Tính đến tối 24.12, số người chết sau trận sóng thần ở eo biển Sunda hôm 22.12 đã lên tới 373 người. Lực lượng cứu hộ Indonesia đang phải chạy đua với thời gian để cứu hộ, cứu nạn những người sống sót và tìm kiếm thi thể nạn nhân xấu số.
Tính đến tối 24.12, thảm họa sóng thần đêm 22.12 khiến ít nhất 373 người được xác nhận đã thiệt mạng, hơn 1.400 người bị thương tại các khu vực ven biển trên hai đảo Java và Sumatra, quanh eo biển Sunda. Giới chức Indonesia cho rằng hiện tượng thủy triều dâng bất thường vì trăng tròn cộng với lở đất dưới biển do núi lửa Anak Krakatoa phun trào đã gây ra đợt sóng thần ở eo biển Sunda. Anak Krakatoa là một núi lửa nhỏ hình thành cách đây gần một thế kỷ, sau đợt phun trào kinh hoàng của núi lửa “mẹ” Krakatoa vào năm 1883.
Lực lượng cứu hộ đã dùng nhiều thiết bị cơ giới, thậm chí cả tay không để đào bới những đống đổ nát trong trời mưa lớn. Họ phải chạy đua với thời gian để tìm người sống sót trước khi nạn nhân thiệt mạng vì vết thương hoặc sóng thần tiếp tục tấn công.
Tổng thống Joko Widodo ngày 24.12 đã đến thăm các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Trả lời họp báo, ông cho biết đã chỉ đạo Bộ Xã hội Indonesia chi tiền hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân tử vong vì sóng thần trong thời gian sớm nhất. Tổng thống Widodo cũng tuyên bố sẽ khắc phục tình trạng thiếu các phương tiện cảnh báo kịp thời về sóng thần. Ông hứa hẹn sẽ cho sửa chữa hoặc thay mới toàn bộ thiết bị cảnh báo sóng thần hiện nay.
Những người may mắn sống sót đang đối mặt với việc mất người thân, tài sản. Những gì còn lại chỉ là đống đổ nát.
Hầu hết các công trình xây dựng dọc theo bãi biển Carita – một địa điểm du lịch nổi tiếng ở bang Tây Java đều bị phá hủy hoàn toàn.
Lực lượng cứu hộ đưa xác một nạn nhân ra khỏi đống đổ nát.
Một nạn nhân của sóng thần tại bệnh viện ở Pandeglang, tỉnh Banten, Indonesia.
Hơn 128 người vẫn đang trong diện mất tích. Giới chức Indonesia cảnh báo số người tử vong sẽ còn tăng trong những ngày tới.
Thi thể những người bị thiệt mạng sau trận sóng thần núi lửa.
Các nhân viên cứu hộ và người dân đang đang nỗ lực tìm kiếm, nhặt nhạnh những gì còn sử dụng được trong đống đổ nát.
Hơn 12.000 người được sơ tán đến nơi có địa hình cao trên đảo Java và Sumatra, đề phòng những đợt sóng thần tiếp theo. Hàng trăm quân nhân và tình nguyện viên được điều động đến các bờ biển bị tàn phá bởi sóng thần để tìm kiếm nạn nhân.
Người phụ nữ đau khổ khi biết tin người thân của bà thiệt mạng sau trận sóng thần núi lửa kinh hoàng đã xảy ra hôm 22.12.
Tính đến thời điểm này, đây là đợt sóng thần có số người tử vong cao thứ hai tại Indonesia trong năm 2018. Thảm họa kép động đất – sóng thần vào tháng 9 tại đảo Sulawesi khiến ít nhất 832 người thiệt mạng.