Buôn bán ĐVHD đã trở thành một ngành có giá trị rất lớn trên toàn cầu, ước tính đạt hơn 300 tỷ USD năm 2005. Đây cũng là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sự sống của các loài trên trái đất. Tuy nhiên do tính chất bí mật của buôn bán bất hợp pháp ĐVHD và sự phức tạp của các mạng lưới liên quan, rất khó để có được thông tin đáng tin cậy trong dòng chảy thương mại ĐVHD. Nhằm góp phần giải quyết tình trạng này, một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia Singapore và Tổ chức Bảo tồn các loài hoang dã (WCS) tại Mỹ đã phát triển một khung mô hình lực hấp dẫn (gravity moderlling) để phân tích và so sánh dữ liệu thương mại hợp pháp các sản phẩm ĐVHD.
Khung mô hình này được cho là giúp soi sáng các khía cạnh chưa từng thấy của buôn bán ĐVHD bất hợp pháp và hợp pháp, giúp thực hiện các biện pháp can thiệp để hạn chế tác động của thương mại đối với quần thể hoang dã.
Mô hình lực hấp dẫn trong buôn bán ĐVHD
Dữ liệu về buôn bán ĐVHD là một ma trận thông tin, gây khó khăn cho việc tiếp cận. Các hệ thống như Hệ thống Thông tin quản lý thực thi pháp luật Cục Cá và ĐVHD Hoa Kỳ (LEMIS), Trao đổi Thông tin ĐVHD của Liên minh Châu Âu (EU-TWIX) và Mạng lưới Thực thi Hải quan Tổ chức Hải quan Thế giới (WCOCEN) duy trì cơ sở dữ liệu về các vụ bắt giữ, nhưng phần lớn không công khai. Trong khi đó, mặc dù có một nguồn tài nguyên tuyệt vời là cơ sở dữ liệu công khai chứa khoảng 15 triệu hồ sơ về thương mại hợp pháp các loài được bảo vệ nghiêm ngặt, việc CITES thu thập dữ liệu dựa trên báo cáo hàng năm của các quốc gia lại chứa quá nhiều rủi ro. Bởi lẽ, nếu quốc gia đó có hệ thống luật pháp và quản trị yếu kém, CITES có thể không thể nhận được các báo cáo đầy đủ và điều này làm suy yếu tính khả tín của cơ sở dữ liệu chung.
Mặt khác, các báo cáo còn có xu hướng thiên vị khi tập trung vào các loài bị đe dọa toàn cầu và có giá trị cao như hổ, voi và tê giác mà ít chú ý đến những nhóm như phong lan, gỗ, cá, san hô – vốn được giao dịch với khối lượng rất lớn trên toàn cầu nhưng ít được nghiên cứu, đẩy các nhóm này vào nguy cơ bị khai thác quá mức từ thương mại không bền vững.
Để giải quyết vấn đề này, nghiên cứu The grarvity of wildlife trade[1] đã phát triển một khung mô hình lực hấp dẫn (gravity model) để phân tích và so sánh dữ liệu về thương mại hợp pháp các sản phẩm động vật có vú, chim và bò sát được CITES ghi nhận với dữ liệu về các vụ tịch thu sản phẩm ĐVHD bất hợp pháp vào Hoa Kỳ từ năm 2004 đến năm 2013.
Mô hình lực hấp dẫn là một kỹ thuật thường được sử dụng trong nghiên cứu về thương mại quốc tế nhằm mô tả các động lực và thế mạnh của các dòng thương mại song phương. Ở dạng cơ bản nhất, mô hình này giả định rằng quy mô của thương mại song phương phụ thuộc vào quy mô của hai nền kinh tế và khoảng cách giữa chúng. Mô hình này cũng có thể được bổ sung với các yếu tố khác như khoảng cách về thể chế, ngôn ngữ chung và sự tiếp giáp biên giới để từ đó xác định các yếu tố định hình sự trao đổi thương mại giữa hai quốc gia.
