Trong những năm qua, có hàng trăm nghìn ha rừng Tây Nguyên do các công ty lâm nghiệp và ban quản lý rừng đã bị chặt phá, lấn chiếm, mua bán vô tội vạ. Hậu quả, mái nhà xanh Tây Nguyên phải hứng chịu nhiều trận lũ lụt, thiên tai bất thường. Vậy ai phải chịu trách nhiệm trước hậu quả thiên tai do việc mất rừng gây ra?
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kết luận, thời gian qua các công ty lâm nghiệp ở Đắk Lắk đã làm mất rừng nghiêm trọng, gây thiệt hại về tiền tương đương hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, các lãnh đạo công ty lâm nghiệp, kiểm lâm và chính quyền địa phương chưa ai bị xử lý hình sự vì việc này. Vì thế, KTNN đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo công an vào cuộc điều tra, xử lý trách nhiệm hình sự các chủ rừng để mất rừng.
Rừng bị phá
Sau nhiều ngày thực địa tại các khu rừng ở huyện Ea Súp (Đắk Lắk), chúng tôi chứng kiến những cánh rừng do các công ty lâm nghiệp nơi đây quản lý đang ngày đêm bị chặt phá tràn lan. Khi chạy xe máy vào tiểu khu 262, 264 (ở xã Cư M’lan, thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cư M’lan), chúng tôi bắt gặp rất nhiều xe máy cày độ chế ngang nhiên chở gỗ lậu chạy theo hướng từ rừng sâu ra trung tâm xã. Trong khi đó, những chiếc xe máy chở gỗ cũng ngang nhiên chạy trên tuyến đường liên xã Ja Lơi. Tại tuyến đường đất đỏ liên xã Ea Rốk, Cư K’bang và Ea Lê, có cả đoàn xe chở gỗ sao còn ứa nhựa (vừa được lâm tặc đốn hạ từ rừng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Rừng Xanh – PV) chạy vào trung tâm xã Cư K’bang, trước khi “qua mặt” trạm kiểm lâm địa bàn (đóng tại xã Ea Lê) để tuồn vào các xưởng gỗ.
Trong nhiều năm qua, tình trạng phá rừng tại Công ty lâm nghiệp Ea H’Mơ và Ya Lốp cũng diễn ra hết sức nghiêm trọng. Lần theo địa chỉ người dân cung cấp, PV có mặt tại lâm phần quản lý của Công ty TNHH Lâm nghiệp Ea H’Mơ để tìm hiểu việc phá rừng tại đây. Chỉ trong vòng bán kính chưa đầy 1.000 m2, chúng tôi đã đếm được có hơn 30 cây gỗ, đường kính từ 40-60 cm bị lâm tặc triệt hạ chỉ còn trơ gốc. Đặc biệt, cách trạm giữ rừng của công ty này khoảng 700 m, lâm tặc còn ngang nhiên dựng lán trại, đưa cưa mâm di động vào tổ chức khai thác gỗ như một công xưởng giữa ban ngày. Bên ngoài xưởng cưa, nhiều cây gỗ vừa được khai thác về vẫn còn ứa nhựa nằm lăn lóc. Theo quan sát, số gỗ này có đường kính từ 20-50 cm và dài 4-5 m, chủ yếu là gỗ dầu thuộc nhóm 4.
Trong khi đó, dọc hai bên đường từ trung tâm xã Ya Lốp sang xã Ia Jơi (huyện Ea Súp), hàng trăm cây rừng sau khi bị lâm tặc triệt hạ lấy mất phần thân, còn cành và gốc bị đốt cháy nham nhở. “Đây là một cách cánh lâm tặc tạo ra hiện trường giả như một vụ đốt rừng non để tránh cháy rừng nhằm đánh lừa lực lượng chức năng. Thực chất số gỗ đã được chúng khai thác và vận chuyển ra khỏi hiện trường trước đó”, một người dân cho biết. Tiếp tục tiến sâu vào rừng thuộc lâm phần quản lý của Công ty Lâm nghiệp Ya Lốp, PV chứng kiến những cây gỗ cổ thụ đang bị tàn phá, lối đi phủ đầy gỗ. Cạnh một trạm quản lý bảo vệ rừng ngay giữa trung tâm vùng lõi, có hàng chục cây gỗ xung quanh trạm bị đốn hạ ngổn ngang, những phần “nạc” đã được lâm tặc lấy đi chỉ còn trơ cành, lá. Điều ngạc nhiên nhất trong suốt một ngày vượt rừng, chúng tôi không hề bắt gặp bóng dáng của một cán bộ bảo vệ rừng nào.
Thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng
Vào ngày 19/1/2018, Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên ký thông báo kết quả kiểm toán số 53 về công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp tại các công ty nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk bao gồm 15 trang nội dung. Tại trang 2 thông báo này, KTNN cho biết: Từ năm 2014 – 2016, diện tích rừng tự nhiện do các công ty lâm nghiệp trong tỉnh Đắk Lắk quản lý bị mất vẫn tiếp tục gia tăng nghiêm trọng, đặc biệt công ty đóng chân trên địa bàn huyện Ea Súp. Tại đây, các công ty lâm nghiệp đã bị mất thêm hơn 10,6 nghìn ha. Trong đó, Công ty Lâm nghiệp Ea H’mơ bị mất hơn 2,1 nghìn ha, Công ty Lâm nghiệp Ya Lốp mất 871 ha, Công ty Lâm nghiệp Rừng Xanh mất hơn 4,9 nghìn ha và Công ty Lâm nghiệp Cư M’lan mất hơn 2,6 nghìn ha. Cộng thêm hơn 32 nghìn ha rừng bị đốt phá và khai thác trái phép, tổng số diện tích rừng bị thiệt hại tại các công ty lâm nghiệp từ năm 2014 – 2016 lên tới hơn 43 nghìn ha.
“Về diện tích 20.862 ha rừng tự nhiên giao về địa phương quản lý, theo báo cáo của các huyện, phần lớn rừng tự nhiên bàn giao không còn rừng tự nhiên. Như vậy, nếu tính cả phần diện tích đã mất rừng bàn giao về địa phương, thì tính hết năm 2016 diện tích rừng tự nhiên do các công ty lâm nghiệp quản lý đã bị mất có thể lên đến 64.237 ha. Nếu tính theo đơn giá trồng rừng mới do UBND tỉnh Đắk Lắk quy định (84,6 triệu đồng/ha) thì giá trị tối thiếu của diện tích rừng đã mất là 6.434 tỷ đồng”, trích trang 2, thông báo số 53 của KTNN.
Tại trang 3 thông báo này, KTNN cho biết diện tích rừng chưa bị mất tại nhiều công ty lâm nghiệp ở Đắk Lắk cũng có dấu hiệu suy giảm chất lượng nghiêm trọng. Cụ thể, từ năm 2012 – 2017, toàn bộ diện tích hơn 11.664 ha rừng trung bình tại Công ty Lâm nghiệp Ea H’mơ và Công ty Lâm nghiệp Ya Lốp đã chuyển thành rừng nghèo và nghèo kiệt. Còn trữ lượng gỗ đã bị mất từ năm 2012 – 2017 tại hai công ty này lên tới 1.913.692 m3, tương đường 3.827 tỷ đồng. Như vậy, cộng thêm cả 6.434 tỷ đồng bị thiệt hại do mất rừng nói trên thì tổng giá trị thiệt hại việc mất rừng tại các công ty lâm nghiệp Đắk Lắk quy đổi thành tiền lên tới hơn 10,2 nghìn tỷ đồng.
Đề nghị công an điều tra
Theo kết luận số 53 của KTNN, UBND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định giao đất lâm nghiệp gắn liền với giao rừng, cho thuê rừng đối với doanh nghiệp nhưng không chỉ đạo kiểm kê, phân loại rừng, đánh giá trữ lượng của từng loại rừng để gắn trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng của các công ty lâm nghiệp. Do vậy, trong suốt 10 năm qua, tỉnh không đánh giá được việc suy giảm trữ lượng rừng để làm cơ sở xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc các công ty lâm nghiệp để rừng bị phá với mức độ nghiêm trọng. Trong lúc đó, việc tỉnh không chỉ đạo thống kê, phân loại rừng, đánh giá trữ lượng gỗ vào thời điểm năm 2005 và năm 2010 đã góp phần che dấu tình trạng suy giảm trữ lượng rừng, giúp các công ty lâm nghiệp trốn tránh trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó, vô tình góp phần làm tình trạng chặt phá rừng tại các công ty lâm nghiệp diễn ra liên tục nhiều năm.
