Ngày 10/1, tại nhà khách La Thành (Hà Nội) đã diễn ra buổi tọa đàm “Để cộng đồng thực sự làm chủ rừng: Thực tế và những thách thức” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức. Tọa đàm được thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Tiếng nói vì rừng Mê Kông” do Liên Minh Châu Âu tài trợ.
Quản lý rừng cộng đồng đang trở thành một trong những phương thức quản lý rừng phổ biến ở Việt Nam. Rừng cộng đồng gắn liền với sinh kế và nền tảng cuộc sống văn hóa xã hội của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Sau gần hai thập kỷ thực hiện thí điểm giao rừng và phát triển các mô hình quản lý rừng cộng đồng cho thấy “cộng đồng địa phương có khả năng quản lý rừng cộng đồng một cách hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích khác nhau về môi trường, kinh tế, và xã hội”. Cụ thể, giao rừng cho cộng đồng giúp hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, đồng thời gia tăng phục hồi và phát triển rừng, đồng thời, giúp tạo thu nhập từ rừng cho người dân. Tuy nhiên, đánh giá này không lảng tránh được thực tế là nhiều địa phương, nhất là các cơ quan quản lý, vẫn còn những định kiến hoặc ngần ngại hoặc không ủng hộ giao đất – giao rừng cho cộng đồng vì thiếu đi niềm tin, hoặc lo ngại rằng, sau khi giao rừng sẽ mất.
Đề cập về những hạn chế trong công tác giao đất, giao rừng tại Nghệ An, ông Quang Văn Đồng, Trưởng bản Hóc (Quỳ Châu, Nghệ An) cho biết: Những năm qua, việc giao đất, giao rừng cho các chủ rừng ở một số nơi trên thực địa còn chưa phân định rõ ràng dẫn đến tình trạng canh tác chồng chéo, xâm chiếm lẫn nhau. Đặc biệt, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân còn chậm và chưa gắn với công tác giao rừng; hiệu quả từ khai thác diện tích rừng và đất lâm nghiệp giao cho hộ gia đình, cá nhân ở một số nơi còn thấp, nguồn thu nhập từ rừng chưa tương xứng với tiềm năng.
Tại buổi tọa đàm, ông Phàn A Diu, Trưởng bản Chù Lìn, Hồ Thầu, Tam Đường, Lai Châu cho biết tại bản có 128 hộ sinh sống với 685 nhân khẩu. Ở bản có 2 loại rừng là rừng thiêng và rừng cộng đồng với tổng diện tích là 335.16 hecta. Với số lượng dân bản đông như vậy, trong khi diện tích định cư thì không đủ dẫn tới tình trạng có một số hộ lấn chiếm đất rừng để dựng nhà ở. Chính vì thế ông đã có kiến nghị lên các cấp huyện, cấp tỉnh mở rộng, quy hoạch thêm diện tích để người dân có chỗ ở nhằm hạn chế tình trạng lấn chiếm rừng để xây nhà ở. Bên cạnh đó, dịch vụ chi trả môi trường rừng đối với các hộ thấp, làm ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng.
Đặc biệt, với Luật Lâm nghiệp 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, khái niệm cộng đồng dân cư đã được mở rộng và lần đầu tiên cộng đồng dân cư được công nhận là một trong 7 chủ rừng. Đây là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy quản lý rừng cộng đồng, hướng tới bảo vệ bền vững các khu rừng tự nhiên và góp phần cải thiện sinh kế cộng đồng.
Theo ông Đào Xuân Khanh, Viện Chứng chỉ Rừng bền vững thì cần có chính sách hợp lý hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng như việc xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp để người dân yên tâm bảo vệ, phát triển rừng.
Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đã thảo luận và đề xuất một số giải pháp thiết thực, góp phần hoàn thiện chính sách và thực hiện có hiệu quả việc quản lý rừng cộng đồng ở Việt Nam. Trong đó, Nhà nước cần có chính sách, cơ chế hưởng lợi phù hợp đối với rừng giao cho cộng đồng thôn/bản; cần đơn giản hóa thủ tục giao đất rừng cho đồng bào các dân tộc. Chính quyền địa phương cần xác định giao đất giao rừng cho cộng đồng, thôn/bản là vấn đề ưu tiên bố trí kinh phí và thực sự quan tâm triển khai; cần rà soát lại ranh giới, trạng thái rừng, nhu cầu sử dụng đất rừng của cộng đồng để giải quyết tốt hiện trạng chồng lấn đất rừng, tranh chấp giữa các chủ rừng, thực hiện có hiệu quả công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng thôn/bản.