Việt Nam hiện có 2 nguồn phát sóng thần. Trong đó, nguồn phát gần nhất nằm ngay thềm lục địa. Nếu có sóng thần, sớm nhất từ 30 tới 45 phút sẽ vào tới bờ biển miền Trung.
Liên quan tới trận sóng thần vừa xảy ra ở Indonesia, nhiều người bày tỏ lo ngại Việt Nam với đường biển kéo dài hàng nghìn km, cũng có khả năng có sóng thần.
Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương (Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần – Viện Vật lý địa cầu) cho biết, ở Việt Nam có 2 nguồn phát sóng thần xa và gần.
Nguồn xa nằm ở phía Tây Philippines hay còn gọi là nguồn máng biển sâu Manila.
Nguồn gần còn gọi là dải đứt gãy Kinh tuyến 109 độ. Nguồn này nằm ngay trên thềm lục địa miền Trung và Nam Trung bộ.
“Nếu phát sinh sóng thần từ nguồn này thì chỉ mất khoảng 35 tới 40 phút là có thể tấn công vào bờ biển miền Trung”, PGS Phương nói.
Chưa có thống kê về thiệt hại do sóng thần ở Việt Nam
Theo PGS Phương, hiện chưa có tài liệu chính thức được công bố về thiệt hại do sóng thần tại Việt Nam.
Ở nước ta, từ trước tới nay chưa có hệ thống quan trắc sóng thần nên chưa ghi nhận được thông tin nào về sóng thần.
Trong nhiều trường hợp, sóng thần bị nhầm lẫn với nước dâng do bão hay sóng có bước sóng ngắn.
Theo PGS Phương, cho đến nay có thể có ít nhất là 4 hoạt động trên vỏ đất có thể hình thành nên sóng thần: Sự va chạm của một thiên thạch trên mặt biển; các hoạt động của núi lửa ngầm trên nền biển; các trượt sụp, đất chuồi (land slide) trên nền biển; và các hoạt động dịch chuyển vỏ trái đất dọc theo các hệ thống trượt hay toạc sụp.