CPTPP – Những điều cần biết trước thềm mùa Xuân 2019

Năm mới bắt đầu bằng những chộn rộn của hoa đào, hoa mai, và cả những tất bật của 365 ngày cộng lại. Năm nay, năm mới ấm dần lên bằng những hiệp định quan trọng với những hy vọng và thách thức.
TIN LIÊN QUAN[Infographic] CPTPP chính thức có hiệu lực

Ngày 12 tháng 11 năm 2018 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (“CPTPP”). CPTPP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 30 tháng 12 năm 2018.

Lễ ký Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giữa 11 nền kinh tế thành viên diễn ra tại Khách sạn Crowne Plaza tại thủ đô Santiago của Chile vào chiều 8/3 giờ địa phương, tức rạng sáng 9/3 giờ Việt Nam

CPTPP, trước đây là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (“TPP”), cùng với một số hiệp định thương mại tự do khác vừa được ký kết và chuẩn bị có hiệu lực, được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập với những nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ngay từ trong các vòng đàm phán TPP, sở hữu trí tuệ đã là một trong những lĩnh vực nổi bật, đặc thù và được quan tâm hàng đầu bởi các quốc gia thành viên, khi nhiều tiêu chuẩn chặt chẽ và gắt gao hơn được đặt ra trong việc xây dựng hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại từng quốc gia. Khi CPTPP được ký kết, mặc dù một số điều khoản về sở hữu trí tuệ đã được hoãn thi hành, đối với Việt Nam, những quy định còn lại vẫn gây ra nhiều thách thức lớn, đặc biệt liên quan đến việc sửa đổi hệ thống pháp luật để phù hợp với quy định quốc tế.

Thách thức này trở nên rõ nét hơn khi Việt Nam không những phải thực hiện các nghĩa vụ được đặt ra trong CPTPP mà còn phải tiến hành cải thiện khung pháp lý trong nước để tuân thủ theo các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác. Trong bối cảnh này, lĩnh vực sở hữu trí tuệ đang được coi trọng hơn bao giờ hết.

Bài viết này mang đến cách nhìn tổng quát về một số quy định nổi bật của Chương 18 (Sở hữu trí tuệ) của Hiệp định CPTPP và những thay đổi dự kiến đối với khung pháp lý hiện tại mà Việt Nam sẽ phải thực hiện trong quá trình thực thi CPTPP. Ngoài ra, bài viết cũng sẽ đưa ra một số so sánh về tầm ảnh hưởng giữa CPTPP và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (“EVFTA”), một hiệp định thương mại quan trọng khác với nhiều tiêu chuẩn rất đặc thù về sở hữu trí tuệ.

QUYỀN TÁC GIẢ VÀ QUYỀN LIÊN QUAN

Trước hết, về tương quan giữa các quyền đối với bản ghi âm, CPTPP quy định quyền được bảo hộ giữa các chủ thể là ngang nhau, và không có sự phân chia thứ bậc giữa quyền tác giả và quyền liên quan. Cụ thể, Điều 18.61 yêu cầu mỗi quốc gia phải quy định rằng trong trường hợp cần sự cho phép từ cả phía tác giả của tác phẩm có trong bản ghi âm và người biểu diễn hoặc nhà sản xuất có quyền sở hữu đối với bản ghi âm đó, sự cho phép của tác giả không thay thế sự cho phép của người biểu diễn hoặc nhà sản xuất và ngược lại. Đây là quy định nhất quán với tiêu chuẩn đa phương theo Hiệp ước của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) về biểu diễn và bản ghi âm (“WPPT”), dựa trên thực tế rằng quyền tác giả và quyền liên quan đồng tồn tại đối với bản ghi âm. Đây cũng là quy định có tính tất yếu đối Việt Nam, khi cả CPTPP và EVFTA đều yêu cầu Việt Nam trở thành quốc gia thành viên của WPPT trong một thời hạn nhất định.

