Hợp pháp hóa thương mại các sản phẩm ĐVHD đôi khi được quảng bá như một chiến lược bảo tồn. Về lý thuyết, cung cấp cho thị trường các sản phẩm chất lượng rẻ hơn hoặc tốt hơn sẽ làm giảm lợi nhuận của săn trộm, từ đó giảm áp lực lên loài hoang dã. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới [1] lại cho kết quả ngược lại. Từ khảo sát các trại gấu ở Việt Nam, nghiên cứu kết luận rằng các trang trại nuôi gấu không mang lại ý nghĩa bảo tồn loài gấu trong tự nhiên. Thậm chí, sự tồn tại của các trang trại này còn mang lại thách thức đáng kể cho công tác thực thi pháp luật.
Các bộ phận của gấu, mật gấu được ưa chuộng sử dụng trong các phương thuốc truyền thống của Châu Á. Điều này trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với loài gấu ngựa (Ursus thibetanus) và gấu chó (Helarctos malayanus), khiến chúng suy giảm mạnh về số lượng. Cả hai loài được phân loại là sắp nguy cấp trong Sách Đỏ IUCN và bị cấm buôn bán quốc tế theo Phụ lục I công ước CITES.
Các trang trại nuôi gấu lấy mật xuất hiện ở Việt Nam vào những năm 1990 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về mật gấu và các sản phẩm từ gấu. Trong bối cảnh đó, năm 1994 Việt Nam ký kết công ước CITES cam kết chấm dứt buôn bán gấu qua biên giới. Năm 2005, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định 02/2005/QĐ-BNN về quản lý gấu nuôi nhốt nhằm hạn chế số lượng gấu hoang dã bị đưa vào các trang trại gấu. Theo đó, chủ sở hữu gấu phải đăng ký và gắn chíp theo dõi cho từng cá thể gấu trước ngày 28 tháng 2 năm 2005. Bên cạnh đó, Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý các loài động vật và thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, ban hành ngày 30/3/2006 đã đưa các loài gấu chó và gấu ngựa vào danh mục loài được bảo vệ theo nhóm 1B, cấm khai thác và sử dụng vào mục đích thương mại. Do đó, mặc dù cá nhân được phép giữ gấu đã đăng ký từ ngày 28 tháng 2 năm 2005 về trước, việc hút hoặc bán mật gấu, không đăng ký gấu hoặc bắt thêm gấu từ tự nhiên là bất hợp pháp.
Mặc dù đã có các quy định nhưng thực thi pháp luật chưa chặt chẽ khiến tình trạng buôn bán gấu ngoài tự nhiên và hút mật gấu vẫn tiếp diễn. Các cuộc khảo sát gần đây trên phạm vi toàn quốc chỉ ra rằng các quần thể gấu hoang dã giảm vào thời điểm ngành công nghiệp mật gấu tăng nhanh, cho thấy việc thành lập các trang trại mật gấu có tác động tiêu cực đến quần thể gấu hoang dã.
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá tiềm năng của các trang trại nuôi gấu ở Việt Nam đối với bảo tồn gấu hoang dã. Nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn ẩn danh 66 người đang hoặc đã từng nuôi gấu ở Hà Nội, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7 năm 2016. Dữ liệu thu thập được qua các cuộc phỏng vấn sau đó được phân tích trên cơ sở tham khảo thêm các số liệu thu được từ Bộ NN&PTNN.
Những con số biết nói
Phần lớn các trang trại được khảo sát (73%) được thành lập trong giai đoạn 1996-2005 và thuộc một trong ba loại hình: hộ kinh doanh nhỏ với 1–9 con gấu (36%), doanh nghiệp cỡ vừa với 18-40 gấu (50%) và doanh nghiệp lớn hơn với 70-100 con gấu (14%).
Năm 2006, năm duy nhất có dữ liệu đầy đủ, số lượng gấu được ghi nhận tại các trang trại ở Việt Nam là 4349 cá thể. Số lượng gấu nuôi tập trung nhiều nhất ở 10 tỉnh (chiếm 73%), bao gồm Nghệ An, Hà Tây, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Hải Dương và Quảng Ninh. 96% số gấu đã đăng ký là gấu ngựa; 4% còn lại là gấu chó. Mặc dù nhu cầu về gấu hoang dã và các bộ phận cơ thể của chúng vẫn còn, nhưng số lượng gấu được nuôi tại các trang trại ở Việt Nam đang giảm, từ mức đỉnh gần 4500 vào năm 2005 xuống còn 3500 vào năm 2010 và tiếp tục giảm xuống còn 1250 vào năm 2015.
Tất cả những người được hỏi cho rằng, khi ngành công nghiệp mật gấu đạt đỉnh, việc cung cấp mật gấu nuôi vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Những người nuôi gấu cho rằng cần nuôi nhiều gấu hơn vì “người ta xếp hàng dài để mua mật”, “ngay khi cả làng nuôi gấu cũng không thể đáp ứng nổi”. Tuy nhiên, toàn bộ những người được phỏng vấn cho rằng nhu cầu tiêu thụ mật gấu đã giảm, đặc biệt từ năm 2008 đến 2010. Mật gấu chất lượng kém được cho là nguyên nhân chính dẫn đến giảm nhu cầu tiêu dùng, theo thừa nhận của 76% số người được hỏi.
Quan điểm chung của các chủ nuôi gấu là mật gấu hoang dã có chất lượng tốt hơn mật gấu nuôi nhốt, vì chất lượng thức ăn trong tự nhiên cao hơn và không bị hút mật thường xuyên. Tất cả những người được phỏng vấn đồng ý rằng người tiêu dùng quan tâm đến sự khác biệt giữa mật gấu hoang dã với gấu nuôi và chuộng mật gấu hoang dã hơn. Đa số người trả lời (92%) cho biết mật từ gấu hoang dã đắt hơn, gấp tới 12 lần so với giá mật gấu nuôi. Cũng vì mật gấu nuôi ít được ưa chuộng, giá mật giảm trung bình 13,22% trong những năm gần đây.
Thức ăn cho gấu được xác định là chi phí lớn nhất sau khoản chi mua gấu ban đầu và xây chuồng, tuy nhiên mức chi cho thức ăn hiện tại kém xa thời điểm giá mật gấu cao, ước tính giảm 87%, từ mức trung bình 35 USD/con gấu/ tháng (theo tỷ giá năm 2010) xuống 4 USD/con/tháng (theo tỷ giá năm 2016). Tuy chưa thể đánh giá toàn diện về những vấn đề này nhưng nghiên cứu cho thấy người nuôi đã giảm đáng kể chi tiêu hàng tháng về thức ăn cho gấu trong giai đoạn 2010-2016. Chứng tỏ rằng, trái với quy định và nguyên tắc về phúc lợi động vật, gấu ở các trang trại hiện không nhận được đủ chất dinh dưỡng. Điều này cũng trái với Quy định của Việt Nam về quản lý gấu nuôi (Quyết định 95 QĐ/ 008/BNN-KL), theo đó cấm nuôi gấu ở các cơ sở không đáp ứng yêu cầu tối thiểu, bao gồm cả quy định người nuôi phải đảm bảo tài chính để chăm sóc gấu và cho gấu ăn uống đẩy đủ hàng ngày.
Dù không mấy chắc chắn, phần lớn người trả lời (62%) thú nhận rằng gấu trong trang trại của họ bị bắt từ tự nhiên, một số ít (14%) cho rằng gấu có nguồn gốc từ các trang trại khác, và 26% cho hay không biết nguồn gốc của gấu. Chỉ có 12% số người được hỏi tiết lộ các trang trại đã cố gắng để gây nuôi sinh sản và chỉ có 4 trang trại (6%) sinh sản thành công nhưng 3 trang trại cho biết gấu đã chết chỉ một tuần sau khi được sinh ra. Hầu hết người trả lời (94%) cho biết rất khó để gấu sinh sản, và đa số (91%) nói rằng họ không biết có trường hợp nào đã thành công.
Một phần ba số người được phỏng vấn cho biết khách hàng của họ yêu cầu mua cả túi mật gấu, và 46% thừa nhận rằng khách hàng muốn mua tay gấu hoặc các bộ phận khác của gấu. Người nuôi thường không cung cấp các mặt hàng được yêu cầu trừ khi gấu chết vì các nguyên nhân khác. Tuy nhiên, 9 người nuôi (14%) thừa nhận đã giết gấu và bán các bộ phận trước khi chương trình đăng ký của Chính phủ có hiệu lực vào năm 2005. Trong số các trang trại được khảo sát, 10 trang trại (16%) được thành lập từ năm 2006 trở đi và 32% thừa nhận mua gấu sau năm 2005.
Đa số người được hỏi (75%) cho biết Cục Kiểm lâm đã thanh kiểm tra các trang trại, trong khi số còn lại khẳng định không có cuộc kiểm tra nào. Chỉ có 5% số người được phỏng vấn cho biết bị chính quyền phạt tiền vì bán mật gấu. Một nửa số người được hỏi (51%) thừa nhận giết gấu khi đóng cửa các trang trại và hơn một nửa (54%) bán gấu sống hoặc các bộ phận của gấu. 11 người được phỏng vấn cho biết đã giao gấu cho Cục Kiểm lâm hoặc một trung tâm cứu hộ.
Bất chấp những biến động về khả năng sinh lời từ việc nuôi gấu lấy mật, một số nông dân vẫn tiếp tục nuôi gấu để thỉnh thoảng bán mật gấu hoặc sử dụng cá nhân. 13% trang trại được phỏng vấn cho biết đóng cửa trước năm 2006, 87% đóng cửa trong khoảng 2007-2014. Một phần ba số người trả lời cho rằng sự can thiệp của Chính phủ là lý do để họ ngừng nuôi gấu lấy mật. Đa số (79%) cho biết một trong những lý do chính để ngừng nuôi là do mật gấu hiện nay quá rẻ, bên cạnh các lý do khác như sự không tin tưởng của người tiêu dùng hoặc có các loại thuốc thay thế. Tất cả những người được hỏi đều cho rằng gấu hoang dã rất hiếm hoặc đã tuyệt chủng. Tuy nhiên, hầu hết người trả lời (93%) tin rằng nuôi gấu lấy mật giúp bảo vệ quần thể gấu hoang dã.
Nuôi gấu không có ý nghĩa với bảo tồn gầu hoang dã
Trái ngược với niềm tin của người nuôi gấu lấy mật, không có bằng chứng nào cho thấy nuôi gấu có tác động tích cực đến quần thể gấu hoang dã ở Việt Nam. Có năm tiêu chí được xác định để việc gây nuôi ĐVHD có thể mang lại lợi ích cho bảo tồn loài bao gồm: (1) có các sản phẩm hợp pháp thay thế và người tiêu dùng không ưa chuộng ĐVHD; (2) một phần quan trọng của nhu cầu được đáp ứng và nhu cầu không tăng do hợp pháp hóa thị trường; (3) các sản phẩm hợp pháp có hiệu quả về chi phí hơn để cạnh tranh với giá thị trường chợ đen; (4) nuôi ĐVHD không dựa vào quần thể hoang dã để bổ sung số lượng; và (5) các sản phẩm bất hợp pháp không được “rửa” nguồn gốc để đưa vào giao dịch. Theo đó, nuôi gấu lấy mật ở Việt Nam, trong cả quá khứ và hiện tại, không đáp ứng được bất kỳ tiêu chí nào và vì vậy không có khả năng mang lại lợi ích cho bảo tồn loài.
Cần lưu ý rằng gấu là một loài được bảo vệ nghiêm ngặt ở Việt Nam từ năm 2006 và trong nước không có thị trường hợp pháp cho mật gấu. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy các trang trại nuôi gấu lấy mật không đáp ứng được nhu cầu về mật gấu hoang dã. Dẫu có sự tăng trưởng đáng kể về số lượng gấu tại các trang trại, nhưng những người tham gia khảo sát cho biết rằng khi ngành đạt đỉnh, nguồn cung mật gấu nuôi không thể đáp ứng nhu cầu. Sự giảm cầu về mật gấu nuôi một phần là do sự không hài lòng của người tiêu dùng với mật gấu nuôi, chứ không phải với mật gấu nói chung.
Hơn nữa, dù nuôi gấu lấy mật dường như có lợi nhuận cao trong quá khứ, thì hiện nay hiệu quả chi phí từ nuôi gấu không thể cạnh tranh với giá cả của chợ đen, kể cả cộng thêm thu nhập từ bán các bộ phận của một con gấu đã chết. Trong khi đó, các phương pháp săn bắn bừa bãi như đặt bẫy, thường được sử dụng trên khắp Việt Nam và Đông Nam Á không yêu cầu nhiều kỹ năng của người thợ săn và không mấy tốn kém chi phí. Điều này khiến việc săn bắt có “hiệu quả chi phí” hơn so với nuôi gấu lấy mật trong điều kiện thực thi luật kém và nhu cầu tiêu dùng cao đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ hoang dã.
Trong khi đó, hiện vẫn không có bằng chứng về sinh sản gấu nuôi ở bất kỳ nơi nào trong khu vực Đông Nam Á. Rõ ràng, các số liệu về nuôi gấu lấy mật ở Việt Nam mà nghiên cứu thu thập được cũng cho thấy phần lớn nguồn gấu nuôi phụ thuộc vào việc bổ sung từ các quần thể hoang dã. Theo những người nuôi được phỏng vấn, gấu trong các trang trại sống khoảng 7,5 năm. Một số thừa nhận giết gấu sau khi chúng 8 tuổi. Giả sử khai thác mật bắt đầu từ khi gấu được 3 tuổi, tình trạng chăm sóc kém và khai thác mật quá mức khiến gấu nuôi nhốt không tồn tại được sau 4-5 năm khai thác. Chủ trang trại sau đó sẽ phải mua những con gấu mới bắt được từ tự nhiên. Điều này được chứng minh bằng những vết thương do bị bẫy ở quần thể gấu nuôi. Hơn nữa, không phải ngẫu nhiên mà sự suy giảm gấu hoang dã được ghi nhận rộng rãi trong cùng khu vực có các trang trại mật gấu.
Sự tồn tại của các trang trại nuôi gấu lấy mật đã mang lại những thách thức đáng kể cho thực thi pháp luật. Gần như tất cả những người được phỏng vấn (95%) thừa nhận thường xuyên khai thác mật, và một nửa (51%) đã giết gấu khi đóng cửa trại, nhưng chỉ có 5% số người được hỏi cho biết đã từng bị phạt tiền. Điều này cho thấy sự không nhất quán giữa tình trạng vi phạm và tỷ lệ truy tố. Tuy nhiên, các can thiệp của Chính phủ đã được một phần ba số người tham gia khảo sát coi là lý do ngừng nuôi gấu lấy mật.
Cục Kiểm lâm và chính quyền cấp tỉnh ở Việt Nam hiện thiếu nguồn lực và khả năng để giám sát các trang trại nuôi gấu bằng máy quét vi mạch khi đăng ký gấu trở thành bắt buộc. Trong khi đó, không có phương pháp đáng tin cậy và dễ sử dụng để phân biệt gấu hoặc mật gấu có nguồn gốc tự nhiên hay nuôi nhốt, dẫn đến rủi ro lớn từ việc “rửa” gấu hoang dã. Hơn nữa, việc một số người nuôi thừa nhận từng trả phí không chính thức cho các cơ quan chức năng cho thấy có rào cản đối với việc thực thi pháp luật một cách nghiêm minh. Thực tế cũng chứng minh điều này khi tình trạng buôn lậu mật gấu và các bộ phận của gấu vẫn khá phổ biến mặc dù đã có luật cấm. Theo một đánh giá, trong tất cả các vụ bắt giữ liên quan đến gấu trên khắp Châu Á trong giai đoạn 2000-2011, Việt Nam được xác định là một quốc gia cung cấp gấu sống với khối lượng giao dịch cao thứ hai (152 con). Những con gấu này được cho là sẽ bổ sung cho các trang trại mật gấu.
Những người ủng hộ nuôi thương mại ĐVHD thường biện hộ rằng các biện pháp can thiệp bảo tồn thông thường không bảo vệ được các loài bị đe dọa và các chiến lược thay thế cần được kiểm nghiệm. Phần lớn tranh luận về vấn đề này dựa trên cách tiếp cận theo mô hình và lý thuyết kinh tế. Tuy nhiên, trường hợp nuôi gấu lấy mật ở Việt Nam cho thấy gây nuôi ĐVHD không đủ hiệu quả để giảm áp lực đối với một loài phân bố rộng rãi và tương đối phong phú như gấu.
Những phát hiện của nghiên cứu cho thấy sự khó khăn trong việc điều tiết gây nuôi thương mại ĐVHD với quy mô lớn. Rõ ràng là nuôi gấu lấy mật ở Việt Nam không đáp ứng được bất kỳ tiêu chí cần thiết nào của việc nuôi ĐVHD để bảo tồn. Điều này cho thấy sự cần thiết phải đánh giá lại sự tồn tại của các trang trại ĐVHD ở Việt Nam và các chính sách liên quan. Nếu nuôi ĐVHD thương mại là có lợi cho việc bảo tồn loài, những thiếu sót cần được giải quyết. Các nguồn lực cần hướng tới cải thiện việc tuân thủ quy định ở trang trại, tăng hiệu quả cho các nỗ lực thực thi pháp luật và thay đổi nhận thức của người tiêu dùng.
[1] Brian Crudge, Trang Nguyen, Tien Trung Cao. The challenges and conservation implications of bear bile farming in Viet Nam. Fauna & Flora International 2018. Nguồn: http://bit.ly/btcs592
PanNature tóm lược