Theo bà Heidi Hautala, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Hiệp định VPA/FLEGT với Việt Nam là hiệp định thứ hai tại châu Á mà EU đã ký kết, sau Indonesia. Đây là một bước đi quan trọng của EU trong việc xây dựng một chiến lược rộng hơn nhằm nâng cao đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại châu Á và chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.
Trong chuyến công tác tại Việt Nam từ ngày 7-9/1 của Đoàn công tác của Nghị viện châu Âu do bà Heidi Hautala, Phó Chủ tịch Nghị viện dẫn đầu, chiều ngày 7/1, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Đoàn công tác tổ chức họp báo xung quanh vấn đề phối hợp hoàn tất Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).
Theo bà Heidi Hautala, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Hiệp định VPA/FLEGT với Việt Nam là hiệp định thứ hai tại châu Á mà EU đã ký kết, sau Indonesia. Đây là một bước đi quan trọng của EU trong việc xây dựng một chiến lược rộng hơn nhằm nâng cao đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại châu Á và chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Việt Nam đã cam kết ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo chỉ có gỗ được sản xuất hợp pháp nhập khẩu vào Việt Nam.
“Chúng ta cần đảm bảo nguồn gốc gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp khi vào EU. Việc xác định những quy định chi tiết, đặc biệt liên quan đến nhập khẩu là việc quan trọng trong thực hiện vấn đề này”, bà Heidi Hautala nhấn mạnh.
Bà Heidi Hautala cho rằng, Hiệp định sẽ tạo được tính minh mạch và lan tỏa trong chuỗi sản xuất cũng như với các quốc gia khác bởi EU đã và đang chuẩn bị ký hiệp định với 16 quốc gia khác. EU đang hướng tới sớm phê chuẩn hiệp định này với Việt Nam thời gian tới. Việt Nam cũng đã cam kết về lĩnh vực này trong khuôn khổ của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Vì vậy, việc triển khai Hiệp định VPA sẽ tạo thuận lợi cho các thảo luận về EVFTA.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: “Minh bạch hóa gỗ nhập khẩu được kiểm soát chuỗi cung từ các quốc gia khác là vấn đề rất được quan tâm trong suốt 6 năm đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT vừa qua. Trên cơ sở thỏa thuận với EU và các đối tác khác về kiểm soát nguồn gốc, Việt Nam cũng đàm phán để có được những quy định hài hòa hóa kiểm soát chuỗi cung”.
“Với việc sửa Luật Lâm nghiệp, hiện nay Việt Nam đã chính thức đưa vào luật việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chuỗi cung hợp pháp. Sau Luật, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ 4 nghị định, Bộ ban hành 7 thông tư và có một thông tư chuyên đề về truy xuất và kiểm soát nguồn gốc gỗ để bắt đầu thực thi từ 1/1/2019”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Bà Heidi Hautala nhìn nhận việc quan trọng nhất là giám sát thực thi sau khi hiệp định được phê chuẩn. “Tại EU, vai trò của rừng rất quan trọng. Cùng với đó, doanh nghiệp kinh doanh và người dân ngày càng có nhu cầu tăng lên về sản phẩm được sản xuất hợp pháp và phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức”, bà Heidi Hautala nhấn mạnh.
* Trước đó, cũng trong ngày 7/1, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc họp song phương với Đoàn công tác.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao mối quan hệ hợp tác rất phát triển giữa Việt Nam và EU, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư. EU có trình độ quản trị tốt, đặc biệt là công nghệ rất cao, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế Việt Nam. Mối quan hệ Việt Nam và EU ngày càng được mở rộng sâu sắc và có hiệu quả rất thiết thực.
Về phát triển bền vững, EU được coi là đối tác phát triển với hai trụ cột chính là kinh tế biển và phát triển rừng. Phát triển thủy sản và rừng cũng được coi là vấn đề quan trọng của Việt Nam.
Về lâm nghiệp, Việt Nam rất coi trọng vấn đề phát triển lâm nghiệp. Đến nay, Việt Nam đã có trên 14 triệu ha rừng; tỉ lệ che phủ rừng đạt 41,65%. Đây là tỉ lệ cao trong khu vực và thế giới, đặc biệt là so với trình độ nền kinh tế và địa hình của Việt Nam.
Việt Nam đang xây dựng ngành kinh tế lâm nghiệp với sự tham gia của 4.500 doanh nghiệp tham gia và chuỗi lâm sản. Năm 2018, Việt Nam đã chủ động được 80% nguyên liệu. Do đó, bước đầu xây dựng được ngành kinh tế lâm nghiệp với kim ngạch xuất khẩu trên 9 tỷ USD.