Trước đây, bên cạnh những quy định mang tính căn bản, hướng đến điều chỉnh về mặt nguyên tắc đối với pháp luật quốc gia như trên, TPP cũng đã rất chú trọng việc mở rộng quyền tự bảo vệ của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan. Những ví dụ điển hình nhất bao gồm độc quyền kiểm soát việc sao chép tác phẩm, cuộc biểu diễn hoặc bản ghi âm của mình theo bất kỳ cách thức hoặc hình thức nào, bao gồm cả dưới hình thức điện tử và quyền thực hiện các biện pháp ngăn chặn việc quay lén trong rạp chiếu phim (camcording), hay yêu cầu có chế tài cụ thể đối với hành vi xâm phạm các biện pháp kỹ thuật mà chủ sở hữu quyền sử dụng để bảo vệ quyền của mình (TPM) hay thông tin quản lý quyền (RMI). Khi CPTPP được ký kết, các điều khoản về TPM và RMI đã được tạm hoãn, tuy nhiên, các quy định còn lại vẫn tạo thách thức nhất định cho Việt Nam khi nhiều vấn đề vẫn chưa được pháp luật hiện hành trong nước đề cập đến. Hơn nữa, Việt Nam vẫn không thể tránh khỏi nghĩa vụ xây dựng hệ thống bảo hộ TPM và RMI trong tương lai bởi đây vẫn là những nghĩa vụ bắt buộc được quy định trong Hiệp định EVFTA.

QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Nhãn hiệu

Theo tinh thần của Hiệp định TRIPS, Luật Sở hữu Trí tuệ (“Luật SHTT”) Việt Nam hiện nay chỉ chấp nhận bảo hộ đối với các dấu hiệu có thể nhìn thấy được. Tuy nhiên, CPTPP lại quy định không quốc gia nào được yêu cầu rằng một dấu hiệu phải nhìn thấy được mới có thể được đăng ký, cũng như không cơ quan đăng ký nào có thể từ chối đăng ký một nhãn hiệu vì dấu hiệu cấu thành nhãn hiệu đó là âm thanh. Hơn nữa, mỗi quốc gia phải có nỗ lực tốt nhất để đăng ký nhãn hiệu mùi. Mỗi quốc gia có thể yêu cầu bản mô tả nhãn hiệu ngắn gọn và chính xác, hoặc bản thể hiện nhãn hiệu dưới dạng đồ họa, hoặc cả hai nếu phù hợp. Đây là một nội dung quan trọng trong CPTPP, có thể dẫn đến việc thay đổi căn bản toàn bộ cơ chế đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam, và sẽ là thách thức đối với Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu (hay li-xăng nhãn hiệu), CPTPP quy định không quốc gia nào được yêu cầu việc ghi nhận hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu là điều kiện để hợp đồng đó có hiệu lực. Điều này cũng sẽ tạo ra sự thay đổi đáng kể trong pháp luật sở hữu trí tuệ tại Việt Nam khi nhà làm luật sẽ phải gỡ bỏ cơ chế đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng, một thủ tục vẫn còn tốn kém chi phí và mất nhiều thời gian như hiện nay.

Sáng chế và Dữ liệu thử nghiệm chưa được bộc lộ

Sáng chế là một trong những nội dung sẽ gây nhiều khó khăn cho Việt Nam khi gia nhập TPP, theo đó, Hiệp định này thu hẹp đáng kể phạm vi các đối tượng sẽ không được bảo hộ dưới dạng sáng chế, cũng như đưa ra các tiêu chuẩn về quy trình đăng ký, công bố, thẩm định nhằm tăng khả năng được bảo hộ của sáng chế.

Với CPTPP, nhiều điều khoản liên quan đến bảo hộ sáng chế trước đây trong TPP đã được tạm hoãn, chẳng hạn như phạm vi các đối tượng sẽ không được bảo hộ dưới dạng sáng chế không còn quá hẹp như trước, hay không còn quy định phải điều chỉnh thời hạn bảo hộ sáng chế do sự chậm trễ của cơ quan đăng ký sáng chế. Một ví dụ khác về các quy định còn lại mà có thể tạo ra thay đổi đáng kể trong cơ chế bảo hộ sáng chế tại Việt Nam là quy định về khoảng thời gian trước khi nộp đơn đăng ký mà sáng chế được bộc lộ công khai nhưng không làm mất đi tính mới – một vấn đề quan trọng nhưng chưa được quy định rõ ràng trong pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, để tuân thủ CPTPP, Việt Nam cũng phải làm rõ các nội dung sẽ được công bố khi công bố sáng chế, cũng như xây dựng hệ thống đăng ký sáng chế minh bạch và hiệu quả hơn.