Đối với buôn bán ĐVHD, mô hình lực hấp dẫn là một kỹ thuật mới được áp dụng với cơ sở dữ liệu về động vật có vú, các loài chim và bò sát do CITES cấp phép trong giai đoạn 2004-2013. Sau đó, nghiên cũng áp dụng khung mô hình với các vụ bắt giữ trái phép của các nhóm động vật tương tự được dưa vào thị trường Hoa Kỳ theo cơ sở dữ liệu LEMIS. Từ đó, nghiên cứu cung cấp một bức tranh tổng quan toàn cầu đầu tiên về các yếu tố thúc đẩy thương mại hợp pháp các sản phẩm động vật có vú, chim và bò sát và ước tính các luồng thương mại “lậu” chưa bị phát hiện.
Điểm nổi bật là nghiên cứu đã vượt ra ngoài các nghiên cứu mô tả trước đây về buôn bán ĐVHD hợp pháp và bất hợp pháp trên toàn cầu. Thông qua phương pháp mô hình lực hấp dẫn tương đối đơn giản, dựa trên các đánh giá về động lực thương mại của các sản phẩm khác nhau trong các thị trường khác nhau, nghiên cứu đã làm nổi bật nhu cầu can thiệp và chiến lược giám sát cụ thể tới các nhóm sản phẩm ĐVHD.
Thương mại hợp pháp
Đúng như dự đoán, nghiên cứu cho thấy các nước xuất khẩu ĐVHD có tư cách pháp lý được xếp ở nhóm 3 (nhóm các quốc gia có nền pháp lý được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu thực thi CITES) có giao dịch ít hơn ở tất cả các sản phẩm ĐVHD, có lẽ do các giao dịch từ nhóm nước này nằm ngoài khuôn khổ CITES. Tuy nhiên, điều khác thường là các quốc gia này cùng với các quốc gia có tình trạng pháp lý ở nhóm 2 (các quốc gia có nền pháp lý được đánh giá là không đáp ứng được tất cả các yêu cầu thực thi CITES) lại nhập nhiều sản phẩm chim chóc hơn. Điều này cho thấy khả năng thu thập thông tin về thương mại của CITES không đồng nhất giữa các nhóm loài. Như vậy, khả năng điều tiết thương mại, qua đó ngăn chặn việc khai thác không bền vững của CITES là tùy thuộc nhóm sản phẩm. Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng về vai trò của CITES trong bảo tồn các nhóm loài có ít thông tin và có nguy cơ bị khai thác quá mức do thương mại thiếu bền vững, đặc biệt với các nhóm ít được nghiên cứu nhưng được giao dịch với khối lượng rất lớn trên toàn cầu như hoa lan, gỗ, cá và san hô.
Sự không đồng nhất trong dữ liệu về các nhóm loài càng trở nên trầm trọng hơn khi kết quả nghiên cứu còn cho thấy một sự thiên kiến khác. Theo đó, kết quả cho thấy các nước ít tham nhũng hơn lại xuất khẩu khối lượng ĐVHD cao hơn. Tuy nhiên, Điều này không đồng nghĩa với việc nước tham nhũng nhiều hơn thì xuất khẩu ít hơn mà trên thực tế xuất khẩu từ các nước này ít có khả năng bị CITES ghi nhận. Có lẽ phần lớn thị trường diễn ra ngoài tầm hoạt động của CITES. Mặc dù GDP là động lực tích cực của thương mại ở tất cả các nhóm, việc các nước có GDP cao như Brazil, Ấn Độ hay Trung Quốc không được xếp trong nhóm 10 quốc gia nhập khẩu hàng đầu ở bất kỳ nhóm loài nào (trừ Trung Quốc là nước xếp thứ 9 về nhập khẩu bò sát), cho thấy khối lượng giao dịch cao có thể diễn ra ngoài khuôn khổ của CITES. Nghiên cứu cũng bác bỏ giả định rằng các quốc gia này không buôn bán các sản phẩm ĐVHD có kiểm soát của CITES, vì nhiều bằng chứng cho thấy thương mại vẫn diễn ra nhưng không bị CITES ghi nhận.
Qua đó nghiên cứu khuyến cáo CITES cần tăng năng lực giám sát tại các khu vực mà nghiên cứu cho là có thương mại nhiều hơn mức hiện đang được ghi nhận.
Nói chung, nghiên cứu thấy rằng các giao dịch thương mại trong phạm vi CITES phù hợp với các giả định của mô hình lực hấp dẫn, với khối lượng thương mại tăng theo GDP của các nước nhập khẩu và xuất khẩu. Trong khi đó, thương mại các sản phẩm bò sát giảm theo khoảng cách giữa các nước, giao dịch các sản phẩm chim chóc và động vật có vú cũng tăng theo sự gần gũi về biên giới và ngôn ngữ chung.
Điều thú vị là các tác giả tìm ra mối tương quan giữa sự bảo vệ đa dạng sinh học ở các nước xuất khẩu có ảnh hưởng tích cực đến khối lượng thương mại trong tất cả các nhóm ĐVHD. Điều này có nghĩa là, các nước có đa dạng sinh học cao hơn thường buôn bán nhiều sản phẩm ĐVHD.
Bằng cách mô hình hóa dòng chảy thương mại song phương, trong một số trường hợp, nghiên cứu có vẻ như không tìm được đích đến dự kiến hoặc nguồn gốc của hàng hóa. Điều này càng khó khăn hơn vì các phân loài của nghiên cứu khá rộng và sự khác biệt về động lực thị trường đối với mỗi sản phẩm ĐVHD, cũng như các sai sót tiềm tàng trong dữ liệu được báo cáo cho CITES. Do đó, nghiên cứu cũng thừa nhận việc chưa thể suy luận chắc chắn về vai trò của các quốc gia trung chuyển trong các mạng lưới này, hoặc vạch ra lộ trình mà các sản phẩm lưu thông trên toàn cầu.
Thương mại bất hợp pháp
Giống như thương mại hợp pháp, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy buôn bán bất hợp pháp nói chung phù hợp với khung mô hình lực hấp dẫn, với GDP là động lực quan trọng của thương mại ĐVHD. Tuy nhiên, một lần nữa nghiên cứu ghi nhận có sự khác biệt giữa các phân loài và điều này cho thấy có các đường lưu thông khác nhau đối với các sản phẩm khác nhau. Trong cả ba nhóm loài, các mô hình của nghiên cứu cho thấy lực hấp dẫn thương mại cao nhất của các sản phẩm bất hợp pháp là từ Canada, Mexico và Trung Quốc, khớp với các nghiên cứu trước đây. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì cả ba đều là đối tác thương mại lớn của Mỹ, trong đó Mexico và Canada có biên giới dài, tương đối mở với Mỹ. Kết quả của nghiên cứu trái ngược với quan niệm truyền thống rằng các sản phẩm ĐVHD bất hợp pháp chảy từ các nước đang phát triển về các nước phát triển. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm ĐVHD bất hợp pháp vào Hoa Kỳ bị giữ lại tại sân bay, do đó khối lượng lớn các sản phẩm ĐVHD bất hợp pháp đến từ các nước phát triển cho thấy hành trình phức tạp, đa tầng mà chúng trải qua trước khi đến đích.
Điều này rất quan trọng khi nghiên cứu xét đến tác động của việc báo cáo không đầy đủ của các quốc gia lên CITES. Theo mô hình của nghiên cứu, việc báo cáo không đầy đủ về buôn bán ĐVHD bất hợp pháp tập trung ở Trung Phi, Trung Đông, Trung Á, Đông Âu và một số vùng ở Đông Nam Á. Hầu hết các quốc gia có xác suất cao về báo cáo không đầy đủ đều nghèo, tham nhũng cao và hiện đang là khu vực xung đột. Chính vì vậy, những quốc gia này ít khả năng có liên kết thương mại trực tiếp hoặc theo đường hàng không với Hoa Kỳ. Thay vào đó, sản phẩm từ những nơi này đến Mỹ thông qua một “người hàng xóm” có kết nối tốt hơn, hoặc qua nhiều tầng nấc là các mạng lưới phức tạp. Các mạng lưới này cũng làm tăng xác suất một sản phẩm bất hợp pháp được “rửa sạch” thông qua thị trường nội địa hợp pháp trong quá trình lưu thông (ví dụ: ngà voi ở Trung Quốc). Kết quả nghiên cứu cho thấy tình trạng báo cáo không đầy đủ ở một số quốc đảo ở Thái Bình Dương là rất cao. Bị cô lập về mặt địa lý, nền kinh tế chưa phát triển, năng lực thực thi pháp luật thấp, quản trị tương đối kém và dân số ít, các quốc đảo này có vẻ là cảng trung chuyển cho sản phẩm ĐVHD bất hợp pháp.
Nghiên cứu cũng cho thấy những thiên kiến về loài trong việc phát hiện các vụ buôn bán ĐVHD (phản ánh kết quả từ thương mại hợp pháp). Theo đó, các sản phẩm chim chóc và bò sát ít được báo cáo hơn nhiều so với động vật có vú. Có nhiều cách giải thích cho những kết quả này. Có thể các sản phẩm động vật có vú dễ bị hải quan phát hiện và tịch thu hơn, hoặc có thể đây là kết quả của các nỗ lực lớn hơn (ví dụ đào tạo cho cán bộ hải quan và tăng cường giám sát) hướng vào các sản phẩm động vật có vú. Thiên kiến về loài càng trở nên trầm trọng hơn bởi sự tồn tại của các mạng lưới khác nhau cho mỗi sản phẩm, khiến các sản phẩm chim chóc và bò sát không chỉ ít có khả năng bị phát hiện, mà điểm nhập cảnh cũng không mấy khi bị giám sát.
Kết quả phát hiện về các vụ việc buôn bán các sản phẩm ĐVHD không đồng đều ở các loài khác nhau cũng thể hiện sự thiên kiến trong nhận thức của chúng ta về các mạng lưới thương mại đối với các loài động vật có vú được quan tâm. Tuy nghiên cứu chỉ tập trung vào 3 trong số các nhóm được nghiên cứu kỹ nhất (bò sát, động vật có vú và chim), tác động của sự thiên kiến này có lẽ được thể hiện rõ hơn ở các thị trường ít được hiểu rõ, chẳng hạn như hoa lan, động vật không xương sống, gỗ và san hô. Hệ quả là, giao dịch những loài này ít có khả năng bị phát hiện và ngăn chặn, dẫn tới nguy cơ tuyệt chủng cao hơn do khai thác không bền vững. Từ đó, nghiên cứu khuyến cáo cần tăng khả năng phát hiện các sản phẩm ít được biết tới, thông qua đào tạo và áp dụng các công nghệ mới như mã vạch ADN và phân tích đồng vị ổn định.
Tóm lại, mô hình lực hấp dẫn có thể cho thấy xu hướng chung trong mạng lưới thương mại ĐVHD và thử nghiệm các động lực lưu thông của sản phẩm ĐVHD trên toàn cầu, nhưng mức độ mà mô hình này giải thích rõ về các mạng lưới bị giới hạn do tính sẵn có của dữ liệu. Từ đó, nghiên cứu khuyến cáo rằng các nỗ lực nghiên cứu buôn bán ĐVHD bất hợp pháp trong tương lai nên tích hợp dữ liệu từ một số nguồn như CITES, LEMIS, EU-TWIX, Hệ thống hài hòa của Tổ chức Hải quan Thế giới (World Customs Organization Harmonized System) và các hệ thống báo cáo quốc gia khác để thiết lập một cái nhìn tổng quan toàn diện hơn về mạng lưới. Bởi lẽ, nếu giám sát và thực thi đứng riêng rẽ thì không thể mang lại thành công trong việc kiểm soát buôn bán ĐVHD hợp pháp và bất hợp pháp. Từ đó, các tác giả nghiên cứu ủng hộ một cách tiếp cận đa dạng theo từng nhóm sản phẩm ĐVHD, sử dụng các động lực thị trường, sự tham gia của cộng đồng cùng với nhiều hơn các phương pháp thực thi và giám sát truyền thống.
[1]Symes, W.S., Biological Conservation (2017), http://bit.ly/btcs702
PanNature tổng lược