”, Galaxy Upcycling đã khám phá ra nhiều cách đơn giản theo hướng DIY (tự làm) để tái sử dụng các thiết bị Galaxy cũ như bể cá thông minh hay chậu thức ăn cho thú cưng thông minh.
Nhiệm vụ bảo vệ môi trường đang ngày càng trở nên cấp thiết, cùng với việc ra đời các quy định luật pháp về khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế làm đầu vào và khuyến khích sản xuất tiết kiệm năng lượng. Vì vậy, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn nghĩ rằng nhiều công ty cũng có thể đang tính đến việc khai thác “mỏ vàng” các đồ đạc bỏ đi này để sử dụng như là nguyên liệu cho sản phẩm mới. “Xa hơn, người ta có thể lên kế hoạch upcycling một sản phẩm ngay từ khi thiết kế”, Tiến sĩ Tuấn nhận định đây là con đường phát triển bền vững.
Hiện nay, phần lớn sản phẩm upcycling được làm theo hình thức thủ công, đơn chiếc. Điều này tạo nên tính độc đáo cho sản phẩm nhưng cũng giới hạn khả năng mở rộng quy mô. Tại Việt Nam, nhận thức và sự tham gia sản xuất sản phẩm upcycling còn giới hạn đến nỗi phiên chợ “Mua đồ Upcycle” của Lại Đây Refill Station dự định tổ chức vào cuối năm 2018 đã phải bị hủy bỏ vì chỉ có 7 gian hàng đăng ký.
Tiến sĩ Tuấn cho rằng quy mô upcycling có thể tăng đột biến trong tương lai nếu sự lan tỏa làn sóng upcycling đủ mạnh đến mức upcycling trở thành khái niệm phổ biến trong xã hội và nhất là khi các nhà sản xuất tính đến việc upcycling cho sản phẩm ngay từ thiết kế ban đầu.