Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn hứa hẹn là giải pháp cho nhiều vấn đề ở Việt Nam.
Khi những chai bia Heineken thủy tinh được vận chuyển ra khỏi nhà máy, chúng sẽ quay trở về nhiều lần nữa để được rót đầy bia và trở lại thị trường. Khi quá cũ để tái sử dụng, chúng sẽ được nghiền nhỏ để trả lại nhà máy thủy tinh. Những nắp chai tròn nhỏ được thu gom để nhà máy thép chế biến, rồi Công ty Heineken mua lại để xây những cây cầu. Quy trình tái sử dụng, tái chế chai bia này là một minh họa nhỏ cho nền kinh tế tuần hoàn được vận hành tại tập đoàn đa quốc gia này trong nhiều năm nay.
Kinh tế tuần hoàn là khái niệm không mới. Các công ty đa quốc gia trong nhiều ngành đã áp dụng và chứng tỏ tác dụng của việc tái sử dụng và tái chế nguyên vật liệu, tiết giảm phát thải khí nhà kính bằng cách sử dụng nhiên liệu sạch hay ứng dụng các công nghệ bền vững. Gần đây, tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn được đánh giá là giải pháp khả thi cho vấn đề rác thải gây ô nhiễm đại dương và nguy cơ thiếu hụt nơi chôn lấp rác.
Nền kinh tế tuyến tính truyền thống là nơi con người khai thác tài nguyên để sản xuất ra sản phẩm, sau đó khi hết sử dụng thì vứt bỏ. Phương thức sản xuất tiêu dùng như vậy được dự báo sẽ cần gấp 2 lần tài nguyên có trên trái đất này vào năm 2030. Vì vậy, kinh tế tuần hoàn đề nghị sản xuất những sản phẩm lâu bền, có thể sửa chữa khi hỏng hóc và nâng cấp khi cần. Khi hết sử dụng được, chúng sẽ được tái tạo thành sản phẩm mới để phục vụ cuộc sống. Mục tiêu của mô hình này là tìm phương cách để tái cấu trúc, tái sử dụng và tái chế vật liệu nhằm kéo dài vòng đời và tối đa hóa giá trị của vật liệu.
Một ví dụ về mô hình kinh tế tuần hoàn là việc cho thuê những vật dụng trước kia thường được mua, như hàng điện tử, quần áo, đồ nội thất và phương tiện vận chuyển. Thông qua việc cho nhiều khách hàng thuê cùng một sản phẩm, nhà sản xuất có thể gia tăng doanh thu trên mỗi đơn vị sản phẩm, vì vậy giảm nhu cầu sản xuất thêm để tăng doanh thu. Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, đến năm 2025, ngành sản xuất EU có thể tiết kiệm chi phí vật liệu ròng giá trị lên đến 630 tỉ USD hằng năm, kích thích hoạt động kinh tế trong lĩnh vực phát triển sản phẩm, tái sản xuất và nâng cấp.
Một số ý kiến lo ngại việc khuyến khích con người tái sử dụng hoặc dùng sản phẩm lâu hơn sẽ không khuyến khích việc bán hàng mới, khiến lợi nhuận sụt giảm. Tuy nhiên, theo tờ Guardian, chúng ta đang nhìn ngắn hạn và xây dựng sản phẩm không lâu bền, suy nghĩ như vậy làm Anh tiêu tốn 400 triệu bảng Anh mỗi năm. Nền kinh tế tuần hoàn khuyến khích người ta giữ sản phẩm trong vòng đời lâu hơn, tạo ra cơ hội kinh doanh cho các gói dịch vụ bao gồm sửa chữa và bảo trì, gây dựng lòng trung thành của khách hàng.
Tại Hàn Quốc, LG Electronics cho phép khách hàng mang sản phẩm hư hỏng đến trung tâm dịch vụ sửa chữa của LG, nơi có kỹ thuật viên sửa chữa ngay tại cửa hàng. Rolls-Royce được biết đến với dịch vụ sửa chữa có tuổi đời 56 năm “Power-by-the-hour”, và Caterpillar được biết đến với quy trình tái sản xuất Cat Reman. Gần đây, Jaguar Land Rover ngầm đưa tính tuần hoàn vào quy trình thiết kế, lắp ráp và sử dụng 50% nhôm tái chế trong vài phiên bản xe mới nhất.
Không chỉ có tái chế, kinh tế tuần hoàn còn giúp giảm khí thải carbon. Theo báo cáo mới nhất của Carbon Trust, tái sản xuất thường sử dụng năng lượng ít hơn 85% so với sản xuất và trên quy mô toàn cầu có thể bù đắp hơn 800.000 tấn khí thải CO2 mỗi năm. Kết hợp với các biện pháp sử dụng năng lượng tái tạo, nền kinh tế mới có thể đóng góp một nửa chỉ tiêu để góp phần đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris COP21.
Tại Việt Nam, các tập đoàn đa quốc gia đều đã đưa kinh tế tuần hoàn vào chiến lược của mình. Trong khi Heineken tuyên bố 99% chất thải được tái chế hoặc tái sử dụng, toàn bộ nước thải được xử lý để dùng cho những mục đích khác, thì Nestlé cũng đã thực hiện các sáng kiến tái sử dụng tương tự như dùng bùn làm phân bón hay làm gạch từ bã cà phê. Cả hai công ty đều hướng đến mục tiêu không còn rác thải chôn lấp. “Chúng tôi coi đây là những khoản đầu tư”, bà Bùi Thị Loan, Trưởng phòng Phát triển bền vững của Heineken, trả lời khi được hỏi về chi phí cao hơn cho những hoạt động kinh tế tuần hoàn.
NS BlueScope cũng thêm tái sản xuất vào chu trình 3R (tiết giảm – tái sử dụng – tái chế) nổi tiếng, hay Insee Ecocycle cung cấp dịch vụ xử lý chất thải cho toàn ngành công nghiệp. Vừa tạo nguyên liệu cho chính họ, vừa thu hồi nhiệt và giải quyết được vấn đề rác không chôn lấp, dịch vụ này của Insee Ecocycle đã xử lý 800.000 tấn chất thải trong 10 năm qua. “Chúng tôi mong Việt Nam có thể xử lý rác bền vững hơn như ở các nước tiên tiến”, Giám đốc Bruno Fux của Insee Ecocycle nói.