Ở Đà Nẵng, nhiều người đang rất quan tâm chuyện con rùa biển khoảng hơn 10 tuổi bị què chân, được lực lượng cứu hộ SASA đưa vào bờ và chuyển đến bệnh viện để các bác sĩ cứu giúp.
Trước khi lên bàn mổ, rùa biển cũng được chụp X quang, siêu âm và thật khủng khiếp khi các bác sĩ phát hiện trong nội tạng rùa còn tồn đọng rác thải nylon, những mảnh nhựa nhỏ không thể tiêu hóa. Mặc dù được chăm sóc chu đáo và phẫu thuật nội soi, nhưng rùa biển ngày càng yếu đi. Câu chuyện này và những tin tức hằng ngày về “nhân vật” rùa biển được nhiều người chú ý và dường như đã chạm vào trái tim họ.
Vẫn biết đại dương đang chịu sức ép khủng khiếp vì con người mỗi ngày xả xuống biển một lượng rác thải khổng lồ mà hình ảnh con rùa tội nghiệp với phần nội tạng tổn thương vì những mảnh nylon, mảnh nhựa như một tiếng kêu cứu khẩn thiết chưa mấy ai nghe.
Con rùa này còn may mắn được lực lượng cứu hộ động vật hoang dã cứu giúp, chứ dưới đáy đại dương kia còn biết bao loài động vật phải chịu ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm, môi trường sống của con người cũng vậy. Thế nhưng có mấy ai biết môi trường cần đến sự bảo vệ từ một hành vi nhỏ nhất là đừng xả rác bừa bãi.
Còn nhớ cách nay đúng 10 năm, thành phố Nha Trang có tổ chức một hội thảo về phát triển du lịch dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên. Giữa dòng thông tin ca ngợi Việt Nam có rất nhiều thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp để làm kinh tế du lịch, bỗng một cô gái bé nhỏ đăng đàn nói về những con rùa biển.
Nhiều người dự hội nghị còn chưa hiểu hết và cảm thấy khó đồng tình khi cô gái này đại diện cho một tổ chức phi chính phủ kiến nghị khách du lịch phải nhường lại một số bãi biển để rùa biển lên bờ vào mùa đẻ trứng, nghe thật nực cười đối với những người kinh doanh.
Đó là do trình độ và sự hiểu biết về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã còn quá thấp ở không ít người dân lẫn những người kinh doanh. Thực tế, nhiều loại rùa biển có tên trong sách đỏ và cần được bảo vệ nghiêm ngặt vì đứng trước nguy cơ tiệt chủng. Rùa là một trong hàng ngàn loài sinh vật bị biến dạng hoặc trở thành nạn nhân của rác thải.
Đã có trường hợp một con rùa phần giữa thân bị thắt lại bởi một đai nhựa, lúc còn là rùa con, thân nó bị mắc kẹt trong mảnh đai nhựa và không thể nào thoát ra, dẫn đến bị biến dạng. Loài rùa biển thường nhầm lẫn những mảnh nhựa, đặc biệt là các loại túi nhựa, là những con sứa biển – một loại thức ăn ưa thích của chúng. Túi nhựa chặn đường tiêu hóa của rùa, dẫn đến cái chết chậm và đau đớn vì đói.
Tại Hawaii (Mỹ), người ta đã tìm thấy trong dạ dày một con rùa chết hơn 1.000 mảnh nhựa. Nước ta vẫn còn nghèo, còn phải quan tâm nhiều đến phát triển kinh tế, đa số chúng ta không có đủ hiểu biết về sự mất cân bằng quần thể sinh vật sẽ gây ảnh hưởng đến thiên nhiên và cả cuộc sống con người.
Thế nhưng hình ảnh con rùa biển hấp hối đang được ê-kíp bác sĩ tại một bệnh viện hiện đại nhất miền Trung cứu giúp đã cho thấy sự hiểu biết của xã hội đang thay đổi. Những người có quan điểm tiến bộ, có ý thức bảo vệ môi trường đang nhiều lên. Và cũng qua đó ta thấy hiện trạng của biển khơi, nơi con người sẵn sàng thải cả triệu tấn chất thải xuống một vùng biển sát cạnh một khu bảo tồn thiên nhiên.
Các khách sạn vẫn mọc lên chiếm chỗ của những loài động vật sống ven biển. Các nhà hàng vẫn bán cho du khách món đặc sản rùa biển mà không ai ngờ đó là động vật hoang dã cần được bảo vệ. Và nhiều người sẽ vẫn cười khi ai đó dám đòi nhường những bãi biển trắng muốt với dự án hàng trăm triệu đô la làm chỗ cho rùa biển đẻ trứng khi vào mùa sinh sản.
Những dự án bất động sản du lịch ven biển chỉ mới đáp ứng một tiêu chuẩn rất nhỏ về bảo vệ môi trường, mặc dù vẫn tự quảng cáo là tạo ra đẳng cấp sống cao cấp, văn minh, nhưng thật ra việc xây dựng lấn biển đang góp phần làm suy thoái hệ sinh thái và chắc chắn sẽ tác động ngược vào môi trường sống của con người.