Xây dựng khu du lịch tâm linh chùa Hương: Không hợp lý, trái luật?

Đề xuất xây khu du lịch tâm linh Hương Sơn 15.000 tỉ đồng đang gây nhiều tranh cãi về pháp lý lẫn tính khả thi của dự án.

Ngày 25-12, ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, cho biết dự án khu du lịch tâm linh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội), nối từ chùa Tam Chúc – Ba Sao (tỉnh Hà Nam) đến chùa Hương (Hà Nội) hiện có 3-4 doanh nghiệp (DN) tư nhân đưa ra đề án, trong đó có DN Xuân Trường.

Khó thực hiện

Theo đề xuất của DN Xuân Trường, DN này sẽ xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn quy mô khoảng 1.000 ha (phía Bắc giáp khu bến đò Suối Yến, phía Nam giáp khu du lịch Tam Chúc, phía Tây là dãy núi giáp với tỉnh Hòa Bình, phía Đông giáp sông Đáy tỉnh Hà Nam), tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỉ đồng. Dự án gồm các hạng mục: Nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 20 km; khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực; xây dựng một tháp tầm cỡ quốc tế cao 100 m để thờ xá lợi Phật; xây hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng…

DN cam đoan khu du lịch tâm linh Hương Sơn sẽ trở thành di sản văn hóa cùng với khu du lịch Tam Chúc vào năm 2028; mỗi năm sẽ đón từ 6-8 triệu lượt khách, tạo việc làm cho 30.000 lao động và góp ngân sách 1.000 tỉ đồng/năm.

Ông Trần Ngọc Nam cho hay tại khu vực này hiện đã có 3-4 dự án đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) chấp thuận, trong đó có các dự án cả về tâm linh, cáp treo liên quan. “Có thể hiểu mục đích thu lợi với DN Xuân Trường chỉ là một vấn đề, còn việc mà DN này muốn tạo cảnh quan đẹp cho Hà Nội để 4 hoặc 5 năm tới trở thành di sản thế giới là hơi quá, không dễ thực hiện. Để trở thành di sản thế giới không phải đơn giản nhân tạo mà được” – ông Nam nhận định.

Dòng suối Yến dẫn vào chùa Hương hiện là nơi mưu sinh của nhiều người dân địa phương (Ảnh: Huy Thanh)

Dự án “nguy hiểm”

PGS-TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) khẳng định nếu để DN tiến hành thực hiện dự án là rất nguy hiểm, không phù hợp. “Dòng suối Yến bao năm nay vẫn thế, nay các DN định nạo vét mà nếu không cẩn thận, nạo vét sẽ làm hỏng cả thắng cảnh” – PGS-TS Đào Trọng Tứ phân tích.

PGS-TS Đào Trọng Tứ cho rằng trong báo cáo phải nói rõ sẽ xâm phạm như thế nào tới cảnh quan bởi khu vực này là rất nhạy cảm, phải hết sức thận trọng. Làm khu du lịch cũng tốt, tạo ra một nền kinh tế xanh nhưng vì quyền lợi của ai và ai là người được lợi nhiều. Nếu làm đẹp thì đừng can thiệp nhiều, cố gắng giữ gìn thiên nhiên… Trong đề xuất của DN Xuân Trường thì DN này chưa giải thích tại sao phải nạo vét suối Yến, hay việc lấy đất của khu vực rừng để xây các công trình sẽ tác động tới thiên nhiên, tâm linh như thế nào.

PGS-TS Đào Trọng Tứ cho rằng trong báo cáo gửi TP Hà Nội, DN Xuân Trường dẫn thành công từ mô hình chùa Bái Đính và đang xây dựng khu du lịch Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên) với mức đầu tư 16.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo khảo sát và tại cuộc phản biện mới đây thì mới biết ngân sách nhà nước phải bỏ ra hơn 14.000 tỉ đồng. Áp dụng vào dự án Hương Sơn thì phải làm rõ từ đầu số vốn đầu tư 15.000 tỉ đồng thì DN bao nhiêu, ngân sách bao nhiêu, thu lợi thế nào?

Phân tích về mặt pháp lý, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định đề xuất của DN Xuân Trường có nhiều điểm không hợp lý, thậm chí là trái luật. Một dự án muốn xin phê duyệt thì trước tiên, phải xem dự án đó có đủ điều kiện quyết định chủ trương đầu tư hay không. Trong quá trình thẩm định hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan đầu tư sẽ đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh, đô thị và đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (nếu có, theo khoản 6 điều 33 Luật Đầu tư). Ngoài ra, dự án phải bảo đảm hiệu quả kinh tế – xã hội.

Theo ông Tú, dẫn chiếu tới Quyết định 201/QĐ-TTg ngày 22-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì hiện Thủ tướng không có chủ trương quy hoạch địa bàn nêu trên thành khu du lịch tâm linh. Đó là chưa kể phạm vi dự án 1.500 ha DN này đề xuất còn có thể chồng lấn vào một số dự án khác đang triển khai, luật cũng không cho phép đầu tư chồng chéo như vậy.

“Điều 32 Luật Di sản văn hóa quy định: Ngoài việc phải bảo vệ nguyên trạng khu di tích quốc gia Hương Tích (khu vực I) thì khu vực bao quanh chùa Hương Tích (khu vực II) cũng nằm trong đối tượng được bảo vệ và chỉ được xây dựng những công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích. Như vậy, việc tác động trực tiếp đến dòng chảy của suối Yến, một bộ phận cấu thành của khu di tích đặc biệt Chùa Hương, trong đề xuất của DN thể hiện là chưa sát với quy định về quản lý di sản” – luật sư Trương Anh Tú phân tích.

Bộ VH-TT-DL chưa biết

Trao đổi với Báo Người Lao Động cuối ngày 25-12, đại diện Bộ VH-TT-DL khẳng định: “Cho đến thời điểm hiện tại, bộ chưa hề nhận được tài liệu nào liên quan đến đề xuất xây khu du lịch Hương Sơn của các DN hay từ các cơ quan, ban ngành của TP Hà Nội. Đây chỉ là câu chuyện của UBND TP Hà Nội và DN làm việc với nhau mà thôi”.

Nguồn: