Khả năng hấp thu CO2 của thảm thực vật ở bán cầu Bắc suy giảm mạnh

Mới đây giới khoa học phát hiện khả năng hấp thu khí carbon vào mùa Hè của hệ sinh thái mặt đất ở vùng Bán cầu Bắc đã giảm đáng kể do tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Thảm thực vật  ở Holandsfjorden, Bắc Cực Na Uy. Ảnh: climate-policy-watcher.org

Nói cách khác, tình trạng khí hậu Trái Đất ấm lên trong những năm qua liên quan đến sự suy giảm hấp thu carbon từ bầu khí quyển của hệ sinh thái. Việc quan sát mật độ CO2 tập trung trong bầu khí quyển từ các trung tâm giám sát khí quyển đặt ở vùng khí hậu ấm bổ sung cho việc giám sát hoạt động trao đổi carbon tại các hệ sinh thái ở phía Bắc.

Lâu nay, hầu hết các nghiên cứu về vòng tuần hoàn carbon ở Bán cầu Bắc dựa trên mật độ CO2 trong bầu khí quyển tập trung vào mùa Thu và mùa Xuân, nhưng những tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu đối với vòng tuần hoàn carbon trong mùa Hè hiện vẫn chưa rõ ràng. Mùa Hè là thời điểm thực vật hoạt động với công suất cao nhất, tác động tích cực tới sự hấp thu carbon của hệ sinh thái mặt đất và nhìn chung có các điều kiện thời tiết thích hợp cho việc hấp thu CO2.

Các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Cao nguyên Tây Tạng thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc đã sử dụng những dữ liệu ghi được về mật độ CO2 để tính toán mức độ giảm CO2 trong bầu khí quyển trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 8 hàng năm, theo đó xác định mức hấp thu carbon vào mùa Hè.

Kết quả chỉ ra, trong khu vực 50 độ tính từ xích đạo dịch chuyển về  phía Bắc bán cầu, khả năng hấp thu carbon của hệ sinh thái trong mùa Hè diễn biến tỷ lệ nghịch với những biến đổi nhiệt tại khu vực, trong giai đoạn từ 1979 tới 2012. Đặc biệt, sự biến đổi tỷ lệ nghịch dễ dàng nhận thấy trong giai đoạn từ 1996 tới 2012. Hiện tượng này được cho là do các hoạt động thảm thực vật mùa Hè giờ đây không còn tuân theo qui luật nhiệt độ theo mùa nữa.