Việt Nam là một trong 10 quốc gia giàu đa dạng sinh học nhất trên thế giới, với sự có mặt của 10% số loài được biết đến, trong khi diện tích lãnh thổ chỉ chiếm chưa đến 1% diện tích Trái đất. Việt Nam là nơi cư trú của hơn 275 loài thú có vú, 800 loài chim, 180 loài bò sát, 2.470 loài cá, 5.500 loài côn trùng và 12.000 loài cây (trong đó chỉ có 7.000 loài đã được nhận dạng) (Greeviet, 2015). Tuy nhiên, nhu cầu về ĐVHD và các sản phẩm từ chúng tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng trong bối cảnh cung ngày càng cạn kiệt đã làm suy giảm nghiêm trọng sự đa dạng sinh học này.
Nhu cầu sản phẩm động vật hoang dã
Hoạt động buôn bán ĐVHD ở Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ 20, khi việc giao lưu buôn bán quốc tế ở Việt Nam được mở rộng. Trong thời gian gần đây, hoạt động buôn bán ĐVHD vẫn diễn ra thường xuyên và có xu hướng mở rộng. Sự phát triển của hoạt động buôn bán thể hiện qua số lượng giấy phép CITES tăng theo năm. Từ năm 2003 đến 2005, đã có tổng cộng 3.083 giấp phép và chứng chỉ CITES xuất khẩu đã được cấp ở Việt Nam (CITIES, 2007).
Theo các báo cáo, nhu cầu về ĐVHD sử dụng để làm thực phẩm, thuốc, và mục đích trang trí và xuất khẩu hằng năm nằm trong khoảng 3.700 tấn đến 4.500 tấn, không bao gồm chim và côn trùng (Dự án 104. VIE 1. MFS2/21). Trong khi đó, các nghiên cứu cũng ước tính rằng các vụ tịch thu buôn bán ĐVHD bất hợp pháp chỉ chiếm khoảng 5-20% con số thực tế. Từ đó có thể thấy rằng, mỗi năm hàng ngàn tấn ĐVHD và hàng trăm ngàn cá thể bị tiêu thụ trong nước hoặc buôn lậu ra nước ngoài.
Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam trong 20 năm qua đã kéo theo nhu cầu ngày càng tăng đối với các mặt hàng xa xỉ bao gồm các sản phẩm ĐVHD có giá trị cao. Đây là hiện tượng phổ biến ở nhiều nước có thu nhập trung bình, khi sự thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng đã diễn ra trước khi có sự thay đổi tương ứng trong quan điểm bảo tồn. Nhu cầu tiêu thụ ĐVHD cao nhất ở những thành phố lớn, nơi tập trung nhiều doanh nhân cũng như viên chức giàu có. Nghiên cứu của Vũ Hồng Minh (2014) và Bina Venkatarama (2007) về tiêu thụ ĐVHD tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cho thấy gần 50% số người được khảo sát ở hai thành phố này từng tiêu thụ sản phẩm từ ĐVHD. Ở thị trường trong nước, hầu hết các loài ĐVHD được tiêu thụ trong các nhà hàng đặc sản hoặc được sử dụng làm nguyên liệu bào chế thuốc Đông y. Các tỉnh như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum là những nơi khai thác ĐVHD lớn (nơi cung) và đường quốc lộ 1A là tuyến đường vận chuyển ĐVHD nhiều nhất Việt Nam.
Tiêu thụ ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD ở Việt Nam chủ yếu tập trung ở ba hình thức: thực phẩm, sử dụng làm thuốc và trang trí. Kết quả nghiên cứu trên cũng cho thấy 68,8% số người trả lời đã từng sử dụng thực phẩm ĐVHD; 67,0% đã dùng thuốc được chế biến từ ĐVHD; và 11,6% từng sử dụng các vật trang trí làm từ ĐVHD như ngà voi, sừng hươu, nanh hổ, lông voi.
Sử dụng ĐVHD hay các sản phẩm từ chúng phục vụ cho nhu cầu ăn uống, chữa bệnh, trang trí đã trở thành một thói quen ăn sâu vào nhận thức của nhiều người Việt Nam. Đây là những hành vi trái pháp luật song nó lại được củng cố bởi các niềm tin mang tính truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác, thậm chí đôi khi còn được cổ xúy bởi một số nội dung truyền thông sai lạc của các phương tiện thông tin đại chúng. Trong khi đó, mức sống ngày càng cao của người dân thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã khiến nhu cầu về thực phẩm, trang trí và các phương thuốc sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD ngày càng tăng.
Thực trạng cung động vật hoang dã
Trong các lý thuyết về kinh tế, cung các loại hàng hóa, dịch vụ chính là lượng hàng hóa, dịch vụ mà người sản xuất hoặc người cung sẵn sàng và có khả năng cung tại một mức giá nào đó, trong khoảng không gian và thời gian nhất định (Nguyễn Văn Song, 2009). Quy luật cung cũng chỉ ra rằng khi giá tăng thì cung tăng và giá giảm thì cung giảm, hay lượng cung đồng biến với giá cả hàng hóa đó. Nhưng trong thực tế, có một số đường cung vài loại hàng hóa lại phụ thuộc không chỉ vào các yếu tố nội sinh, ngoại sinh của hàm cung thông thường (giá cả các yếu tố đầu vào, giá cả các yếu tố đầu ra, kỹ thuật sản xuất, số lượng người cung, chính sách vĩ mô của Chính phủ), mà còn phụ thuộc vào các yếu tố như tâm lý xã hội, yếu tố sinh học của các loài (cung các loài động thực vật trong ngắn hạn). Mô hình kinh tế – sinh học trong khai thác ĐVHD có nguy cơ tuyệt chủng là một minh chứng điển hình cho nhận định trên.
Mô hình kinh tế – sinh học trong khai thác các loài động thực vật cho thấy, khi lượng cầu của xã hội thấp (D1), giá thị trường sẽ là P1 và lượng cung trên thị trường sẽ là Q1; cầu thị trường là D2, giá thị trường sẽ tăng lên P2 và lượng cung trên thị trường sẽ là Q2, tương đương với sản lượng tối đa có thể khai thác (MSYH). Tuy nhiên, nếu lượng cầu trên thị trường tăng lên D3 làm cho giá thị trường tiếp tục tăng lên tới P3, sức ém về giá cả và lợi nhuận trong đánh bắt loại tài nguyên này rất cao trên thị trường, nhưng ngược lại tốc độ và khả năng tái tạo của loài động thực vật này có hạn (tối đa là tại MSY). Chính vì vậy, việc loài động thực vật đang bị cạn kiệt do đánh bắt vượt quá sức tái tạo của loài sẽ khiến đường cung (S) có xu hướng cong ngược trở lại. Lúc này giá càng cao lượng cung càng giảm bởi vì, do sức ép của giá cả cao, lợi nhuận lớn, người đánh bắt càng tăng cường săn lùng đánh bắt trong điều kiện trữ lượng có hạn, làm cho lượng cung trở nên khan hiếm không đáp ứng lượng cầu. Việc người khai thác, đánh bắt cả vào tài nguyên gốc (bố, mẹ các loài này) làm cho loài động thực vật này ngày càng khan hiếm và có nguy cơ bị tuyệt chủng trên trái đất.
Nhìn chung, đối với ĐVHD, giá cả là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cung và lượng cung trên thị trường. Giá cao là động lực cho việc săn bắt, buôn bán trái phép ĐVHD diễn ra nhiều hơn. Quy luật cung đối với ĐVHD quý hiếm cho thấy, giá càng cao thì cung ĐVHD càng trở nên khan hiếm; tác động ngược lại, cung ĐVHD càng khan hiếm thì càng đẩy giá lên cao. Kết quả cuối cùng là ĐVHD, đặc biệt các loài quí hiếm, bị đẩy đến nguy cơ tuyệt chủng.
