Theo các nhà khoa học Mỹ, sở dĩ các cánh rừng nhiệt đới duy trì được vẻ đa dạng sinh học là vì ở vùng đất gần các cây riêng lẻ – môi trường sống của nấm và động vật chân đốt, không cho phép hạt giống và cây con của cùng một loài cây phát triển.
Theo Proceedings of the National Academy of Science, các nhà môi trường đã lý giải được tại sao những khu rừng nhiệt đới bảo tồn được vẻ đa dạng sinh học. Họ giải thích, vấn đề là ở vùng đất được tìm thấy gần các cây riêng lẻ – môi trường sống của nấm và động vật chân đốt không cho phép hạt giống và cây con của cùng một loài cây phát triển được gần đó. Theo các nhà khoa học ở Đại học Oregon (Mỹ), đây là lý do tại sao không có loài cây nào chiếm ưu thế trong các khu rừng nhiệt đới. Hạt giống của các cây riêng lẻ, được phân tán trong rừng bởi các loài gặm nhấm, động vật có vú hoặc chim thì có cơ hội phát triển, vì nấm và động vật chân đốt trong khu vực mới đó nhắm vào các loài cây khác.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sự hạn chế này tạo ra hiệu ứng ổn định lâu dài, ưu tiên các loài cây quý hiếm và ngăn ngừa sự lây lan của những loài cây thông thường. Hiệu ứng này một lần nữa chứng minh vai trò quan trọng của cái gọi là “kẻ thù tự nhiên” của các loài cây.
Theo các nhà khoa học, tại một số cánh rừng nhiệt đới trong cùng một khu vực có thể tìm thấy tới 1.000 loài cây khác nhau. Ý tưởng về “kẻ thù tự nhiên” hạn chế sự lây lan của cây non không phải là mới: trên thực tế, ý tưởng này đã được đưa ra gần nửa thế kỷ trước bởi 2 nhà khoa học và nổi tiếng, với thuật ngữ giả thuyết Janzen-Connell (Janzen-Connell hypothesis).
Khi nghiên cứu một số cơ chế ngăn chặn sự chiếm ưu thế của loài cây này so với các loài cây khác, giả thuyết ấy vẫn chưa giải thích được tại sao hàng ngàn loài cây có thể phát triển cùng nhau. Các nghiên cứu trước đây cho thấy hiệu ứng Janzen-Connell chỉ áp dụng cho một số loài cây và do vậy, hiệu ứng đó tương đối không đáng kể đối với việc duy trì sự đa dạng của các cánh rừng nhiệt đới.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học phát hiện ra rằng nếu nấm, động vật chân đốt và các sinh vật khác tạo ra các khu vực nhỏ xung quanh cây, ngăn chặn sự phát triển của cây non mới cùng loài thì vẻ đa dạng sinh học của các loài cây trong rừng nhiệt đới có thể tồn tại trong một thời gian dài. Ở nhiều khu rừng Bắc Mỹ, cây cối tranh giành không gian và một số loài có cách riêng cho phép chúng chiến thắng. Ví dụ, linh sam Douglas là một loài phát triển tốt nhất sau một đám cháy rừng. Một số loài phát triển tốt hơn trong bóng râm và dưới tán cây, một số chỉ phát triển tốt về chiều cao. Tuy nhiên, ở các cánh rừng nhiệt đới, mọi thứ đều khác: ở đây tất cả các loại cây dường như có cùng lợi thế cạnh tranh.
“Chúng tôi thấy vẻ đa dạng với rất nhiều loài cây, nhưng mỗi loài chỉ có rất ít đại diện. Chúng tôi tin tưởng rằng chắc chắn có một cơ chế ngăn chặn sự chiếm ưu thế và thống trị của loài duy nhất và chúng tôi tin rằng nguyên nhân quyết định điều đó chính là những “kẻ thù tự nhiên” của các loài cây” – tác giả chính của công trình nghiên cứu, nhà sinh thái học Taal Levi, giải thích.
Theo Taal Levi, xung quanh những cây cao lớn có một “vùng cấm kỵ” nào đó đối với hạt giống, vì vậy, nếu chúng đến được các nơi khác thì chúng có thể phát triển, nhưng chỉ khi nấm và động vật chân đốt nguy hiểm chưa xuất hiện ở nơi mới.
Nhà khoa học cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn sự đa dạng sinh học của các loài chim và động vật có vú trong những khu rừng nhiệt đới này vì vẻ đa dạng của rừng nhiệt đới phụ thuộc vào chúng ở một mức độ lớn.