Ngay sau khi xảy ra trận sóng thần tối ngày 22/12 tại khu vực eo biển Sunda của Indonesia, Tổng thống Joko Widodo đã yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra lại hệ thống cảnh báo sớm động đất, sóng thần quốc gia và ra lệnh kịp thời khắc phục nếu có sự cố.
Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, người đứng đầu Trung tâm Thông tin và dữ liệu của Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia (BNPB), ông Sutopo Purwo Nugroho, xác nhận hệ thống cảnh báo sớm động đất, sóng thần quốc gia đã không hoạt động.
Một trong các thiết bị quan trọng của hệ thống này được gọi là phao đã bị hư hỏng, một số thiết bị khác đã bị mất cắp.
Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan Địa vật lý, khí tượng học và khí hậu học Indonesia (BMKG), ông Rachelmat Triyono, cho biết Indonesia chỉ có một hệ thống duy nhất để cảnh báo sớm động đất và sóng thần do hiện tượng động đất gây ra.
Trận sóng thần ngày 22/12 tại khu vực eo biển Sunda vừa qua không phải do hiện tượng động đất gây nên mà do hoạt động của núi lửa Anak Krakatoa đang trong giai đoạn “thức giấc” tạo ra và đây chính là lý do trận sóng thần này không được phát hiện và cảnh báo không được ban bố kịp thời.
Trước thực trạng trên, Tổng thống Widodo tuyên bố sẽ dành một khoản từ ngân sách quốc gia năm 2019 để nâng cấp và mua mới hệ thống cảnh báo sớm động đất và sóng thần tại Indonesia.
Trong khi đó, giới khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng một mảng ở phía sườn phía Nam núi lửa Anak Krakatau của Indonesia đã sụt lún xuống biển chỉ ít phút trước khi xảy ra vụ sóng thần vào tối 22/12, và nhiều khả năng đây là nguyên nhân dẫn tới thảm họa này.
Hình ảnh từ vệ tinh Sentinel-1 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho thấy một mảng lớn trên sườn phía Nam núi lửa này lở và sụt xuống đại dương.
Nhà địa chấn học Sam Taylor-Offord thuộc Viện khoa học GNS tại Wellington, New Zealand, cho hay giả thuyết hàng đầu đang nghiêng về sự sụt lún dưới lòng biển, trong đó đất đá sụt lún gây xáo trộn bề mặt đại dương và sự dịch chuyển theo phương thẳng đứng, tạo ra cột sóng cao và đây chính là sóng thần.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh vẫn thiếu những dữ liệu để củng cố giả thiết này.
Chuyên gia Taylor-Offord giải thích thêm do núi lửa Anak Krakatau phun trào và tạo ra tiếng ồn lớn, có thể các nhà khoa học không ghi nhận vụ sụt lún trên.
Người dân ven biển cho biết họ đã không thấy và cảm thấy dấu hiệu cảnh báo nào, như động đất hay nước rút dọc bờ biển, trước khi cột sóng cao tới 3m xuất hiện và ập vào bờ.
Điều này càng củng cố cho nguyên nhân dẫn tới vụ sóng thần là do núi lửa, chứ không phải do động đất.
Ông Jose Borrero, chuyên gia về thảm họa sóng thần tại eCoast Marine Consulting, cho hay vụ sóng thần do núi lửa sụt lún có dấu hiệu đặc trưng, khác biệt so với sóng thần do động đất. Điều này được thể hiện qua tốc độ cũng như khối lượng đất trôi xuống lòng biển cũng như độ sâu mà lớp đất đá rơi xuống.
Trong khi đó, nhà địa vật lý Mika McKinnon tại Vancouver, Canada, cho biết lần phun trào của núi lửa Krakatau hồi năm 1883 của thế kỷ trước đã tạo ra một tiếng nổ lớn có thể nghe thấy được tại thành phố Perth của Australia.
Theo nhà địa vật lý này, kết cấu núi lửa không vững chắc, gồm đất đá mềm dọc sườn và thường xảy ra hiện tượng sạt lở. Một mảng lớn sụt lún xuống lòng biển có thể làm dịch chuyển lượng nước biển đủ để gây ra sóng thần.
Ông cũng nêu rõ hiện chưa có hệ thống cảnh báo sớm có thể phát hiện kiểu sóng thần trên.
Bên cạnh đó, ông McKinnon cho biết thêm vị trí núi lửa Anak Krakatau gần với bờ biển, do vậy nếu xảy ra sóng thần, sẽ không có đủ thời gian ứng phó và sơ tán người dân.
Ông nêu rõ hiện tượng tương tự tại núi lửa Anak Krakatau có thể xảy ra một lần nữa hoặc có thể không, và cũng có thể một năm sau hay một tháng sau mới xảy ra tính từ thời điểm hiện tại.