Trong lý thuyết về cung, số lượng người cung càng nhiều thì cung càng lớn và ngược lại. Ở Việt Nam, cung ĐVHD từ săn bắt tự nhiên chủ yếu ở các tỉnh như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum. Bên cạnh đó, nguồn cung từ gây nuôi cũng đóng góp một phần không nhỏ vào cung ĐVHD. Hiện nay, các trang trại gây nuôi ĐVHD (doanh nghiệp, tập thể, cá nhân) đang phát triển mạnh mẽ với khoảng 4.000 cơ sở đã đăng ký với cơ quan chức năng ở cả 63 tỉnh, thành phố. Có khoảng 1 triệu cá thể thuộc 100 loài đang được nuôi (Đặng Huy Hùng, 2014), trong đó có các loài như hươu, nai, lợn rừng, nhím, trăn, cá sấu, khỉ đuôi dài và rắn các loại… Những người đang hoạt động trong mô hình này cho rằng, gây nuôi ĐVHD không chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thực tế trong nước và xuất khẩu mà còn góp phần đảm bảo cho công tác bảo tồn nguồn gen, là công cụ hữu hiệu giúp xóa đói giảm nghèo, đồng thời giảm bớt áp lực săn bắt trong tự nhiên. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp gây nuôi ĐVHD không làm giảm sức ép lên ĐVHD trong tự nhiên, khi động vật bị săn bắt trái phép từ tự nhiên được hợp pháp hóa trong các trang trại gây nuôi. Hơn nữa, trang trại gây nuôi có thể là nơi tiềm ẩn nguy cơ vật nuôi sổng chuồng và có thể truyền bệnh cho các cá thể loài trong tự nhiên. Như vậy, vô hình chung, gây nuôi ĐVHD lại tác động tiêu cực đến ĐVHD trong tự nhiên.
Không nằm trong nhóm các yếu tố ảnh hưởng đến cung theo lý thuyết kinh tế nhưng thu nhập từ săn bắt, buôn bán ĐVHD có ảnh hưởng lớn đến cung các loại sản phẩm này trên thị trường bởi lợi ích kinh tế mang lại từ các hoạt động này rất lớn. Theo đó, thu nhập từ săn bắt, buôn bán ĐVHD càng cao càng gia tăng các nỗ lực săn bắt, cung ĐVHD do đó tăng lên. Tuy nhiên, do yếu tố đặc thù sinh học nên cung ĐVHD không tăng tỉ lệ thuận với giá cả cũng như thu nhập từ hoạt động săn bắt và buôn bán ĐVHD, mà tăng với tốc độ chậm hơn.
Mối liên hệ giữa nhu cầu với nguồn cung từ góc nhìn kinh tế, thị trường
Nghiên cứu và thực tế đã chỉ ra rằng cung về ĐVHD, nhất là cung từ tự nhiên ngày càng khan hiếm trong khi nhu cầu tăng cùng với sự phát triển kinh tế và thu nhập của người tiêu dùng. Điều này dẫn đến mất cân bằng cung cầu về ĐVHD, khiến giá cả sản phẩm ĐVHD tăng, lợi nhuận tăng, tình trạng buôn bán trái phép tăng.
Trong kinh tế thị trường, giá cả được xác định do sự tương tác giữa cung và cầu. Đường cung và cầu quan trọng nhất trong thế giới của chúng ta hiện nay là sự có hạn của tài nguyên và sự vô hạn của hệ thống kinh tế. Như vậy, giá sẽ là cơ sở để phân bổ những nguồn tài nguyên khan hiếm này. Vấn đề là, đường cầu với các nguồn tài nguyên khan hiếm tăng rất nhanh do sự gia tăng dân số, thu nhập và nhu cầu (đối với ĐVHD) trong khi đường cung có xu hướng giảm do khai thác quá mức (nhanh hơn nhiều so với khả năng tái tạo) dẫn tới giá tăng đột biến. Sự mất cân bằng giữa cung và cầu càng nhanh đẩy giá càng cao. Trong khi đường cung có xu hướng giảm (sau điểm giao nhau giữa cung và cầu), cầu càng tăng lên, dẫn tới giá tăng.
Như vậy, phân tích cung cầu về ĐVHD cho thấy cả hai yếu tố cung và cầu về ĐVHD không tuân theo quy luật hàng hoá thông thường. Mối liên hệ giữa nhu cầu với nguồn cung ĐVHD được cụ thể qua đặc tính năng động của cầu – cung thị trường ĐVHD như sau:
Một là, tín hiệu thị trường thông qua giá cả là yếu tố quan trọng quyết định nguồn cung ĐVHD. Tuy nhiên, từ phía dự đoán thị trường cung thì các nhà cung cấp tham gia thị trường một cách độc lập với tín hiệu giá do thị trường tạo ra. Điều này có thể lí giải bởi sự khan hiếm của ĐVHD “tài nguyên có thể không đủ để áp ứng nhu cầu”, đặc biệt đối với các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Hai là, trong khi người tiêu dùng có thể dễ dàng xác định được số lượng, chủng loại sản phẩm ĐVHD mình sẽ tiêu dùng, thì phía cung cấp lại bị hạn chế ở điểm này do phụ thuộc vào giá cả và tính sẵn có của sản phẩm ĐVHD.
Tóm lại, mất cân bằng cung – cầu do cầu tăng quá nhanh trong khi cung tài nguyên ĐVHD khan hiếm đã đẩy giá ĐVHD lên rất cao. Giá cao lại là động lực để các đối tượng săn bắt, buôn bán và tiêu thụ sản phẩm từ ĐVHD nhiều hơn, đẩy nhiều loài ĐVHD đến nguy cơ tuyệt chủng. Vì vậy, việc người tiêu dùng thay đổi nhận thức, cách ứng xử, tiêu dùng với ĐVHD để giảm cầu là vô cùng cần thiết, trước khi đẩy các loài vào nguy cơ tuyệt chủng.
Tài liệu tham khảo:
1. Bina Venkatarama . 2007. A matter of attitude: The consumption of wild animal products in Hanoi, Vietnam. TRAFFIC Southeast Asia, Greater Mekong Programme, Hanoi, Vietnam.
2. CITIES. 2007. Đánh giá một số tác động về môi trường, kinh tế và xã hội của chính sách về buôn bán động thực vật hoang dã ở Việt Nam. Báo cáo tư vấn do cộng đồng Châu Âu và mạng lưới Học viện Quốc tế (GIAN).
3. Đặng Huy Hùng. 2014. Cần kiểm soát chặt chẽ việc gây nuôi động vật hoang dã tại Việt Nam. Tạp chí Môi trường số 12/2014.
4. Greenviet. 2015. Thách thức đa dạng sinh học. http://bit.ly/btcs581
5. McNamara J, Rowcliffe M, Cowlishaw G, Alexander JS, Ntiamoa-Baidu Y, Brenya A, et al. (2016) Characterising Wildlife Trade Market Supply-Demand Dynamics. PLoS ONE 11(9): e0162972. http://bit.ly/btcs600
6. Dự án 104. VIE 1. MFS2/21 Tăng cường năng lực thực hiện và thực thi Công ước CITES tại Việt Nam.
7. Nguyễn Văn Song. 2009. Giáo trình Kinh tế tài nguyên. NXB Nông nghiệp 2009
8. Vũ Hồng Minh. 2013. Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam. Bài dự thi viết về bảo vệ các loài hoang dã nguy cấp. Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam
Nguyễn Văn Song – Đỗ Thị Diệp, Khoa Kinh tế và Phát triển Nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam