Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa ký quyết định công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành trong năm 2018. Đây là những sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, thu hút sự quan tâm to lớn của dư luận.
Trước đó, ngày 23/10, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định thành lập một hội đồng gồm đại diện lãnh đạo Bộ và các cục, vụ để đánh giá, lựa chọn 10 sự kiện nổi bật dựa trên những tiêu chí được nêu ra trong Quy chế bình xét, công bố các sự kiện nổi bật hàng năm của ngành ban hành năm 2017.
Quy chế này đưa ra một số tiêu chí để bình xét như: Phải là sự kiện có tính chất tiêu biểu, điển hình, diễn ra lần đầu; có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn hoặc có ý nghĩa chính trị quan trọng; thu hút sự quan tâm to lớn của dư luận, ảnh hưởng đến đời sống xã hội và có tác động trực tiếp đến chính sách quản lý nhà nước.
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau khi tổng hợp hồ sơ đề xuất các sự kiện từ Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, Cơ quan thường trực Hội đồng bình xét sự kiện của ngành đã đăng tải thông tin trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ (thời gian 10 ngày), để tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng.
“Căn cứ kết quả tham vấn cộng đồng, Hội đồng đã thông qua thảo luận, đánh giá kỹ lưỡng, và lựa chọn 10 sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng nhất,” vị đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.
Dưới đây là 10 sự kiện tiêu điểm của ngành tài nguyên và môi trường 2018:
1. Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là Nghị quyết quan trọng, cấp thiết, mang tính thời đại của Đảng trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước liên quan đến biển, đảo diễn biến phức tạp; đặt ra yêu cầu đưa nước ta trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước; tham gia chủ động, có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.
2. Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Đo đạc và Bản đồ.
Lần đầu tiên, hoạt động chuyên ngành lĩnh vực đo đạc và bản đồ của nước ta được chuẩn hóa thành Luật, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn cách mạng công nghệ 4.0; làm nền tảng để phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, cơ sở nghiên cứu khoa học trái đất…
3. Nhiều chủ trương của Đảng về quản lý tài nguyên đất đai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biển đổi khí hậu được tổng kết, sơ kết đánh giá một cách toàn diện.
Qua đó, khẳng định những kết quả đạt được cần phát huy; chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần phải tiếp tục tập trung chỉ đạo trong hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực thi để phát huy nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho phát triển bền vững đất nước giai đoạn tới.
4. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
Cũng trong năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các Thông tư quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với 6 chủng loại phế liệu nhập khẩu có nhu cầu sử dụng lớn hiện nay là sắt, thép; nhựa; giấy; thủy tinh; kim loại màu; xỉ hạt lò cao.
5. Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF6): Sự kiện quốc tế quy mô toàn cầu do Việt Nam đăng cai tổ chức.
Kỳ Đại hội có sự tham dự của gần 1.500 đại biểu gồm một số nguyên thủ, lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng, lãnh đạo cơ quan môi trường của 183 quốc gia, các tổ chức của Liên hợp quốc, tổ chức phi chính phủ về môi trường, các định chế tài chính quốc tế, đại diện một số đối tác phát triển tại Việt Nam, các chuyên gia về môi trường…, để thảo luận những vấn đề môi trường của thế giới.
6. Sáng kiến về thiết lập Cơ chế hợp tác toàn cầu, mối quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đại dương hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa.
7. Công viên địa chất non nước Cao Bằng được công nhận Công viên Địa chất toàn cầu tại Phiên họp lần thứ 204 Hội đồng chấp hành UNESCO được tổ chức tháng 4 năm 2018 tại Pa-ris, Cộng hòa Pháp.
Đây là Công viên địa chất toàn cầu thứ hai của Việt Nam được công nhận tiếp sau Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang; danh hiệu thứ 38 của Việt Nam được UNESCO công nhận và là Công viên địa chất toàn cầu thứ 8 khu vực Đông Nam Á.
8. Hà Nội, thành phố đầu tiên của nước ta đầu tư hệ thống mạng lưới quan trắc không khí theo tiêu chuẩn mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia đảm bảo đồng bộ, hiện đại.
Theo đó đến năm 2018, Hà Nội hoàn thành đầu tư đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động; 01 xe quan trắc không khí lưu động; 06 trạm quan trắc nước mặt; xây dựng Trung tâm Điều hành và Quản lý dữ liệu Tài nguyên và Môi trường và nhiều phương tiện, công nghệ, thiết bị quan trắc môi trường hiện đại khác.
9. Đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính và cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
10. Tìm thấy nước ngọt tại đảo Bạch Long Vĩ.
Đầu năm 2018 đã tìm ra và khoan thành công 2 lỗ khoan (BLV1 và BLV2) tại huyện đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng với độ sâu 80m, đạt lưu lượng tương đương là 0,526l/s, 0,35l/s nước ngọt, tương đương với lưu lượng tổng cộng là 75m3/ngày; xây dựng, chuyển giao trạm xử lý nước để đưa vào sử dụng cho sinh hoạt.