Biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến một số di sản thế giới. Từ những địa điểm du lịch nổi tiếng như Venice thơ mộng có nguy cơ biến mất, hay rạn san hô Great Barrier của Australia bị tẩy trắng trong nhiều năm… do nhiệt độ vẫn có dấu hiệu ấm dần lên.
Tính đến thời điểm này, đã có hơn một nghìn điểm di sản được UNESCO công nhận bởi những di sản văn hóa, di tích lịch sử, vườn quốc gia hay công trình kiến trúc… nổi bật ở từng quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp trong việc giảm phát thải khí nhà kính thì một phần di sản thế giới sẽ biến mất và các thế hệ tương lai sẽ không còn được chiêm ngưỡng chúng.
Sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiện diện ở khắp mọi nơi, từ vịnh băng IIulissat Icefjord ở Greenland, một di sản thế giới tại sông băng Sermeq Kujalleq đang tan chảy trước mắt chúng ta. Hay ngay cả vùng biển Wadden của Đức cũng không ngoại lệ. Bão tố và nước biển dâng cao là những vấn đề chính ở nơi này, khiến một số loài chim khó có thể tìm được nơi cư trú làm tổ.
Phó Giám đốc Chương trình Khí hậu và Năng lượng – Liên minh các nhà khoa học quan tâm, một tổ chức phi chính phủ tại Mỹ cho biết: “Mỗi di sản đều tồn tại mức độ đe dọa bởi biến đổi khí hậu khác nhau. Và thậm chí, Chính phủ Greenland còn đưa ra những gợi ý cho du khách đến đây như một dịp để chứng kiến sự thay đổi khí hậu trước khi nó biến mất”.
Ở một số địa điểm khác, mối đe dọa cũng thể hiện khá rõ hoặc có dấu hiệu sắp xảy ra. Theo báo cáo chung của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, UNESCO và Liên minh các nhà khoa học quan tâm, Vườn quốc gia Yellowstone (Mỹ) là một thí dụ điển hình. Nơi đây đang trải qua mùa dông ngắn hơn với lượng tuyết rơi ít hơn. Không chỉ thế, nhiệt độ nước trong sông, hồ nước, đầm lầy đang dần ấm hơn và hiện tượng cháy rừng cũng kéo dài hơn.
Các nhà khoa học ước tính, gần một nửa trong số các vùng đất ngập nước thuộc hệ sinh thái tại Yellowstone có thể biến mất, các đám cháy sẽ xảy ra thường xuyên hơn.
Ngoài ra, hiện tượng El Nino cũng đang làm ấm vùng nước chung quanh quần đảo Galápagos, ngoài khơi bờ biển Ecuador, góp phần làm ảnh hưởng tới nguồn cung cấp thực phẩm cho nhiều loài vật sinh sống tại đây.
Nhiệt độ nước biển tăng cũng ảnh hưởng đến các rạn san hô, như đảo san hô Aldabra ở Ấn Độ Dương, rạn san hô Belize Barrier ở Đại Tây Dương và rạn san hô Great Barrier ở Australia. Trong năm 2016 và 2017, sóng nhiệt đại dương do biến đổi khí hậu gây ra đã giết chết khoảng một nửa số san hô trên rạn san hô Great Barrier, cùng với nhiều nơi khác trên thế giới.
Không chỉ thế, mực nước biển dâng và sóng cao hơn trong các cơn bão cũng đe dọa lật đổ những bức tượng thần bằng đá bí ẩn trên Rapa Nui (hay còn gọi là đảo Phục Sinh) ở phía đông nam Thái Bình Dương.
Theo đánh giá toàn cầu của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), hiện có 241 địa điểm thiên nhiên đang bị đe dọa cao bởi biến đổi khí hậu. Xu hướng này đã tăng gấp đôi từ năm 2014 đến 2017, khiến biến đổi khí hậu trở thành “mối đe dọa phát triển nhanh nhất”. IUCN dự đoán, trong tương lai gần, sẽ có thêm nhiều di sản thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu tình trạng biến đổi khí hậu không chậm lại.