Pơ mu là một loài gỗ quý, một chi trong họ Hoàng đàn thường mọc trên núi cao quanh năm mây mù bao phủ.
Do gỗ có mùi thơm, vân đẹp, chống chịu được nắng mưa và mối mọt nên pơ mu bị khai thác cạn kiệt. Vì thế, nó trở thành loài nguy cấp, năm 1996 được đưa vào Sách đỏ Việt Nam…
Huyện Trạm Tấu nơi đầu nguồn của suối Thia, có diện tích pơ mu lớn nhất tỉnh Yên Bái nằm ở các xã: Phình Hồ, Bản Mù, Bản Công, Túc Đán, Làng Nhì… Nhiều khu rừng pơ mu thuần loài cây mọc song sóng như so đũa, nhiều cây to 3-4 người ôm mới kín gốc. Có cây pơ mu khi hạ xuống trải một chiếc chiếu không kín gốc. Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, tỉnh Yên Bái ồ ạt khai thác pơ mu xuất khẩu sang Đài Loan và Nhật Bản, có năm gỗ pơ mu được phép khai thác lên tới cả nghìn khối.
Gỗ pơ mu có màu vàng, mùi thơm, vân gỗ đẹp như mây vờn sóng cuộn, nhất là không bị mối mọt, không bị cong vênh nên được sử dụng làm đồ gia dụng để đóng bàn, ghế, cửa, sập, giường, tủ… bền cả trăm năm không hỏng.
Do chống chịu được nắng mưa, nên người dân miền núi Trạm Tấu còn dùng pơ mu lợp nhà, làm hàng rào…Có những ngôi nhà lợp pơ mu trải qua năm sáu đời người không hỏng. Khi ngôi nhà quá chật hay bị xuống cấp nặng nề người ta phải làm nhà mới, thì con cái dỡ ngôi nhà đó chia nhau các tấm lợp như chia nhau của cải thừa kế của cha ông.
Đến nay hầu hết các khu rừng pơ mu của Trạm Tấu cơ bản đã khai thác hết, người ta còn đào cả gốc, rễ để bán theo cân cho các xưởng làm hạt thảm. Như thế đủ thấy gỗ pơ mu quí hiếm đến chừng nào.
Trước làn sóng khai thác pơ mu tận diệt như vậy, năm 1993-1994 Lâm trường Trạm Tấu (nay là Ban Quản lý rừng phòng hộ) đã lên rừng lấy hạt pơ mu về gieo ươm, trồng 2,7 ha tại xã Hát Lừu. Mật độ trồng 1.600 cây/ha như trồng thông đuôi ngựa, cây sinh trưởng bình thường, không có sâu bệnh. Đến nay rừng pơ mu trồng đã được 26 năm, cây có đường kính gốc lớn nhất từ 35-40cm, đường kính trung bình 25 cm.
Ông Đào Công Trình, GĐ Ban quản lý rừng phòng hộ Trạm Tấu cho biết: Diện tích rừng pơ mu được giao khoán bảo vệ cho các hộ dân bản Lừu. Mặc dù là loài gỗ quý, nhưng đến nay khu rừng pơ mu không bị chặt phá dù một cây. Ban quản lý đã lấy khu rừng pơ mu đó làm rừng giống. Những năm gần đây, chúng tôi đều lấy hạt từ khu rừng pơ mu đó về gieo ươm phát cho người dân về trồng…
Từ thực tế đó, mỗi năm huyện Trạm Tấu trồng vài chục ha pơ mu, đến năm 2002, tổng diện tích pơ mu huyện Trạm Tấu trồng được 80 ha tập trung và phân tán, năm 2018 trồng 30 ha, kế hoạch năm 2019 Trạm Tấu trồng 50 ha vào những khu rừng phòng hộ.