Vì thế, KTNN đã đề nghị tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh điều tra, xử lý theo các quy định của pháp luật đối với hành hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước đối với người đứng đầu và các cá nhân liên quan tại các công ty để mất rừng nghiêm trọng. Trong đó, Công ty Lâm nghiệp Cư M’lan và Công ty Lâm nghiệp Rừng Xanh (hiện đã sáp nhập vào Công ty TNHH Sản xuất, chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đắk Lắk) từ năm 2006 – 2016 đã làm mất hơn 20.394 ha rừng tự nhiên, gây thiệt hại tối thiểu hơn 1.725 tỷ đồng. Còn chất lượng rừng tại Công ty Lâm nghiệp Ea H’Mơ và Công ty Lâm nghiệp Ya Lốp (hiện đã sát nhập vào Công ty TNHH Cao su và lâm nghiệp Phước Hòa) từ năm 2012 – 2017 đã suy giảm nghiêm trọng, làm trữ lượng gỗ bị mất khoảng 1.913.692 m3, thiệt hại tương đương 3.827 tỷ đồng.
Thất thu hàng chục tỷ đồng tiền thuế
Theo kết luận số 53 của KTNN, thời gian qua, các cơ quan thuế Đắk Lắk đã không hướng dẫn, đôn đốc các công ty lâm nghiệp kê khai tiền thuê đất phải nộp, không hướng dẫn làm thủ tục miễn giảm tiền thuê đất nên hầu hết các doanh nghiệp được kiểm toán đều kê khai thiếu tiền thuê đất trong thời gian dài, gây thất thu lớn ngân sách Nhà nước. Có 13 công ty lâm nghiệp, 2 ban quản lý rừng phòng hộ chưa được ban hành đơn giá thuê đất trong khi đã có quyết định cho thuê đất lâm nghiệp với diện tích hơn 140,6 nghìn ha chưa có hợp đồng thuê đất.
Trong lúc đó, cơ quan thuế Đắk Lắk chưa lập bộ quản lý thu tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Việc Cục thuế tỉnh chỉ đạo hủy thông báo nộp tiền thuê đất đối với các công ty lâm nghiệp để giảm nợ tiền thuê đất hơn 29 tỷ đồng (từ năm 2006 đến ngày 30/6/2014) chưa đảm bảo cơ sở pháp lý, chưa phù hợp với quy định pháp luật về đất đai. Cục thuế tỉnh cũng đã ban hành quyết định miễn, giảm tiền thuê đất không đúng đối tượng dẫn đến phải truy thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 45,6 tỷ đồng.
Mất rừng là do… cơ chế?
Kết luận 53 của KTNN cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm trong công tác kiểm tra, đôn đốc việc giao dự án buộc phải trồng rừng thay thế. Theo đó, từ 2006 – 2016, tỉnh Đắk Lắk có quyết định thu hồi gần 3.868ha rừng để chuyển sang mục đích khác không phải lâm nghiệp nhưng các chủ đầu tư mới nộp tiền trồng rừng thay thể được hơn 52ha. Như vậy, còn hơn 3.815ha chưa trồng rừng thay thế, tương đương với số tiền hơn 317 tỉ đồng chưa thu là trái quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. KTNN yêu cầu Đắk Lắk phải thu hồi số tiền còn thiếu này để trồng rừng thay thế theo đúng quy định.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk, cho biết: Sau khi có kết luận kiểm toán, địa phương đã nhiều lần giải trình nhiều vấn đề liên quan nhưng không được KTNN chấp thuận. “UBND tỉnh Đắk Lắk đã hai lần gửi kiến nghị đến Bộ NN&PTNT để báo cáo, xin ý kiến về một số nội dung trong kết luận kiểm toán nhưng bộ vẫn chưa có phản hồi”, ông Dương thông tin.
Về nội dung KTNN yêu cầu tỉnh Đắk Lắk bổ sung 317 tỉ đồng để trồng thêm hơn 3.800ha rừng, ông Dương cho biết “việc này có những quan điểm khác nhau nên tính toán không giống nhau”. Theo ông Dương, sau khi có chỉ đạo về rà soát các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp có rừng sang mục đích khác” tỉnh đã tổng hợp 2.277ha phải trồng rừng thay thế, trong đó có gần 2.000ha thu hồi từ các công ty lâm nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế phải có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng mới phải trồng rừng thay thế theo quy định (tại Nghị định 23 ngày 3/3/2006 của Chính phủ).
Trong khi đó, có nhiều diện tích rừng không thuộc dự án nào đó, không phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nhưng do nằm xen kẽ, liền kề vùng dự án nên phải giao cho chủ đầu tư để tiện cho quản lý, bảo vệ rừng. Đơn cử, dự án Làng thanh niên lập nghiệp Ya Lốp được giao hơn 2.781ha đất và diện tích phải trồng rừng thay thế (làm cơ sở hạ tầng, điện đường…) là hơn 492ha. Tuy nhiên, kết luận kiểm toán yêu cầu dự án này phải trồng rừng thay thế là hơn 1.927 ha (tương đương diện tích đã thu hồi từ Công ty Ya Lốp để giao cho dự án) phải bố trí kinh phí để thực hiện trồng rừng thay thế với số tiền gần 163 tỉ đồng. “Điều này là bất hợp lý và không đúng với hoàn cảnh thực tế của dự án và khó khả thi. Tuy nhiên các giải trình của sở, của tỉnh đều không được kiểm toán chấp nhận nên chúng tôi đã báo cáo, xin ý kiến Bộ”, ông Dương nói.
Ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho biết thêm, đến nay sở và tỉnh tiếp tục giải trình theo hướng chỉnh sửa một số nội dung trong kết luận kiểm toán về công tác giao đất, giao rừng và trồng rừng thay thế. “Nhiều quy định của luật hiện nay khi áp dụng thực tế không được nhưng chúng tôi đã giải thích, giải trình không được ghi nhận. Tuy vậy, trên cơ sở kết luận, chúng tôi cũng đã có nhiều nội dung tiếp thu và yêu cầu Chi cục Kiểm lâm căn cứ các kiến nghị của kiểm toán để tổ chức kiểm điểm, xử lý các cá nhân, tập thể liên quan đến các sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng từ 2006 đến nay”, ông Dương cho biết.
Ông Dương cũng cho rằng kiểm toán Nhà nước áp giá trồng rừng phòng hộ 84,6 triệu đồng/ha để tính số tiền trồng rừng còn thiếu là chưa chính xác. “Những con số đưa ra của Kiểm toán Nhà nước thực tế là con số treo, áp đặt và khó khả thi. Cần nhìn nhận nhiều dự án giao rừng nhưng thực tế không còn rừng nên không thể buộc chủ đầu tư phải trồng rừng thay thế. Giờ kiểm toán yêu cầu truy thu, các dự án lấy tiền lấy đâu để trả?”, ông Dương nói.
Theo KTNN, việc thu hồi rừng, giao rừng của tỉnh Đắk Lắk chỉ căn cứ nhu cầu chuyển mục đích sử dụng của chủ đầu tư nên đã không đấu giá quyền sử dụng rừng; Chủ đầu tư cũng không nộp tiền sử dụng rừng, thuê rừng theo quy định… “Vì vậy, diện tích rừng tự nhiên đã giao cho các chủ đầu tư phải nộp tiền trồng rừng thay thế (theo kết luận kiểm toán) là phù hợp”, KTNN khẳng định. Về đơn giá trồng rừng thay thế (84,6 triệu đồng/ha) mà KTNN khẳng định áp dụng là hợp lý vì có như vậy “thì nhà nước mới đạt được mục đích trồng rừng thay thế (theo quy định là phải là rừng phòng hộ, đặc dụng)”.