Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP 24) mới đây được tổ chức tại Ba Lan đã đưa ra thông điệp cảnh báo rằng, thế hệ hôm nay có thể chính là thế hệ cuối cùng có thể ngăn chặn những hậu quả mà biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang gây ra. Vì vậy, tất cả các nước đều cần sớm có những hành động cụ thể để chống lại thảm họa này.Tại Ghoramara, Ấn Độ cứ mỗi năm diện tích lại bị thu hẹp do nước biển dâng.
Còn nhiều khó khăn
Sẽ thế nào nếu một ngày, Maldives – quốc đảo xinh đẹp nổi tiếng, hay các thành phố du lịch đầy thơ mộng như Venice, London chìm trong nước do nước biển dâng. Hay đảo Greenland- một trong những nơi lạnh nhất thế giới có con người sinh sống, chỉ còn trơ lại đất đá sau khi băng tan hết?
BĐKH đang diễn ra mạnh mẽ, những số liệu mà các nhà khoa học ghi nhận được của tự nhiên trong những năm gần đây đều vượt mức kỷ lục trước đó. Điển hình các năm 2015, 2016, 2017 đã trở thành các năm nóng nhất trong lịch sử loài người; mật độ CO2 trong bầu khí quyển tiếp tục tăng, vượt quá ngưỡng nguy hiểm, trong khi mục tiêu đặt ra là cắt giảm 1/2 lượng khí thải trước năm 2030. BĐKH được dự báo là có nhiều diễn biến phức tạp trong những năm tới, tiếp tục tạo ra nhiều thách thức về kinh tế- xã hội, an ninh và môi trường.
Theo báo cáo của LHQ tại COP24, các nỗ lực toàn cầu chống BĐKH cần tăng gấp 5 lần để nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ. Tuy nhiên, nỗ lực chống BĐKH cũng gặp nhiều thách thức, chủ yếu do các yếu tố về chính trị và kinh tế. Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2017 đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris 2015 về BĐKH. Trong tuyên bố chung của cuộc họp Thượng đỉnh G20 vừa qua ở Argentina, chính phủ Mỹ tiếp tục giữ nguyên lập trường trái ngược với 19 nền kinh tế còn lại. Ngoài ra, Tổng thống Brazil mới đắc cử Jair Bolsonaro cũng phản đối lộ trình chống BĐKH của LHQ. Nhiều nhà quan sát bày tỏ lo ngại khi ngay cả chủ nhà hội nghị COP 24 năm nay là Ba Lan cũng ủng hộ sử dụng than đá.
Dù các nước phát triển đã cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD/năm đến năm 2020 để những nước nghèo hoặc nước đang phát triển thích nghi với BĐKH, phát triển năng lượng sạch. Nhưng quan trọng nhất là, các nước này phải tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán để xây dựng bộ luật quản lý hiệu quả cho việc thực thi các cam kết đã được nhất trí trong Hiệp định Paris năm 2015. Trong đó, các quy định công bằng và thống kê trách nhiệm cần được xây dựng sớm và những nền kinh tế gây ô nhiễm hàng đầu như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ cần có trách nhiệm đặc biệt.
Việt Nam cần nỗ lực thích ứng với BĐKH
Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương được đánh giá là một trong những khu vực dễ bị tổn thương, chịu tác động mạnh mẽ nhất của BĐKH. Nhiều loại hình thiên tai, hiện tượng khí hậu và thời tiết cực đoan diễn ra với quy mô, tần suất và mức độ ngày càng lớn. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH do có bờ biển dài.
Theo kịch bản BĐKH của LHQ, vào cuối thế kỷ 21, sẽ có khoảng 40% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – một trong những vựa lúa lớn nhất của thế giới, 11% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương khác thuộc khu vực ven biển sẽ bị ngập nước. Chưa kể đến nhiều tỉnh sẽ xảy ra tình trạng hạn hán, nắng nóng kéo dài, những cơn bão trái mùa với cường độ ngày càng mạnh. Khi đó, khoảng 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, với tổn thất ít nhất 10% GDP.
Để ứng phó với BĐKH, từ năm 2015, Việt Nam đã lập kế hoạch 61 dự án với tổng kinh phí khoảng 19.000 tỷ đồng. Các dự án ưu tiên trong giai đoạn trung hạn đã được Quốc hội và Chính phủ đồng ý phê duyệt khoảng 15.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hệ thống hồ tích trữ nước ngọt; phát triển và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn; đầu tư hệ thống quan trắc môi trường, dự báo khí tượng thủy văn; di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm…
Về lâu dài, theo GS.TS Nguyễn Hữu Ninh – Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục môi trường và Phát triển (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), để phát triển nền kinh tế xanh và giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn. Trong đó, Việt Nam cần sớm nghiên cứu, ban hành các chính sách, biện pháp phù hợp để thúc đẩy sự tham gia của tư nhân, cũng như huy động các khoản viện trợ của các tổ chức quốc tế, các nước phát triển nhằm tăng cường đầu tư, giảm lượng phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Ninh, từ nội lực quốc gia, Việt Nam có thể học hỏi, tìm tòi phương pháp thích ứng với BĐKH của các nước khác, nhất là lương thực – lĩnh vực mang yếu tố sống còn của thế giới trong những năm tới. Cần đẩy mạnh đầu tư cho việc nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như xác định các biện pháp canh tác nông nghiệp.