Một vấn đề quan trọng khác được CPTPP nhấn mạnh, đó là: việc bảo hộ dữ liệu thử nghiệm hoặc dữ liệu khác chưa được bộc lộ. Đối với nông hóa phẩm, nếu một quốc gia thành viên quy định phải nộp dữ liệu thử nghiệm hoặc dữ liệu khác chưa được bộc lộ liên quan đến tính an toàn và hiệu quả của sản phẩm, như là một điều kiện để cấp phép lưu hành cho một nông hóa phẩm mới, thì quốc gia đó phải bảo hộ những dữ liệu đó. Cụ thể, quốc gia đó không được cho phép người thứ ba (mà không được sự đồng ý của người đã nộp dữ liệu) đưa ra thị trường sản phẩm trùng hoặc tương tự dựa trên những thông tin đó hoặc dựa trên việc cấp phép lưu hành cho người nộp dữ liệu thử nghiệm hoặc dữ liệu khác trước đó, trong thời hạn ít nhất là mười năm kể từ ngày cấp phép lưu hành nông hóa phẩm mới trong lãnh thổ của quốc gia đó. Như vậy, có thể hiểu việc bảo hộ đối với dữ liệu chưa được bộc lộ liên quan đến nông hóa phẩm là tự động, không cần qua đăng ký. Trong khi đó, Luật SHTT Việt Nam chỉ quy định việc bảo mật dữ liệu thử nghiệm như một nghĩa vụ của cơ quan có thẩm quyền khi người nộp đơn đăng ký có yêu cầu, mà không coi những dữ liệu này là đối tượng được bảo hộ. Hơn nữa, nghĩa vụ bảo mật này chỉ kéo dài năm năm (ít hơn so với thời hạn quy định trong CPTPP như đã phân tích trên đây). Do đó, Việt Nam cần phải sửa đổi nội dung này để phù hợp với các yêu cầu của Hiệp định.

Đối với dược phẩm, quy định bảo hộ dữ liệu thử nghiệm hoặc dữ liệu khác chưa được bộc lộ liên quan đến đối tượng này trong CPTPP đã được tạm hoãn thực thi. Tuy nhiên, đây vẫn là quy định bắt buộc theo Hiệp định EVFTA nên điều khoản trong Luật SHTT Việt Nam liên quan đến vấn đề này sẽ cần được sửa đổi theo hướng mở rộng cho cả các sản phẩm dược phẩm.

Chỉ dẫn địa lý

Chỉ dẫn địa lý không phải nội dung được chú trọng nhất trong CPTPP nhưng lại là một trong những vấn đề quan trọng và mấu chốt của EVFTA. Theo đó, những quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý được nêu ra cụ thể và chặt chẽ, nổi bật với một số quy định như sau:

Các bên (Việt Nam và EU) sẽ xây dựng một hệ thống bảo hộ tích hợp ít nhất một số quy trình đăng ký, thẩm định, phản đối, phê duyệt và hủy bỏ chỉ dẫn địa lý.

Các bên đồng ý bảo hộ đương nhiên 171 chỉ dẫn địa lý của EU và 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (được liệt kê cụ thể trong danh mục kèm theo) không cần qua các thủ tục theo quy trình thông thường. EVFTA đưa ra căn cứ pháp lý trực tiếp chống lại việc sử dụng trái phép chỉ dẫn địa lý của một bên tại lãnh thổ của bên còn lại.

EVFTA cũng đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng để một chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Việc bảo hộ có thể bị từ chối trên cơ sở đồng âm đến mức gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Các bên sẽ cùng quyết định những điều kiện thực tế của việc sử dụng để phân biệt những chỉ dẫn địa lý đồng âm với nhau.

Như vậy, kết hợp với cơ chế chặt chẽ về đăng ký, phản đối, hủy bỏ chỉ dẫn địa lý quy định trong CPTPP, những tiêu chuẩn để bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong EVFTA được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều thay đổi trong pháp luật Việt Nam khi bảo hộ đối tượng đặc biệt này.

THỰC THI QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Nhìn chung, CPTPP xây dựng một cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ chặt chẽ với sự kết hợp của các chế tài hành chính, dân sự và hình sự.

CPTPP quan tâm đến các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới. Theo đó, CPTPP ràng buộc trách nhiệm của các quốc gia và chủ thể quyền trong việc bảo vệ đối tượng sở hữu trí tuệ liên quan tại biên giới, thông qua việc mở rộng thẩm quyền của cơ quan chức năng để có thể mặc nhiên tiến hành các thủ tục hải quan với đối tượng là hàng hóa nhập khẩu, tập kết để xuất khẩu, hoặc quá cảnh, và bị nghi ngờ là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc hàng hóa sao chép lậu quyền tác giả. Điều này được hiểu là cơ quan hải quan có thể tiến hành thực thi quyền sở hữu trí tuệ mà không cần đơn yêu cầu chính thức từ bên thứ ba hay chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Pháp luật Việt Nam về cơ bản đã tương thích với những yêu cầu của CPTPP, do đó sẽ không có thay đổi đáng kể trong lĩnh vực này.

Một số hành vi xâm phạm quyền được hình sự hóa một cách mạnh mẽ trong CPTPP. Cụ thể, các hành vi xâm phạm có thể dẫn đến trách nhiệm hình sự chủ yếu tập trung vào xâm phạm đối với nhãn hiệu, quyền tác giả, quyền liên quan và bí mật kinh doanh. Ngoài các hành vi xâm phạm trực tiếp, CPTPP cũng yêu cầu phải có chế tài hình sự đối với việc giúp sức hoặc xúi giục thực hiện hành vi xâm phạm. Hơn nữa, CPTPP cũng mở rộng quyền hạn cho cơ quan có thẩm quyền để chủ động xử lý một số hành vi xâm phạm quyền nhất định mà không cần có đơn yêu cầu hoặc đơn khởi kiện chính thức từ người thứ ba hay chủ thể quyền.

Tại Việt Nam, hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và hành vi xâm phạm một số quyền sở hữu công nghiệp được hình sự hóa lần lượt theo Điều 225 và Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Các quy định này về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của CPTPP, tuy nhiên một số yếu tố cấu thành tội phạm vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể, đơn cử như xác định hành vi xâm phạm thế nào là “với quy mô thương mại”, có thể gây ra khó khăn trong quá trình định tội. Thêm vào đó, quy định cơ quan chức năng sẽ chỉ được khởi tố vụ án hình sự về các tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo Điều 226.1 Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của người bị hại hoặc bên có quyền chưa tương thích với quy định của CPTPP. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần sửa đổi Bộ luật Hình sự để đặt trách nhiệm hình sự cho các hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh – một trong những nội dung bắt buộc của CPTPP.

LỜI KẾT

Nhìn chung, CPTPP và EVFTA quy định những tiêu chuẩn bảo hộ cao hơn và mở rộng nhiều quyền năng hơn cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, cùng với việc CPTPP đã được phê chuẩn và đi vào cuộc sống, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam sẽ sớm phải sửa đổi và bổ sung để tương thích hơn với Hiệp định này, cho dù một số điều khoản từ TPP (với mức độ bảo hộ rất cao) đã được tạm hoãn.

Với việc tích cực tham gia vào những hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, Việt Nam tiếp tục đón đầu nhiều thay đổi để phát triển kinh tế và xã hội. Do đó, để những thách thức có khả năng thành cơ hội, Việt Nam cần có một hệ thống pháp luật chặt chẽ, thống nhất và bám sát thực tiễn đời sống cũng như công nghệ thay đổi từng giờ. Cỗ máy thời gian vẫn tiếp tục nghiệt ngã. Liệu Việt Nam nên thụ động chờ vận may, hay chủ động thay đổi tích cực để tận dụng nguồn lực sẵn có và những cơ hội trong tương lai? Câu hỏi này chúng tôi xin dành cho những người chèo lái có trách nhiệm. Sở hữu trí tuệ là xương sống của một nền kinh tế tri thức trong tương lai, và đã đến lúc, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, thay đổi cách tương tác của bộ máy nhà nước chuyên trách về sở hữu trí tuệ, tạo bước đệm hội nhập quan trọng giữa các đối tác thương mại trong khu vực và trên thế giới.

Trần Mạnh Hùng (Luật sư Điều hành, Công ty Luật BMVN, thành viên của Baker McKenzie)

Nguồn: