Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm nóng về săn bắt, khai thác, buôn bán động, thực vật hoang dã trên thế giới.
Buôn bán ĐVHD – từ thế giới, khu vực đến Việt Nam
Theo báo cáo của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF, 2016), tác động của con người đã đẩy tốc độ tuyệt chủng của các loài hoang dã trên thế giới hiện nay nhanh gấp khoảng 4.000 lần so với thời kỳ Đại tuyệt chủng của các loài khủng long. Báo cáo cũng cảnh báo rằng nếu không có các hành động khẩn cấp thì trong vòng khoảng ba thập kỷ tới thế giới sẽ phải chứng kiến cuộc đại tuyệt chủng các loài hoang dã lần thứ 6. Đồng thời, nếu con người không hành động kịp thời và hiệu quả thì chính chúng ta sẽ là nạn nhân của cuộc đại tuyệt chủng nêu trên, theo báo cáo.
Trong khi đó, việc khai thác, buôn bán, tiêu thụ trái pháp luật các loài hoang dã đã được xác định là vấn nạn toàn cầu (K4D, 2017). Năm 2016, Văn phòng Liên hợp quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNDOC) ghi nhận trong giai đoạn 1998-2007 có 164.000 vụ buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) bị bắt giữ tại 120 quốc gia trên thế giới, với gần 7.000 loài hoang dã bị tịch thu.
Theo đó, quy mô và tầm quan trọng của thị trường buôn bán bất hợp pháp ĐVHD đã phát triển lớn đến nỗi doanh thu của nó hiện nằm trong số các nguồn tài sản bất hợp pháp hàng đầu thế giới (Weru S., 2016). Ước tính, việc buôn bán trái pháp luật các loài hoang dã có trị giá từ 7–19 tỷ USD mỗi năm (K4D, 2017), trở thành một trong năm ngành buôn bán trái phép có lợi nhuận cao nhất trên thế giới sau ma túy, vũ khí, hàng giả và buôn bán người (Council on Foreign Relations, 2013).
Theo một số nghiên cứu, lợi nhuận cao trong khi rủi ro thấp đã khiến việc buôn bán ĐVHD thu hút sự quan tâm của các tổ chức tội phạm trên thế giới. Từ thực tiễn đó, tại một số quốc gia, tội phạm buôn bán trái phép ĐVHD được coi là loại hình tội phạm nguy hiểm, có tổ chức với mức độ nghiêm trọng như tội phạm buôn lậu ma túy, vũ khí và buôn người.
Theo báo cáo của UNDOC (2016), hiện đã xác định được sự hiện diện của lực lượng buôn bán trái phép các loài ĐVHD ở khoảng 80 quốc gia. Cũng theo báo cáo này, các khu vực trên thế giới đều đóng vai trò là nguồn cung cấp, vận chuyển hoặc nơi tiêu thụ trái phép các loài hoang dã. Trong đó, buôn bán các loài chim tập trung ở khu vực Trung và Nam Mỹ, các loài thú ở Châu Phi và Châu Á, trong khi Châu Âu và Bắc Mỹ là nơi tập trung buôn bán các loài bò sát. Điều đó cho thấy tội phạm buôn bán trái pháp luật các loài ĐVHD thực sự đang là vấn đề toàn cầu.
Một số nghiên cứu, điều tra gần đây cho thấy khu vực Đông Á và Đông Nam Á có mức độ hoạt động buôn bán sản phẩm ĐVHD lớn nhất trên thế giới (K4D, 2017).
Tại nhiều quốc gia khu vực Châu Á, với những nét đặc thù về truyền thống văn hóa và thói quen tiêu dùng, các sản phẩm ĐVHD thường được sử dụng cho các mục đích làm thuốc cổ truyền, vật nuôi, thực phẩm, đồ trang sức, trang trí hoặc được coi như một sản phẩm xa xỉ (TRAFFIC Southeast Asia, 2003).
Theo UNDOC, hoạt động buôn bán trái pháp luật ĐVHD này không chỉ xảy ra trong phạm vi từng nước mà còn có quan hệ mật thiết tới thị trường các nước châu Âu và châu Mỹ. Kết quả nghiên cứu của Nijman năm 2010 cho thấy trong giai đoạn 1998 – 2007, khoảng 35 triệu cá thể ĐVHD là những loài nằm trong Phụ lục của CITES đã được xuất khẩu từ các quốc gia Đông Á, trong số này có đến 30 triệu cá thể có nguồn gốc từ tự nhiên và chỉ khoảng 4,5 triệu cá thể có nguồn gốc từ gây nuôi (Nijman V., 2010).
Các loài bị buôn bán phổ biến nhất là voi (18%), bò sát (9%), tê tê (5%), tê giác và rùa biển (mỗi loài 3%), các loài mèo lớn, rùa mai mềm và rùa nước ngọt (mỗi loại 2%). Mặc dù vậy, số liệu nêu trên chỉ phản ánh khoảng 20% – 30% số lượng cá thể bị buôn bán trên thực tế (UNODC, 2016).
Tại Việt Nam, hoạt động buôn bán trái pháp luật các loài hoang dã ở quy mô thương mại xuất hiện từ những năm cuối thập kỷ 80, khi đất nước đổi mới và mở cửa, dẫn tới sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế. Cơ sở hạ tầng phát triển mạnh mẽ, giao thông đi lại thuận lợi, thương mại quốc tế ngày càng mở rộng cũng góp phần làm gia tăng tình trạng buôn bán các loài hoang dã. Hơn nữa, thu nhập của người dân tăng lên cũng là lúc tầng lớp giàu có bắt đầu có điều kiện mua sắm, tiêu dùng các mặt hàng xa xỉ, bao gồm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức, thời trang, mỹ nghệ, trưng bày, trang trí, quà biếu, tặng từ sản phẩm của các loài hoang dã (Bộ TN&MT).
Theo WWF, trong những năm vừa qua, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm nóng về săn bắt, khai thác, buôn bán động, thực vật hoang dã trên thế giới. Kết quả từ một số nghiên cứu gần đây cho thấy nhu cầu tiêu thụ các loài hoang dã tập trung ở những thành phố lớn như ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trong khi đó, các tỉnh như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum là nơi khai thác các loài hoang dã; Quốc lộ 1A là tuyến đường vận chuyển các loài hoang dã nhiều nhất Việt Nam (Sterling, E.J et al.). Đồng thời, Việt Nam cũng được coi là một nước trung chuyển trong hoạt động buôn bán ĐVHD xuyên biên giới và xuyên quốc gia (Bộ NN&PTNT, 2018).
Số liệu từ các vụ bắt giữ gần đây cho thấy các loài hoang dã bị buôn bán trái phép không chỉ có nguồn gốc trong nước. Nhiều loài động vật và sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài như tê giác Châu Phi, voi Châu Phi, các loài mèo lớn, gấu, tê tê, rùa nước ngọt, rắn và kỳ đà có nguồn gốc từ các nước Châu Á khác… đang được buôn bán, tiêu thụ và trung chuyển qua Việt Nam (Tổng cục Hải quan, 2017).
Vị trí địa lý tiếp giáp các nước Lào, Campuchia và Trung Quốc với nhiều cửa khẩu và nhiều hải cảng trên bờ biển dài 3.260 km đã tạo điều kiện để Việt Nam trở thành một trong các mắt xích quan trọng của đường dây buôn bán ĐVHD tại khu vực tiểu vùng sông Mê Kông và châu lục (WWF, 2016).
Mặc dù Chính phủ Việt Nam và các tổ chức bảo tồn trong nước cũng như quốc tế đã có rất nhiều nỗ lực ngăn chặn, song hoạt động khai thác và buôn bán bất hợp pháp đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với các loài ĐVHD và đa dạng sinh học của Việt Nam.
Mặc dù chỉ số đo mức độ đa dạng sinh học (BioD Index) của Việt Nam vẫn được xếp hạng thứ 16 trên bảng tổng sắp của thế giới, tuy nhiên số lượng các loài hoang dã đã giảm từ nhóm 10 xuống vị trí 32 (Rhett Butler, 2016).
Số liệu thống kê cho thấy năm 1992 có 365 loài động vật bị xếp loại là Loài nguy cấp (EN) trong Sách Đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thì đến năm 2004 số lượng là 407 loài và chỉ 3 năm sau (2007) con số này đã tăng lên 418 loài. Nhiều loài động vật đã bị tuyệt chủng và nhiều loài khác trên bờ vực của tuyệt chủng tại Việt Nam.
Cụ thể, loài tê giác một sừng (Rhinoceros sondaicus) đã bị tuyệt chủng năm 2010 khi cá thể cuối cùng bị bắn hạ tại Vườn quốc gia Cát Tiên (WWF, 2010); loài bò xám (Bos sauveli) từ năm 1995 đến nay không có thêm thông tin (Sách Đỏ Việt Nam, 2007); loài rùa batagơ (Batagur affinis) được xác định là đã tuyệt chủng trong tự nhiên (ATP, 2017).
Một số loài động vật khác cũng được cho là gần như tuyệt chủng ngoài thiên tại Việt Nam như loài giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei) còn có tên gọi khác là rùa Hoàn Kiếm, hiện mới xác định được 2 cá thể ngoài tự nhiên; hay như loài rùa Trung Bộ (Mauremys annamensis), rùa hộp Zhou (Cuora zhoui) (ATP, 2017), loài sao la (Pseudoryx nghetinhensis) là những loài rất hiếm gặp và chưa xác định được số lượng cá thể ngoài tự nhiên (IUCN, 2018).
Một số loài động vật có số lượng thấp đã được xác định như loài vượn đen tuyền Tây Bắc (Nomascus concolor) còn khoảng 60 cá thể; voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) – 70 cá thể, vượn Cao Vít (Nomascus nasutus) – 130 cá thể; voọc mông trắng (Trachypithecusdelacouri) và voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus) mỗi loài còn khoảng 200 cá thể (KHHĐBTLT, 2017); loài voi Châu Á (Elephas maximus) cũng ước tính được khoảng 104 – 134 (Vụ Quản lý Rừng Đặc dụng, Phòng hộ, 2018).
Trong khi số lượng các loài hổ (Panthera tigris), các loài mèo lớn (Felidae spp.), gấu (Ursus spp.), tê tê (Manis spp.) được dự báo sớm bị tuyệt chủng nếu không có biện pháp bảo vệ kiên quyết và hiệu quả hơn.
Các số liệu thống kê trên cho thấy nguy cơ tuyệt chủng của các loài ĐVHD tại Việt Nam đang ở mức cao.
Hệ thống pháp luật và thực thi tiếp tục được hoàn thiện
Nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề trên, từ những năm 1990 đến nay, Chính phủ Việt Nam và các tổ chức bảo tồn đã đầu tư nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn tệ nạn săn bắt, buôn bán và tiêu thụ ĐVHD.
Năm 1994, Việt Nam đã tham gia Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và Công ước về Đa dạng sinh học (CBD). Đây là những Cam kết quốc tế quan trọng đầu tiên về bảo vệ các loài hoang dã và đa dạng sinh học mà Việt Nam tham gia.
Để thực hiện có trách nhiệm các cam kết trên, trong thời gian qua Việt Nam đã xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý buôn bán các loài ĐVHD thuộc các phụ lục của CITES và được Ban Thư ký CITES quốc tế xếp vào loại 1 (Bộ NN&PTNT, 2018).
Hệ thống các văn bản pháp luật về ĐVHD của Việt Nam bao gồm: Luật Bảo vệ và phát triển rừng (1991, 2004); Luật Lâm nghiệp 2017; Luật Đa dạng sinh học 2008. Đáng chú ý là Bộ luật Hình sự năm 1999, lần đầu tiên có 1 điều quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ ĐVHD thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Điều 190); Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có 2 Điều quy định về tội vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD (Điều 234) và tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244). Theo đó, các điều này đã định khung hình phạt đồng thời tăng nặng mức hình phạt hình sự.
Cụ thể, hình phạt tiền đã được tăng lên gấp 04 lần (tối đa 2.000.000.000 đồng đối với cá nhân so với 500.000.000 đồng trong BLHS 1999 và 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm đối với pháp nhân – so với BLHS 1999 không quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân) và hình phạt tù được nâng lên gấp 2,5 lần (tối đa 15 năm tù giam, so với 07 năm trong BLHS 1999).
Những thay đổi này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nỗ lực bảo vệ các loài ĐVHD vì thực tiễn chỉ ra rằng việc áp dụng các chế tài hình sự nghiêm khắc sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng săn bắt, buôn bán ĐVHD, qua đó góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.
Các văn bản dưới Luật, bao gồm: Nghị định số 32/2006 về quản lý và danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm từ rừng Việt Nam; Nghị định số 160/2013 về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài, nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Nghị định 82/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; Nghị định số 157/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (sửa đổi bởi Nghị định 40/2015 và Nghị định 41/2017); Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Quyết định số 11/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấm xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán mẫu vật một số loài ĐVHD thuộc các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Thông tư số 90/2008/TT-BNN của Bộ NN&PTNT về hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu; và một số văn bản quy phạm pháp luật khác.
Song song với việc xây dựng và ban hành chính sách pháp luật, Chính phủ Việt Nam và các tổ chức bảo tồn cũng nỗ lực tổ chức thực thi pháp luật nhằm tăng cường hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, ngăn chặn các hành vi buôn bán, tiêu thụ ĐVHD. Tuy nhiên, theo UNDOC, các hoạt động buôn bán trái phép ĐVHD vẫn diễn ra khá phổ biến.
Theo kết quả thống kê của Cục Kiểm lâm, từ năm 2010 đến hết tháng 10 năm 2014, lực lượng Kiểm lâm cả nước đã phát hiện và xử lý 140.716 vụ vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Trong đó, vi phạm về quản lý ĐVHD là 3.823 vụ, tịch thu 58.869 cá thể (trong đó 3.078 cá thể thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm). Hoạt động khai thác và buôn bán trái pháp luật các loài hoang dã còn mở rộng về quy mô và vươn tới nhiều khu vực cung cấp và tiêu thụ hơn (Cao Lâm Anh & Nguyễn Mạnh Hà, 2005) và (Nguyễn Mạnh Hà et al, 2016). Tuy nhiên, số vụ buôn bán trái pháp luật các loài ĐVHD bị đưa ra xét xử vẫn ở mức thấp.
Theo số liệu thống kê của Tòa án Nhân dân Tối cao năm 2018, từ năm 2015 – 2017 (tính từ ngày 01/10/2015 đến hết tháng 9/2017), Tòa đã thụ lý 231 vụ với 339 bị cáo. Trong đó, xét xử 207 vụ/303 bị cáo, đạt tỷ lệ 89,6%; trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát Nhân dân 20 vụ/32 bị cáo, còn lại 4 vụ/4 bị cáo đang tiếp tục giải quyết.
Mặc dù vậy, số lượng các vụ án được xét xử của năm sau tăng hơn so với năm trước: năm 2015 đã thụ lý 40 vụ/60 bị cáo, xét xử 36 vụ/56 bị cáo; năm 2016 đã thụ lý 92 vụ/130 bị cáo, xét xử 84 vụ/120 bị cáo (tăng so với năm 2015 là 48 vụ/64 bị cáo); năm 2017 đã thụ lý 99 vụ/149 bị cáo, xét xử 87 vụ/127 bị cáo (tăng so với năm 2016 là 3 vụ/7 bị cáo).
Trong giai đoạn trên, đã có 37 bị cáo bị phạt tù dưới 3 năm và 3 bị cáo bị phạt tù từ 3-7 năm. Điều này thể hiện nỗ lực đột phá của Việt Nam trong việc thực thi pháp luật và qua đó tăng cường sức răn đe, giáo dục đối với loại hình tội phạm ĐVHD.
Một số hạn chế, bất cập và các khuyến cáo cải thiện pháp luật
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực đáng được ghi nhận, việc thực thi cam kết chống buôn bán trái pháp luật ĐVHD tại Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như sau:
Thứ nhất, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều chồng chéo, thiếu các quy định liên quan đến quản lý mẫu vật săn bắn, tịch thu, thiếu các quy định về giám định pháp y, cứu hộ và tái thả các cá thể ĐVHD còn sống. Đồng thời, một số quy định còn bất cập, gây khó khăn cho lực lượng thực thi pháp luật trong quá trình xử lý các vụ vi phạm về buôn bán vận chuyển trái pháp luật các loài ĐVHD và tạo ra những lỗ hổng pháp lý mà tội phạm về ĐVHD lợi dụng.
Kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của tổ chức WCS tại Việt Nam (WCS, 2018) cũng cho thấy Bộ luật Tố tụng hình sự ban hành năm 2015 còn một số bất cập trong các quy định về xử lý vật chứng là ĐVHD.
Ví dụ, tại Điều 106 quy định “Vật chứng là ĐVHD và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành” để được lưu giữ, bảo quản trong quá trình tố tụng. Tuy nhiên, việc này chỉ có thể tiến hành sau khi “đã có kết luận giám định”.
Các khó khăn, vướng mắc phát sinh từ quy định này bao gồm: Để có kết quả giám định đôi khi có thể rất mất thời gian; chưa xác định rõ cơ quan nào là “cơ quan quản lý chuyên ngành” vì hiện chưa có danh sách chính thức các cơ quan như vậy; chưa có quy định rõ ràng rằng các các cá thể ĐVHD sẽ được xử lý như thế nào sau khi kết thúc vụ án; chưa có quy định rõ ràng về việc các con vật sẽ được chăm sóc, cứu hộ như thế nào tại trụ sở cơ quan thực thi pháp luật trước khi có kết luận giám định.
Ngoài ra, với việc xử lý các vật chứng là sản phẩm ĐVHD, các cơ quan thực thi pháp luật hiện thiếu cơ sở vật chất và thiết bị bảo quản chuyên dụng như tủ đông lạnh để bảo quản các vật chứng là thịt, xương và sừng động vật. Trong khi đó, nếu không có các tủ đông thì vật chứng dạng này thường bị phân hủy và thối rữa, dẫn tới nguy cơ lan truyền bệnh dịch từ động vật sang người.
Thực tiễn chỉ ra rằng những bất cập được nêu trên có thể làm ảnh hưởng đến các cơ quan thực thi pháp luật trong quá trình ra quyết định về việc tiến hành xử lý các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái pháp luật các cá thể hoặc sản phẩm ĐVHD.
Thứ hai, sự hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trong nước về đấu tranh, phòng chống buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã chưa thực sự hiệu quả, thiếu chặt chẽ do quy định pháp luật về chức năng, thẩm quyền chưa rõ ràng, mỗi ngành, cấp có ưu tiên khác nhau. Các cơ chế phối hợp, quy trình điều tra sau bắt giữ các cá thể hoặc sản phẩm ĐVHD chưa được quy định rõ, bao gồm cả quy trình lập, chuyển hồ sơ từ lực lượng hải quan, biên phòng, kiểm lâm sang công an, cơ quan giám định, viện kiểm sát và toà án, việc xử lý ĐVHD và bộ phận của chúng sau khi tịch thu.
Thứ ba, mặc dù hiện có một số tổ chức trong nước và quốc tế tại Việt Nam có mục tiêu chung về bảo tồn đa dạng sinh học, chống buôn bán ĐVHD nguy cấp quý hiếm, song vẫn thiếu sự điều phối chung dẫn tới việc hợp tác còn yếu và đặc biệt là chưa có mối kết nối chặt chẽ với các cơ quan tham mưu xây dựng và thực thi chính sách về bảo vệ các loài hoang dã.
Thứ tư, tội phạm vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ các loài hoang dã đã hình thành các đường dây tội phạm xuyên quốc gia, được tổ chức chặt chẽ với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt có xu hướng gia tăng, tinh vi hơn cả về quy mô và tính chất.
Trong khi đó, hợp tác quốc tế giữa các nước trong khu vực còn hạn chế do luật pháp của từng quốc gia chưa hài hòa, thiếu các hiệp định tương trợ tư pháp. Ngoài ra, quy định pháp luật chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ thông tin, mẫu vật giữa các quốc gia, thiếu cơ chế phối hợp quốc tế, hoặc có cơ chế nhưng thiếu nguồn lực để triển khai các cơ chế đó trên thực tiễn.
Thứ năm, tội phạm môi trường, nhất là tội phạm đối với các loài hoang dã, vẫn được xem là loại tội phạm tương đối mới tại Việt Nam và do đó chưa được nhận thức đúng mức về mức độ nghiêm trọng cũng như chưa được đầu tư thoả đáng để kiểm soát, ngăn chặn, dẫn đến hiện tượng thiếu nhân lực, nguồn lực, năng lực.
Cuối cùng, hiểu biết và nhận thức và của một bộ phận không nhỏ người dân nói chung và những người có khả năng tài chính để sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD nói riêng còn sai lệch. Chẳng hạn, họ lầm tưởng về hiệu quả của các sản phẩm từ sừng tê giác, vảy tê tê trong điều trị bệnh hay sử dụng các loại rượu ngâm xác ĐVHD để bồi bổ sức khỏe. Xã hội cũng chưa có thái độ phê phán mạnh mẽ đối với hành vi săn bắt, buôn bán hay sử dụng ĐVHD nguy cấp, quý hiếm làm thực phẩm, làm thuốc, làm đồ trang trí, trang sức hay quà tặng, gián tiếp tạo động lực cho tội phạm ĐVHD tiếp tục buôn bán trái pháp luật cũng như làm giảm thiểu hiệu quả của các hoạt động thực thi pháp luật nhằm phòng chống vấn nạn này.
Để giải quyết các vấn đề nêu trên, các khuyến cáo dưới đây cần được xem xét thực hiện:
- Hoàn thiện và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách trong bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã. Rà soát, sửa đổi, bổ sung khung pháp lý, chính sách nhằm loại bỏ những bất cập và sự thiếu nhất quán giữa các văn bản pháp luật về bảo vệ các loài hoang dã.
- Tăng cường thực thi pháp luật về công tác phòng chống buôn bán trái pháp luật và bảo vệ, bảo tồn các loài hoang dã. Huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tập huấn; soạn thảo tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường năng lực thực thi các quy định pháp luật về quản lý bảo tồn, kỹ năng điều tra và xử lý tội phạm liên quan đến các loài hoang dã.
- Các cơ quan thực thi pháp luật cần phối hợp chặt chẽ để xây dựng cơ chế hợp tác liên ngành, tăng cường trao đổi thông tin và vai trò tham gia, phối hợp triển khai các hoạt động bảo tồn và thực thi pháp luật về phòng chống buôn bán các loài hoang dã.
- Huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để thực thi các hiệp ước, cam kết quốc tế về bảo tồn các loài hoang dã thông qua hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
- Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế triển khai các hoạt động về giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã thông qua việc cung cấp kiến thức, thay đổi thái độ, hành vi và khuyến khích các tiêu chuẩn xã hội mới về không khoan nhượng đối với việc tiêu dùng các sản phẩm động, thực vật hoang dã trái phép.
- Tạo sinh kế bền vững cho người dân, đặc biệt là đối với những người sống gần các khu vực có rừng để làm giảm áp lực từ việc săn, bắn, bắt, bẫy các loài ĐVHD – đây là giai đoạn khởi đầu của việc buôn bán trái pháp luật các loài ĐVHD. Đồng thời hướng dẫn, khuyến khích cộng đồng sống ở các vùng đệm các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng phòng hộ tham gia bảo vệ và bảo tồn các loài ĐVHD, góp phần bảo tồn nguyên vị các loài hoang dã.
Nghị định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp đang được Bộ NN&PTNT chủ trì dự thảo. Dự thảo được đánh giá đã có nhiều tiến bộ nhằm giúp đơn giản và đồng bộ hóa các quy định của pháp luật cùng quy định về động, thực vật hoang dã ở Việt Nam. Đặc biệt, Dự thảo Nghị định đã hướng tới việc đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ không chỉ với pháp luật Việt Nam về bảo vệ và phát triển rừng, thủy sản và đa dạng sinh học mà còn phù hợp với những quy định của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES), giúp quá trình áp dụng pháp luật được công khai, minh bạch và công bằng.
Nhằm góp phần hoàn thiện Dự thảo này, tháng 9/2018 Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã gửi bản đề xuất và kiến nghị, chỉ ra một số vấn đề cần làm rõ và sửa đổi, liên quan đến: 1/ phạm vi điều chỉnh của Dự thảo; 2/Thuật ngữ; 3/Xung đột giữa các quy định pháp luật liên quan đến phân loại các loài trong Phụ lục và Danh mục; 4/Việc nhân nuôi và buôn bán thương mại các loài thuộc danh mục các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và thuộc nhóm I và Phụ lục I CITES; 5/Sự chồng chéo về thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường; 6/ Xử lý mẫu vật là động thực vật, động vật rừng nguy cấp bị tịch thu; và 7/ Vấn đề về nuôi động vật rừng thông thường theo Điều 11 Dự thảo Nghị định. Tham khảo Toàn văn bản đề xuất, kiến nghị tại: http://bit.ly/btcs591 |
Tài liệu tham khảo:
1. Cao Lâm Anh & Nguyễn Mạnh Hà. 2005. Báo cáo tình trạng buôn bán động vật hoang dã hiện tại và các giải pháp quản lý. Hà Nội.
2. Council on Foreign Relations. 2013. Tracking the Traffickers: President Obama Against Poaching. Nguồn: http://bit.ly/btcs576
3. Chính phủ Việt Nam. 2004. Kế hoạch hành động quốc gia về tăng cường quản lý buôn bán động vật hoang dã và các loài cây trồng vào năm 2010. Nhà xuất bản Lao động.
4. Nguyễn Mạnh Hà, Lê Đức Minh, Nguyễn Tuấn Phú, Trần Lê Trà. 2016. Báo cáo chuyên đề: Thực thi pháp luật về quản lý, bảo vệ và phòng chống buôn bán các loài động vật hoang dã nguy cấp tại Việt Nam.
5. K4D. 2017. Mạng lưới hình sự và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
6. Nijman, V. 2010. An overview of international wildlife trade from Southeast Asia. Biodiversity and Conservation 19: 1101-1114.
7. Rhett A. Butler. 2016. What are the world’s most biodiverse countries? Nguồn: http://bit.ly/btcs577
8. Sterling, E.J., Hurley, M.M., Le, M.D. 2006. Vietnam: A natural history. Yale University Press, New Haven, USA.
9. Tòa án Nhân dân Tối cao. 2018. Báo cáo thực trạng công tác xét xử các vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm tại tòa án nhân dân.
10. TRAFFIC Southeast Asia. 2003. Wildlife trade in South-East Asia. Selangor, Malaysia.
11. UNODC. 2016. Báo cáo tình hình tội phạm liên quan đến động, thực vật hoang dã và rừng.
12. WCS Vietnam, 2018. Báo cáo phân tích khung pháp lý phòng chống buôn bán trái phép động vật hoang dã tại việt nam.
13. Weru, S. 2016. Wildlife Protection and Trafficking Assessment in Kenya: Drivers and trends of transnational wildlife crime in Kenya and its role as a transit point for trafficked species in East Africa. TRAFFIC. Nguồn: http://bit.ly/btcs578
14. WWF. 2016. Living Planet Report 2016. Nguồn: http://bit.ly/btcs579
Bùi Đăng Phong, Chuyên gia bảo tồn