Sau gần hai năm thực hiện, dự án “Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại đồng bằng sông Cửu Long” đã góp phần nâng cao năng lực của cộng đồng nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Ngày 18/12, tại thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả và thực tiễn của Dự án “Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại đồng bằng sông Cửu Long”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 50 đại biểu đến từ một số bộ, ngành, trung ương, sở ngành liên quan của các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các tổ chức trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, các trường đại học, viện nghiên cứu, các đối tác ở các vùng dự án và đại diện người dân địa phương.
Hội thảo là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại Đồng bằng sông Cửu Long” do Tổ chức Bánh mỳ thế giới (BfdW) và Tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV) đồng tài trợ. Dự án được Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) triển khai thực hiện từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2018 tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng và TP Trà Vinh, Tỉnh Trà Vinh. Dự án được thực hiện với hai mục tiêu là: nâng cao năng lực của cộng đồng (đặc biệt là phụ nữ, thanh niên dân tộc thiểu số) nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai; qua các bài học kinh nghiệm về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu trong quá trình triển khai dự án được nhân rộng tại cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Sau gần hai năm thực hiện, dự án đã xây dựng và phát triển những mô hình và thực tiễn tốt được cộng đồng và chính quyền địa phương đánh giá cao như: mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu – Trồng rau hữu cơ trong nhà lưới; ứng dụng công nghệ thông tin để cập nhật dữ liệu về rủi ro thiên tai và tính dễ bị tổn thương, vận hành hệ thống cảnh báo sớm; xây dựng kế hoạch phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; xây dựng và vận hành cơ chế phối hợp phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Tại Hội thảo, đánh giá cao kết quả thực tiễn của dự án khi mô hình trồng rau hữu cơ trong nhà lưới tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh Tăng Thị Đẹp nhấn mạnh: “ Mô hình trồng rau hữu cơ trong nhà lưới đã giúp các hộ gia đình tránh được ảnh hưởng từ thiên tai, thu nhập được cải thiện trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng bất lợi tại Đồng bằng sông Cửu Long. Với sự hỗ trợ của dự án, địa phương đã xây dựng các kế hoạch phòng ngừa giảm nhẹ rủi ro thiên tai và cơ chế phối hợp với sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là các nhóm giảm nhẹ rủi ro thiên tai từ cộng đồng. Các kế hoạch giảm nhẹ rủi ro thiên tai được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội địa phương để chính quyền có sự phân bổ ngân sách và nguồn lực phù hợp khi triển khai.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh Tăng Thị Đẹp cho biết, từ những kết quả tích cực mà dự án mang lại, một số các địa phương khác chịu ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu đã đến thăm thành phố Trà Vinh học tập, trao đổi kinh nghiệm để áp dụng và nhân rộng mô hình này để nâng cáo năng lực phòng ngừa giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong khuôn khổ của Hội thảo, các đại biểu đã được tham quan mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu – trồng rau hữu cơ trong nhà lưới và giao lưu cùng Ban phòng ngừa giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai mô hình trồng rau trong nhà lưới, chị Thạch Thị Ngọc Như, chủ vườn rau hữu cơ ở Khóm 1, phường 9, thành phố Trà Vinh cho biết: “Mô hình trồng rau trong nhà lưới rất phù hợp và mang lại hiệu quả thiết thực. Nhà lưới giúp ổn định nhiệt độ rau trồng dưới cái nắng gay gắt cũng như bảo vệ rau khỏi tác động của mưa và gió. Giá bán sản phẩm rau sạch, hữu cơ cao hơn so với sản phẩm rau trồng theo cách truyền thống và được thị trường tiếp nhận. Nhờ đó, thu nhập gia đình đã tốt và ổn định hơn. Bên cạnh đó, việc trồng rau hữu cơ giúp người nông dân chúng tôi tránh được các bệnh tật do sử dụng nhiều chất hóa học và thuốc trừ sâu. Chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích trồng rau hữu cơ trong thời gian tới.”
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe báo cáo kết quả và kinh nghiệm về các mô hình và thực tiễn của dự án, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai, thảo luận về chính sách và cơ chế để nhân rộng sang các địa phương khác đang chịu ảnh hưởng tương tự từ thiên tai và biến đổi khí hậu….