Ấn Độ thống khổ vì ô nhiễm

Các nhà máy điện của Ấn Độ, vốn là những nhà máy dơ nhất thế giới, sẽ tiêu thụ thêm 50% lượng than đá vào năm 2030.

Bất cứ ai ở Nawab Colony, Ấn Độ đều có thể chỉ ra những ai là nạn nhân của ô nhiễm. Cô gái 20 tuổi Annisa, chẳng hạn, có gương mặt của một ngôi sao Bollywood nhưng đôi chân của cô lại teo tóp đến nỗi cô không thể tự đi đứng được. Raj, 13 tuổi, cũng teo tóp và gần như liệt cả người. Cậu được cha vác trên người như một con búp bê lớn xác. Một cậu bé tuổi teen khác là Shyamlal thì ngồi một mình ngay thềm cửa. Cậu bị liệt nhưng nhẹ hơn Raj vì ít nhất cậu còn có thể nói chuyện và không bị chảy nước dãi. Cách đường ray xe lửa vài bước là hình ảnh một cô bé với thân hình còi cọc đang ngả đầu trên vai mẹ vì không thể tự mình dựng đầu dậy.


Những câu chuyện kể trên chỉ là một vài trong số khoảng 961 trường hợp được “góm nhặt” bởi Chingari Trust, một tổ chức từ thiện địa phương chuyên giúp đỡ các trẻ em là nạn nhân của vụ tai nạn công nghiệp tồi tệ nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, không ai trong số những đứa trẻ này thậm chí được sinh ra khi khoảng 40 tấn khí methyl isocyanate trào ra từ nhà máy thuốc trừ sâu của Union Carbide tại đó, cướp đi sinh mạng của 4.000-16.000 người.

Đó là thảm họa xảy ra năm 1984. Nguyên nhân được cho là gây ra tình trạng tàn tật, ốm yếu triền miên của nhiều đứa trẻ nơi đây không phải là khí độc hại methyl isocyanate  hay tác động của nó lên cha mẹ chúng, mà là nguồn nước từ các giếng địa phương bị tràn ngập những độc tố mà nhà máy bắt đầu thải ra vào năm 1969.

Đột ngột bị bỏ hoang, nhà máy cứ nằm im lìm chờ được dọn sạch kể từ sau vụ tràn khí methyl isocyanate, dẫn đến rò rỉ chất độc vào lòng đất. Chỉ đến năm 2014, sau lệnh của một thẩm phán Nawab mới có được nước máy để sử dụng. Nhưng nguồn cung nước thường bị cắt, vì thế nhiều người dân vẫn phải sống dựa vào thiết bị bơm tay cũ.

Tình cảnh của khoảng 100.000 người dân nghèo đang sống ở khu vực này cho thấy phần nào sự bất lực của Ấn Độ trong việc đối phó ô nhiễm. Tại Delhi, người dân phải hít vào lượng khí độc hại tương đương nửa gói thuốc lá vào một ngày bình thường và tương đương 2 gói thuốc lá vào một ngày có thời tiết xấu.

Các hồ ở ngoại ô và hệ thống sông lạch ở Bangalore, trung tâm công nghệ cao của Ấn Độ, khi thì phủ đầy lớp bọt độc hại, khi thì chìm trong biển lửa: vào tháng 1, 5.000 lính mất 7 tiếng đồng hồ mới dập tắt bão lửa trên hồ Bellandur. Tại Hyderabad, thủ phủ dược phẩm của Ấn Độ, thuốc kháng sinh đang rò rỉ chảy vào các dòng sông, làm tăng mức độ phát triển của vi trùng kháng thuốc. Trên khắp Ấn Độ, hơn 2/3 nước thải đô thị không được xử lý.

Ô nhiễm không chỉ là nỗi khổ của người dân đô thị. Bầu trời trên khắp vùng đồng bằng Ấn – Hằng với diện tích nông nghiệp rộng lớn đều u ám bởi khói than đá và dầu diesel chẳng hề thua kém Delhi. Dòng sông Hằng linh thiêng dài 2.500km cũng không thích hợp để tắm rửa hay lấy nước uống.

Hoạt động khai thác mỏ ráo riết đã phá hủy các khu rừng và để lại những mảng bụi đen ngòm trên khắp miền Trung Ấn Độ. Về lâu dài, người nông dân sẽ phải trả giá còn kinh khủng hơn: trái đất nóng lên đã tác động đến gió mùa hằng năm, khiến lũ lụt đến nhanh và hạn hán xảy ra đột ngột.

Chính phủ Ấn Độ không phải không thấy vấn nạn. Nước này đã tung ra một kế hoạch làm sạch sông Hằng ngay từ năm 1986. Cách đây gần 20 năm, Delhi đã đi tiên phong trong việc đưa các phương tiện vận tải công cộng chuyển sang sử dụng khí tự nhiên.

Chính phủ đương nhiệm thì đã gia tăng siết chặt các tiêu chuẩn thải khí quốc qua, đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo và tăng cường các sáng kiến để ngăn không cho nông dân đốt ruộng. Tại một cuộc họp ở Ba Lan vào tháng 12 vừa qua nhằm theo dõi tiến triển của quá trình làm chậm lại biến đổi khí hậu, Ấn Độ tuyên bố sẽ đạt các mục tiêu mà nước này đặt ra theo Thỏa thuận Paris 2015 trước thời hạn năm 2030.

Sunita Narain, thuộc Trung tâm Khoa học và Môi trường tại Delhi, thì cho rằng những mục tiêu mà các đời chính phủ Ấn Độ đặt ra dường như thiếu sự kiên quyết. Một ví dụ là nhà máy luyện đồng Sterlite khổng lồ tại Tuticorin ở phía Nam Ấn đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ do tác hại môi trường của nó suốt nhiều thập niên nhưng đến nay vẫn cứ an nhiên tồn tại.

Thực vậy, có quá nhiều vấn đề khiến cho câu chuyện chống ô nhiễm ở Ấn Độ trở thành mục tiêu xa vời. Lấy ví dụ, để giành phiếu biểu quyết từ nông dân, các đời chính phủ đã trợ cấp cho dầu diesel, vốn là nhiên liệu được sử dụng bởi hầu hết máy kéo và máy bơm. Vì thế, các hãng sản xuất xe cũng đẩy mạnh sang động cơ diesel, vốn chiếm 75% nhiên liệu sử dụng tại Delhi và cũng là tác nhân chủ yếu khiến cho không khí càng ô nhiễm.

Chính phủ Ấn Độ cũng ưa chuộng sử dụng than đá để tạo ra điện nhằm giảm sự lệ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Nhưng than đá Ấn Độ lại có thành phần tro rất cao và mạng lưới vận tải lại gặp khó khăn trong việc đưa than đến các nhà máy điện. Kết quả là Ấn Độ nhập khoảng 20 tỉ USD than đá mỗi năm. Trong khi đó, các nhà máy chạy bằng khí sạch hơn nhiều thì rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, hoặc là không kết nối được với đường ống hoặc là bị hắt hủi bởi các nhà phân phối điện.

Đó là lý do vì sao các mục tiêu ô nhiễm của Ấn Độ vấp phải nhiều hoài nghi. Đã vậy, nước này dự kiến các nhà máy điện, vốn là những nhà máy dơ nhất thế giới, sẽ tiêu thụ thêm 50% lượng than đá vào năm 2030.