Du lịch biển Việt Nam trước biến đổi khí hậu

Biển Duyên hải Nam Trung Bộ có vẻ đẹp rực rỡ với những bãi biển xanh trong, cát trắng, nắng vàng trải dài từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, được mệnh danh là “thiên đường du lịch biển đảo của Việt Nam”. Thế nhưng, những bãi biển đẹp đẽ ấy cùng bao tài sản đã đầu tư vào các khu du lịch, nghỉ dưỡng, dân cư đang có nguy cơ trôi xuống biển bởi sự giận giữ của thiên nhiên, trước sự gia tăng đáng kể nhiệt độ Trái đất…

Giải pháp ứng phó với BĐKH trong du lịch cần phải được chuẩn bị để sẵn sàng tích hợp vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (Ảnh: MH)

 Bãi biển biến mất…

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Bộ Văn hóa –  Thể thao và Du lịch), xói lở ven bờ là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sự phát triển du lịch của du lịch biển. Một số bãi biến mất trong khi số khác ngày càng bị xâm thực mạnh, ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên ở vùng đất thấp ven biển, làm hư hại các khu bảo tồn, khu du lịch sinh thái, kết cấu hạ tầng du lịch. Một số công trình, cơ sở vất chất kỹ thuật buộc phải di chuyển hoặc đình trệ kinh doanh, tăng chi phí cải tạo, bảo trì…

Không chỉ lao đao vì xâm thực, thời tiết bất thường, thiên tai cũng xảy ra nhiều hơn khiến các địa phương trở tay không kịp. Gần đây nhất, bãi biển đẹp nhất hành tinh ở Đà Nẵng bị tổn thương nặng nề do đợt mưa lớn lịch sử hồi cuối tháng 12/2018. Nước thoát ra biển với khối lượng lớn trong thời gian ngắn đã cuốn trôi hàng trăm mét bờ biển, có đoạn bị “ngoạm” sâu gần 30m.

Còn tại phố cổ Hội An (Quảng Nam), người dân thường phải sống chung với lũ vài năm trở lại đây. Theo chính quyền địa phương, Hội An từng ngập sâu 3,5m và có thể lên đến 4,5m nếu thời tiết tiếp tục bất thường trong thời gian tới. Nguy hiểm hơn, do khả năng thoát lũ hạn chế nên xảy ra hiện tượng bồi láp, chuyển dòng sông Hoài. Xói lở hàm ếch ăn sâu dọc tuyến đường từ càu Cẩm Nam đến chùa Cầu, đe dọa trực tiếp đến các kiến trúc cổ. 70 ngôi nhà cổ, tương đương 10% số nhà cổ tại đây đã xuống cấp nghiêm trọng và có thể sụp đổ.

Quy hoạch phát triển bền vững

Theo các chuyên gia, nền địa chất tại các khu vực ven biển ngày càng yếu đi và dễ bị tổn thương do sóng biển. Nguyên nhân do cộng hưởng từ tình trạng nước biển dâng, hoạt động khai thác nước ngầm quá mức, khai thác cát trái phép và tác động của các đập thủy điện ở thượng nguồn.

Bên cạnh đó, một số địa phương có khí hậu ôn hòa, ít khi xảy ra thiên tai nên khả năng ứng phó còn hạn chế. Đơn cử như Khánh Hòa, thời gian gần đây, mật độ xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới đã nhiều hơn. Trận bão tháng 12/2017 và đặc biệt là trận lũ lịch sử vdo áp thấp nhiệt đới vào cuối tháng 11/2018 đã gây thiệt hại năng nề cả về người và vật chất ở thành phố Nha Trang – thủ phủ du lịch của tỉnh Khánh Hòa.

Nguyên nhân do rừng bị tàn phá, địa hình sông suối có độ dốc cao cùng tốc độ xây dựng tăng nhanh, hệ thống hạ tầng không đồng bộ. Khi có bão và mưa lớn, nước dâng cao nhanh chóng, trong khi triều dâng cao cản đường nước rút ra biển nên đã gây lụt nặng.

Theo Tiến sĩ Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, (Bộ Văn hóa – Thể thao và du lịch), hiện nay, Tổng cục đang phối hợp với một số đơn vị tiến hành nghiên cứu toàn diện tác động của BĐKH đối với hoạt động du lịch của vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là cơ sở ban đầu để đề ra tầm nhìn từ quy hoạch đầu tư cho đến giải pháp thực hiện, làm sao phát triển bền vững, vừa đối phó các tác động của biến đổi khí hậu và con người vừa ngăn các hoạt động tiêu cực từ chính con người tạo nên.

Qua quá trình khảo sát, nhiều nơi không hẳn do BĐKH mà chính con người khai thác cát, tài nguyên khoáng sản, hoạt động du lịch tự phát dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phá hủy cảnh quan. Vì vậy, để đánh giá chính xác tác động của biến đổi khí hậu cần phải đưa vào cả yếu tố nhân tai, ông Siêu nhấn mạnh. Bước đầu, các giải pháp sẽ hướng tới giảm thiểu tác động của BĐKH. Tham vọng lớn hơn là có chiến lược để khắc phục đồng bộ các khó khăn, thách thức hiện nay của du lịch biển nói chung.

Theo các chuyên gia, việc dự báo các tác động càn dựa trên thực trạng địa phương và lồng ghép kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Từ đó, đưa ra kế hoạch ứng phó BĐKH cần bảo vệ tài nguyên khu vực như nào, rà soát, điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch các công trình, dự án ở nơi có nguy cơ cao.

PGS. TS Doãn Hoàng Xuân Phong, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho rằng, du lịch vốn là một trong các ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta. Bởi vậy, các giải pháp ứng phó với BĐKH trong du lịch cần phải được chuẩn bị ngay từ giờ để sẵn sàng  tích hợp vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn mới từ năm 2020.

Nguồn: