Thách thức đối với gây nuôi ĐVHD vì mục tiêu bảo tồn ở Việt Nam

Trong những năm trở lại đây, đa dạng loài ở Việt Nam đã suy giảm với tốc độ chóng mặt do nạn săn bắt và buôn bán trái phép. Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011 – 2015, nếu như năm 1996 mới chỉ có 25 loài động vật của Việt Nam ở mức nguy cấp thì đến năm 2014, con số này đã lên tới 48. Nhiều loài đang ở mức báo động, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao như voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus) khi chỉ còn khoảng 190 cá thể, voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) chỉ còn khoảng 100 cá thể, hổ chỉ còn lại 5 cá thể trong tự nhiên (IUCN, 2015). Như vậy, nếu không kịp thời áp dụng các biện pháp nhằm phục hồi loài thì kết cục tuyệt chủng như trường hợp của loài Tê giác Java Việt Nam (Rhinoceros sondaicus annamiticus) năm 2010 sẽ còn lặp lại với nhiều các loài ĐVHD khác.

Ảnh: PanNature

Chính sách khuyến khích phục hồi loài bằng bảo tồn chuyển vị tại Việt Nam

Một trong các biện pháp được sử dụng để phục hồi loài là biện pháp bảo tồn chuyển vị hay bảo tồn chuyển chỗ, có nghĩa là “bảo tồn loài hoang dã ngoài môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của chúng; bảo tồn loài cây trồng, vật nuôi đặc hữu, có giá trị ngoài môi trường sống, nơi hình thành và phát triển các đặc điểm đặc trưng của chúng; lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền trong các cơ sở khoa học và công nghệ hoặc cơ sở lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền”, theo Luật Đa dạng sinh học 2008. Nguyên tắc bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học cũng được quy định rõ: “Bảo tồn tại chỗ là chính, kết hợp bảo tồn tại chỗ với bảo tồn chuyển chỗ”. Rõ ràng, không thể chỉ áp dụng một biện pháp riêng rẽ mà mang lại hiệu quả tích cực đối với phục hồi loài mà các biện pháp cần được đưa ra thống nhất và đồng bộ một cách kịp thời.

Năm 2013, Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã đưa ra nhiệm vụ về xây dựng, củng cố và tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học như sau: thứ nhất, đánh giá hiện trạng các cơ sở bảo tồn chuyển chỗ (vườn thú, vườn thực vật, trung tâm, các trang trại, hộ gia đình nhân nuôi ĐVHD, vườn cây thuốc, ngân hàng gen, trung tâm cứu hộ động vật); thực hiện các giải pháp đồng bộ tăng cường hiệu quả của công tác bảo tồn chuyển chỗ; thứ hai, đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam theo nội dung của Quyết định số 86/2006/QĐ-TTg ngày 20 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ; thứ ba, thiết lập mạng lưới các trung tâm cứu hộ trong toàn quốc bảo đảm nhu cầu cứu hộ các loài hoang dã theo vùng miền và chủng loại; ưu tiên đầu tư nâng cấp các Trung tâm cứu hộ đã được thành lập; thứ tư, nâng cấp Trung tâm Tài nguyên di truyền thực vật thành Ngân hàng gen thực vật quốc gia đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Về nguồn gen sinh vật, Nhà nước khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ từng bước chuẩn hóa quốc tế phương pháp bảo quản, lưu giữ nguồn gen trong bảo tồn chuyển chỗ, theo chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bên cạnh đó, các đề án bảo tồn khẩn cấp các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, như hổ, linh trưởng cũng nêu ra các biện pháp bảo tồn chuyển chỗ như: xây dựng, thực hiện các chương trình nghiên cứu về gây nuôi bảo tồn và tái thả hổ về vùng phân bố tự nhiên; thực hiện chương trình di chuyển, thả lại, phục hồi quần thể hổ trong các sinh cảnh có hổ hoang dã phân bố (Chương trình quốc gia về bảo tồn Hổ giai đoạn 2014 – 2022); xây dựng ít nhất 03 trung tâm cứu hộ đạt tiêu chuẩn để thực hiện việc cứu hộ, tái thả các cá thể linh trưởng theo các quy trình; hoàn thiện các quy định hướng dẫn về cứu hộ và quản lý sau cứu hộ các cá thể linh trưởng (chăm sóc, vận chuyển, nuôi nhốt, di dời và quản lý loài ngoại lai nhập nội) (Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở việt nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030).

Có thể thấy, trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển đa dạng loài, đa dạng sinh học thông qua bảo tồn chuyển vị, tuy vậy, vẫn còn nhiều lỗ hổng trong quá trình thực thi pháp luật.

Ảnh: PanNature

Thách thức trong gây nuôi động vật hoang dã vì mục đích bảo tồn

Hiện nay, tham gia thực hiện công tác bảo tồn ngoại vi bao gồm các vườn động vật, trạm cứu hộ động vật, ngân hàng giống, bảo quản nguồn gen động vật. Trong đó, vườn động vật hay vườn thú là ví dụ điển hình cho các cơ sở thực hiện biện pháp này (Dr. Kanailal Ghosh). Các vườn động vật có thể đóng vai trò đi đầu trong công tác bảo tồn ngoại vi bởi đây là nơi lưu giữ số lượng lớn các loài động vật nguy cấp, đồng thời sở hữu các kinh nghiệm chuyên sâu về kỹ thuật chăm sóc, nhân nuôi động vật (Dalia A. Conde et al, 2011).

Đơn cử, theo báo cáo quốc gia về đa dạng sinh học năm 2011, Vườn quốc gia Cát Tiên đã phục hồi, tái thả lại tự nhiên thành công loài cá sấu nước ngọt (Crocodylus siamensis); năm 2010, Viện Hải dương học Nha Trang đã nghiên cứu bước đầu thành công sinh sản nhân tạo loài Cá Ngựa thân trắng quý hiếm (Hippocampus kellogi) với kích thước lớn nhất có thể đạt được là 35cm. Cũng nhờ gây nuôi sinh sản mà loài hươu sao Việt Nam đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên tại Việt Nam từ lâu nhưng hiện vẫn còn giữ được nguồn gen. Như vậy, nhờ có chính sách khuyến khích gây nuôi bảo tồn ĐVHD mà chúng ta vẫn còn gìn giữ, phát triển được nguồn gen, phục hồi cá thể, quần thể của một số loài.

Tuy nhiên, gây nuôi bảo tồn thực sự mang lại ý nghĩa khi không chỉ hướng tới một mục đích duy nhất là gìn giữ nguồn gen và phục hồi số lượng loài đang bị đe dọa mà còn nhằm phục hồi quần thể loài hoang dã trong môi trường sống tự nhiên của chúng. Để thực hiện được điều ấy, một chương trình gây nuôi bảo tồn cần đảm bảo duy trì được tỷ lệ đa dạng nguồn gen cao trong một quần thể loài bởi điều này có ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng sống sót, thích nghi của loài trong quá trình chọn lọc tự nhiên sau này. Ở đây, có ba vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, các cá thể giống ban đầu được lựa chọn phải đại diện cho tính đa dạng về gen, phạm vi phân bố, và cần duy trì một số lượng cá thể ban đầu không quá thấp. Thứ hai, cần quản lý chặt chẽ việc giao phối trong mùa sinh sản, đặc biệt tránh tình trạng giao phối cận huyết có hại giữa các cá thể. Thứ ba, cần ước lượng được quy mô loài tối thiểu để đảm bảo tính đa dạng của nguồn gen, khung thời gian và tốc độ sinh sản, sinh trưởng của loài (Kristin Leus, 2011). Tất cả các điều kiện trên đều đòi hỏi cơ sở gây nuôi phải có hiểu biết sâu sắc về loài, kinh nghiệm chăm sóc, cơ sở vật chất kỹ thuật cao mới có thể đáp ứng.

Bên cạnh đó, đối với một số loài ĐVHD, việc duy trì chế độ dinh dưỡng của loài đã tốn kém một khoản kinh phí rất lớn. Kinh nghiệm của Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật Hoang dã (Save Vietnam’s Wildlife), đơn vị chuyên về bảo tồn các loài thú ăn thịt nhỏ và tê tê cho thấy, chỉ riêng việc mua thức ăn cho tê tê cứu hộ tại trung tâm đã tốn đến hơn 1 tỷ đồng mỗi năm, cùng chế độ chăm sóc vô cùng đặc biệt bởi tê tê là loài thú sống về đêm và là một trong những loài động vật khó nuôi nhốt nhất trong môi trường kiểm soát với tỷ lệ sinh sản không cao. Như vậy, đây cũng là một thách thức lớn với gây nuôi bảo tồn khi cần đảm bảo nguồn lực tài chính cho sự phát triển của loài bao gồm chế độ dinh dưỡng, điều kiện chuồng trại, chi phí quản lý, đầu tư trang thiết bị… và duy trì cho tới khi có thể đưa loài trở về môi trường sống tự nhiên của chúng.

Một khía cạnh khác khi nhắc đến nhân nuôi động vật nói chung và nhân nuôi ĐVHD ở Việt Nam nói riêng là đảm bảo phúc lợi động vật. Theo Hội đồng phúc lợi Anh, các khía cạnh phúc lợi “5 không” của động vật bao gồm: không bị đói khát; không bị đau đớn, tổn thương và bệnh tật; không bị khó chịu; không bị sợ hãi và khổ sở; không bị hạn chế các tập tính tự nhiên. Trong Luật Thú y năm 2015 đã có điều khoản quy định về đối xử động vật, cụ thể: “Tổ chức, cá nhân chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sử dụng động vật có trách nhiệm: quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, vận chuyển phù hợp với từng loài động vật; giảm thiểu đau đớn, sợ hãi, đối xử nhân đạo với động vật trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy, phòng bệnh, chữa bệnh và nghiên cứu khoa học. Tổ chức, cá nhân nuôi động vật làm cảnh, nuôi bảo tồn đa dạng sinh học có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật đầy đủ, kịp thời theo quy định của Luật này (Điều 21). Tuy nhiên, khái niệm “phúc lợi động vật” vẫn còn là khái niệm gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam khi mới đây, trong Dự thảo Luật Chăn nuôi, nhiều đại biểu Quốc hội còn cho rằng “phúc lợi” là từ chỉ dành riêng cho con người (Báo Dân Việt, 2018) . Chính vì chưa có những ràng buộc về mặt pháp luật, ĐVHD và nhiều nhóm loài khác còn đang bị đối xử tồi tệ, không được đảm bảo các nhu cầu tối thiểu để duy trì bản năng tự nhiên. Trong khi đó, ĐVHD có tập tính khác hẳn các vật nuôi thông thường như chế độ ăn, thời gian hoạt động, không gian tối thiểu cần đảm bảo cho sự phát triển khỏe mạnh của loài.

Theo TS Phan Việt Lâm – chủ tịch Hiệp hội Vườn thú Việt Nam và chủ tịch Hiệp hội Vườn thú Đông Nam Á (SEAZA), trên cả nước hiện mới chỉ có 18 vườn thú là thành viên thuộc Hiệp hội Vườn thú Đông Nam Á và có điều kiện nuôi dưỡng tốt đối với ĐVHD. Các vườn thú còn lại vẫn chưa có quy trình, quy chuẩn chung về điều kiện chăm sóc, nuôi thú mà mỗi nơi tự xây dựng và áp dụng một quy trình riêng. (Báo Tuổi trẻ, 2018). Chính vì vậy, khi gặp vấn đề về an toàn hay xảy ra sự cố, các đơn vị vẫn chưa có các biện pháp xử lý đảm bảo môi trường và điều kiện sinh sống của thú. Các nguyên tắc tương tác, giao tiếp với động vật cũng chưa được đảm bảo.

Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, một trong những thách thức lớn nhất đối gây nuôi bảo tồn ĐVHD đó chính là không quản lý được các cơ sở gây nuôi vì mục đích thương mại. Mặc dù vườn thú được xem là nơi có những điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp đối với gây nuôi bảo tồn, song việc xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình vườn thú tư nhân vì mục đích thương mại đã đẩy tình trạng nguy cấp của các loài ĐVHD lên cao. Nhiều cơ sở còn núp danh vườn thú nhưng thực chất là các trang trại gây nuôi thương mại. Bên cạnh đó, tình trạng trà trộn ĐVHD từ tự nhiên vào trang trại gây nuôi đã xảy ra bởi chi phí săn bắt ngoài tự nhiên rẻ hơn nhiều so với chi phí sinh sản, nuôi dưỡng, chăm sóc. Hành vi hợp thức hóa ĐVHD vào các trại nuôi đã được ghi nhận trên thực tế (Báo Lao động, 2018).

Cùng với đó, một số quy định pháp luật về quản lý buôn bán ĐVHD còn kẽ hỡ, tạo môi trường để hoạt động buôn bán ĐVHD tồn tại. Chẳng hạn, quy định cho phép bán thanh lý ĐVHD sau khi tịch thu đã và đang hợp thức hóa việc thương mại hóa các loài động vật vốn bị cấm tàng trữ, buôn bán trên thị trường. Quy định trong Dự thảo Nghị định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước CITES thay thế Nghị định 32/2006 và Nghị định 82/2006 chưa đề cập đến hoạt động quản lý các loài thuộc Phụ lục Công ước CITES không có vùng phân bố tự nhiên ở Việt Nam nhưng được nhập khẩu, nhập nội hợp pháp/bất hợp pháp và hiện đang tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam ở các vườn thú, safari, trang trại… Việc cho phép thương mại hóa các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp thuộc nhóm I và Phụ lục I Công ước CITES trong khi các quy định về quản lý, giám sát và truy xuất nguồn gốc chưa rõ ràng về tính hiệu quả sẽ gây tác động bất lợi cho công tác bảo tồn các loài này trong tự nhiên, ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trong nỗ lực bảo tồn và thực thi các cam kết của Công ước CITES (PanNature, 2018).

Ảnh: PanNature

Đề xuất xây dựng hàng rào kỹ thuật cho chính sách về gây nuôi, bảo tồn ĐVHD

Thứ nhất, cần giới hạn chặt chẽ chủ thể được tham gia vào việc gây nuôi vì mục đích bảo tồn là các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, các cơ sở nghiên cứu khoa học, các trung tâm cứu hộ, các vườn thú có đầy đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu phát triển của loài động vật như cơ sở vật chất, kỹ thuật, chuyên gia, nhân lực, nguồn kinh phí đáp ứng chương trình gây nuôi bảo tồn, có mục đích phục hồi số lượng loài, duy trì đa dạng nguồn gen loài và đưa loài trở về môi trường tự nhiên trong tương lai.

Thứ hai, cần có chiến lược gây nuôi với từng nhóm loài cụ thể, tránh tình trạng gây nuôi đồng loạt nhiều nhóm loài khi chưa có các kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng về loài. Loài được cấp phép gây nuôi bảo tồn phải có nguồn gốc hợp pháp, đã được gây nuôi bảo tồn thành công, hoặc đã được cứu hộ, chăm sóc, tái thả thành công trước đó.

Thứ ba, cần có đơn vị chủ quản có thẩm quyền, năng lực để phụ trách việc đánh giá hiện trạng các cơ sở gây nuôi bảo tồn hiện nay trên toàn quốc xem đã đạt chuẩn hay dưới chuẩn, có tình trạng trà trộn ĐVHD dã từ tự nhiên vào hay không, cũng như giám sát hoạt động, đánh giá tính khả thi của các cơ sở, các chương trình bảo tồn này. Trên kết quả đánh giá, đề xuất các phương án huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cán bộ, phương án hợp tác, chuyển giao kinh nghiệm giữa các cơ sở.

Thứ tư, cần đẩy mạnh việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các đơn vị có hiểu biết, kiến thức cũng như kinh nghiệm trực tiếp với nhóm loài nhằm mục đích xây dựng quy trình, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể như tiêu chuẩn tối thiểu gây nuôi ĐVHD, điều kiện, quy mô, các loại vật liệu xây dựng chuồng trại, quy chuẩn chăm sóc, ăn uống, thú y, cách thức tương tác với động vật, không gian tối thiểu cần có cho từng cá thể, quy trình ghép đôi mùa sinh sản.

Thứ năm, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm giữa các vườn thú, cơ sở cứu hộ và các chương trình bảo tồn sinh sản khác nhằm nâng cao hiệu quả gây nuôi sinh sản; đầu tư, chuyển giao trang thiết bị; tìm kiếm các nguồn thức ăn nhân tạo thay thế đối với một số nhóm loài có chế độ ăn uống đặc biệt hay tốn kém; tiếp nhận động vật để duy trì và đa dạng nguồn gen loài; đánh giá, giám sát hoạt động bảo tồn chuyển vị cho ĐVHD; đào tạo năng lực cho cán bộ làm việc với động vật như cán bộ chăm sóc, cán bộ thú y. Thường xuyên có những chương trình trao đổi luân phiên cán bộ giữa các vườn thú, cơ sở cứu hộ trong và ngoài nước để nâng cao kiến thức, kỹ năng, hiểu biết loài.

Thứ sáu, tập trung hơn nữa vào quy trình giám sát sau khi đưa loài trở về môi trường sống tự nhiên. Cần đầu tư kỹ thuật để theo dõi tình hình tái hòa nhập về tự nhiên và mức độ an toàn của loài sau tái thả.

Thứ bảy, cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có các hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao hiểu biết về mật độ quần thể, tập tính loài, chế độ ghép đôi, chăm sóc cá thể non mới sinh… tạo cơ sở cho việc liên tục cải thiện hệ thống quy trình chăm sóc động vật đạt kết quả tốt nhất.

Cuối cùng, khi chưa chứng minh, đánh giá được hiệu quả của các chương trình gây nuôi bảo tồn ĐVHD, cần hạn chế hoặc cấm hoàn toàn việc cấp phép các chương trình gây nuôi sinh sản, sinh trưởng vì mục đích thương mại, tránh việc đẩy các nhóm loài ĐVHD từ nguy cấp, quý, hiếm đến mức độ tuyệt chủng do hành vi trục lợi của các đối tượng vi phạm.


Tài liệu tham khảo

  1. Báo Dân Việt. 2018. Cho phép vật nuôi nghỉ lễ tết hay sao mà đưa từ phúc lợi vào, Danviet.vn 10/08. http://bit.ly/btcs588
  2. Báo Lao động. 2018. Cạo trọc, vét nhẵn, tận diệt “hàng rừng”, Nguồn: http://bit.ly/btcs589
  3. Báo Tuổi trẻ. 2018. Việt Nam chưa có quy chuẩn về điều kiện chăm sóc, nuôi thú
  4. Bộ Tài nguyên và Môi trường. 2015. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015
  5. Bộ Tài nguyên và Môi trường. 2011. Báo cáo quốc gia về Đa dạng sinh học.
  6. Dalia A. Conde, Nate Flesness, Fernando Colchero, Owen R. Jones & Alexander Scheuerlein, Zoos can lead the way with Ex Situ Conservation, WAZA magazine Vol 12/2011
  7. Dr. Kanailal Ghosh, Ex-situ and In-situ conservation of wildlife with reference to zoo gardens and sundarban tiger reserve in west bengal.
  8. Farm Animal Welfare Council / Farm Animal Welfare Committee, Five Freedoms.
  9. Goodrich, J., Lynam, A., Miquelle, D., Wibisono, H., Kawanishi, K., Pattanavibool, A., Htun, S., Tempa, T., Karki, J., Jhala, Y. & Karanth, U. 2015. Panthera tigris. The IUCN Red List of Threatened Species 2015: e. T15955A50659951. Nguồn: http://bit.ly/btcs590
  10. Kristin Leus .2011. Captive breeding and conservation, Zoology in the Middle East, 54:sup3, 151-158, DOI: 10.1080/09397140.2011.10648906
  11. Pan Nature. 2018. Góp ý cho Dự thảo Nghị định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước CITES. Nguồn: http://bit.ly/btcs591
  12. Save Vietnam’s Wildlife. 2016. A long way home , video recording, 15 February.

Nguyễn Nga – Đào Hương, Save Vietnam’s Wildlife (SVW)