Tổng lượng nước mặt trên lãnh thổ Việt Nam khoảng 830 – 840 tỷ m3, nhiều nguồn nước có dòng chảy từ bên ngoài biên giới – đây là thách thức rất lớn đối với an ninh nguồn nước ở Việt Nam.
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2012, Việt Nam có hơn 2.360 con sông có chiều dài từ 10km trở lên, trong đó có 109 sông chính. Hiện nguồn nước từ ngoài biên giới đổ về hạ lưu nước ngày càng bị ô nhiễm, nhưng các biện pháp xử lý môi trường xuyên biên giới vẫn còn nhiều hạn chế. Đồng thời, tình trạng ô nhiễm đại dương và biển đang ngày càng trầm trọng – một vấn đề mà Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt.
Quản lý và sử dụng nguồn nước chưa hợp lý
Theo số liệu của Cục Quản lý tài nguyên nước-Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng diện tích các lưu vực sông trên cả nước lên đến trên 1.167.000 km2, trong đó phần lưu vực nằm ngoài diện tích lãnh thổ chiếm đến 72%. Lượng nước mặt nội sinh chỉ có 310 – 315 tỷ m3 (chiếm 37%), còn 520 – 525 tỷ m3 (chiếm 63%) là từ các nước láng giềng chảy vào Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Mianma và Campuchia. Nguồn nước ngoại lai ở lưu vực sông Hồng chiếm 50%, còn ở lưu vực sông Mê Công chiếm đến 90% tổng khối lượng nước bề mặt. An ninh nguồn nước phụ thuộc rất lớn vào khai thác và sử dụng để phát triển kinh tế – xã hội trên các con sông lớn của các quốc gia, nhất là trên các lưu vực. Mặc dù có khá nhiều các cơ chế hợp tác song phương, đa phương về phát triển bền vững nguồn nước nhưng thực tế vẫn đang đặt ra nhiều sức ép cho Việt Nam, một quốc gia ở hạ nguồn có ít lợi thế hơn trong các đàm phán về sử dụng nguồn nước quốc tế.
Ở lưu vực sông Mê Công, các đập thủy điện đã và sẽ xây dựng ở Trung Quốc, Lào, Campuchia sẽ là mối đe dọa làm giảm sút nguồn nước, nguồn cá, phù sa, hệ sinh thái… đối với Việt Nam. Các con đập sẽ ngăn cản chuyển động của trầm tích, gây thiệt hại cho hoạt động nông nghiệp và nghề cá ở hạ lưu, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại đối với 20 triệu người dân ở đây, không chỉ đất đai trồng trọt và rừng bị mất đi, người dân cũng có thể phải di cư. Mặt khác, mực nước sông Mê Công ngày càng thấp, năm 2015 thấp mức kỷ lục trong vòng 90 năm qua, là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực này.
Bên cạnh đó, nguồn nước sông Hồng từ biên giới đổ về hạ lưu ngày càng bị ô nhiễm, nhưng các biện pháp xử lý môi trường xuyên biên giới vẫn còn nhiều hạn chế. Ở thượng lưu, Trung Quốc đã cho vận hành hàng chục nhà máy thủy điện, 1.870 đập dẫn và kênh dẫn nước, 9 hồ chứa có tổng dung tích 200 triệu m3… nên đã làm thay đổi lớn đến lượng nước, chế độ dòng chảy, chất lượng nước, phù sa ở hạ lưu. Các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta cũng chịu nhiều tác động xấu do thủy điện xả lũ và các hoạt động gây ô nhiễm môi trường từ nước ngoài.
Hiện tượng tranh chấp nguồn nước trong nội bộ quốc gia có xu hướng gia tăng. Do vị trí địa lý, đặc điểm điều kiện tự nhiên đặc thù nên khoảng 60% lượng nước của cả nước tập trung ở lưu vực sông Mê Công, 16% tập trung ở lưu vực sông Hồng – Thái Bình, khoảng 4% ở lưu vực sông Đồng Nai, các lưu vực sông lớn khác tổng lượng nước chỉ chiếm phần nhỏ còn lại. Tổng lượng mưa hàng năm của Việt Nam tuy cao nhưng phân bố không đồng đều cả về thời gian và không gian, tác động lớn đến trữ lượng và phân bố tài nguyên nước, gây nên lũ lụt thường xuyên và khô hạn trong thời gian dài. Quản lý và sử dụng nước cho sản xuất công nghiệp và sinh hoạt không hợp lý, kém hiệu quả gây lãng phí, xung đột về lợi ích, hệ lụy về môi trường.
Trong khi đó, việc phát triển các công trình thủy điện trong thời gian qua đã cho thấy những hạn chế bất cập trong việc chia sẻ nguồn nước. Tài nguyên nước trên các dòng sông đã được đưa vào gần hết sử dụng cho thủy điện, gây hệ lụy lớn cho các vùng ở hạ lưu. Đã có nhiều vụ tranh chấp nguồn nước giữa các địa phương, giữa các đơn vị trong cùng địa phương, giữa các địa phương và nhà máy thủy điện… Việc chia sẻ thiếu hài hoà trong sử dụng nguồn nước giữa các bên gây ra những tranh chấp, xung đột, ảnh hưởng rất lớn tới phát triển kinh tế – xã hội, an ninh trật tự của khu vực. Cộng thêm tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nên an ninh nguồn nước ở Việt Nam bị đe dọa ngày càng lớn.
Gia tăng nguồn gây ô nhiễm môi trường biển
Việt Nam có lợi thế bờ biển dài hơn 3.260 km, với tài nguyên biển phong phú. Nhưng do sự chia sẻ về tài nguyên biển với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam cũng phải đối mặt với không chỉ các vấn đề về an ninh môi trường mà còn cả vấn đề về chủ quyền lãnh thổ. Hội thảo về An ninh môi trường trên Biển Đông diễn ra tại Mỹ vào tháng 6/2016 vừa qua cũng đề cập tới các giải pháp nhằm gìn giữ môi trường và nguồn tài nguyên tại khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các tài liệu Hội thảo nêu rõ có tới 80% các rạn san hô ở Biển Đông bị suy giảm, dẫn đến suy giảm nguồn cá, vì san hô chính là môi trường sinh thái để các loài cá biển phát triển.
Theo nhận xét của Thạc sĩ Phan Thị Kim Oanh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường: Vấn đề khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đang đứng trước nhiều thách thức và ở mức báo động, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế – xã hội, sinh kế của người dân. Với đặc tính vốn có, Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế biển. Tuy vậy, do nhu cầu khai thác quá mức, phương thức khai thác thiếu bền vững dẫn tới nhiều nguồn tài nguyên, nguồn lợi thủy sản bị khai thác cạn kiệt, đặc biệt các rạn san hô và thảm cỏ biển bị suy giảm nghiêm trọng, khó hồi phục.
Thực tế là các nguồn ô nhiễm từ lục địa theo sông đổ ra biển, có những loại không phân hủy được đọng lại ở ven bờ, chìm xuống đáy biển, những chất phân hủy sẽ hòa lẫn trong nước biển. Hiện lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư xả nước thải, chất thải rắn không qua xử lý ra các con sông ở vùng đồng bằng ven biển hoặc xả thẳng ra biển chiếm từ 70% đến 80%, tác động xấu đến môi trường tự nhiên biển. Bên cạnh đó, năng lực ứng phó với rủi ro ô nhiễm môi trường biển còn nhiều hạn chế, chưa kiểm soát tốt.
Theo kết quả đánh giá của Cơ quan Bảo vệ đại dương Mỹ, có hơn một nửa số rác thải nhựa đến từ 5 quốc gia châu Á, trong đó dẫn đầu là Trung Quốc với 2,4 triệu tấn, chiếm khoảng 30%, tiếp đến là Indonesia, Philippines, Việt Nam và Sri Lanka. Như vậy, Việt Nam là nước có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều thứ 4 trên thế giới với khối lượng rác thải nhựa thải ra biển dao động trong khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới.
Là nước có tiềm năng biển đảo lớn nhất khu vực Đông Nam Á với 3.260 km bờ biển và hơn một triệu km2 mặt biển cùng hơn 2.700 đảo và cụm đảo lớn nhỏ, Việt Nam hiện sở hữu 125 bãi tắm du lịch trải khắp ba miền, trong đó nhiều bãi biển được quốc tế đánh giá cao và thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam liên tục tăng và đạt 13 triệu người trong năm 2017 và dự kiến đạt gần 20 triệu khách/năm, chưa kể lượng khách nội địa gần 100 triệu khách mỗi năm, trong đó 70% du khách di chuyển tới các vùng ven biển và hải đảo. Đi kèm với sự gia tăng đột biến này là nguy cơ rác nhựa-nilon bao phủ.
Chỉ với huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, báo cáo tháng 7/2018 của Tổ chức Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam cũng cảnh bảo các khu du lịch tại địa phương này đang đối mặt về tình trạng quá tải rác thải nhựa. Mỗi ngày Phú Quốc tiếp nhận khoảng 155 tấn rác nhưng chỉ thu gom được khoảng 91 tấn. Tổng lượng rác thải nhựa được thu hồi lại bởi hệ thống thu gom không chính thức lên đến 10,8 tấn/ngày đêm, chiếm 33,6% lượng rác thải nhựa phát sinh. Lượng rác thải nhựa thải ra ngoài môi trường chiếm 35,5% so với lượng phát sinh ban đầu. Lượng rác nhựa còn lại ở bãi chôn lấp có khối lượng 10,2 tấn/ngày đêm, chiếm 30,9% lượng rác ban đầu. Phần rác thải nhựa còn lại ở bãi chôn lấp không được thu gom lại với lý do quá bẩn, đã bị vỡ, rách…
Bài 3: Chất thải gia tăng, rừng tự nhiên suy giảm