Qua kiểm tra các mỏ khai thác khoáng sản, các xưởng chế biến khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều bất cập. Liệu nguy cơ xảy ra những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng hay vỡ đập chứa bùn thải… có được ngăn chặn hiệu quả trong thời gian tới?
Tràn lan vi phạm khai thác khoáng sản
Quỳ Hợp là một huyện có nhiều loại khoáng sản quý như đá trắng, thiếc, quặng… Nhưng lợi thế này cũng đã gây ra nhiều hệ lụy do vấn đề ô nhiễm môi trường và an toàn lao động (ATLĐ)…
Ông Lê Sỹ Hào – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Quỳ Hợp cho biết, trước khi Đoàn liên ngành của tỉnh tiến hành kiểm tra các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn thì vào tháng 4/2018, huyện cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra. Nhưng kiểm tra được 45/63 mỏ thì Đoàn dừng lại vì sợ trùng với đoàn kiểm tra liên ngành.
Bước đầu đã phát hiện nhiều vi phạm trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản tại các mỏ. Chủ yếu là ở các vi phạm như: sai thiết kế, đá treo và mất ATLĐ, công tác bảo vệ môi trường chưa thực hiện nghiêm túc theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt…
Theo ông Hào, những vi phạm này chưa được xử lý vì có đoàn kiểm tra của tỉnh. Đơn cử như trường hợp Cty CP Đá Châu Á (tại bản Phá Thắm, xã Châu Tiến), Đoàn đã phát hiện có nhiều đá treo, nhiều rạn nứt có nguy cơ xảy ra tai nạn.
Về công tác môi trường chưa thực hiện theo đúng các nội dung trong báo cáo ĐTM đã được phê duyệt, chưa có kho lưu giữ chất thải nguy hại, còn phân loại nhiều nơi. Hay tại Cty CP TM Khoáng sản Trung Hải (xã Châu Quang, Quỳ Hợp) Đoàn phát hiện có khoảng 50m3 đá được khai thác dưới chân núi với độ cao khoảng 40-50m, có hiện tượng đá treo, đá rạn nứt, có nguy cơ sạt lở mất ATLĐ.
Công tác môi trường cũng chưa được thực hiện nghiêm theo báo cáo ĐTM được phê duyệt. Tương tự tại mỏ đá Phá Thắm, xã Châu Tiến (thuộc Cty CP Hà Cường); mỏ đá tại xã Châu Tiến (của Cty CP Khoáng sản Nghệ An); mỏ đá Thung Trên (của Cty TNHH Chính Nghĩa)…, Đoàn đều phát hiện hiện tượng đá treo, hàm ếch, đá rạn nứt có nguy cơ xảy ra tai nạn.
Hiện, Đoàn kiểm tra liên ngành (do Sở TN&MT tỉnh Nghệ An chủ trì) đã có báo cáo kết quả kiểm tra, gửi UBND tỉnh.
Những hệ lụy đau lòng
Câu chuyện về vụ vỡ đập chứa chất thải của Cty Kim loại màu Nghệ Tĩnh tại núi Lan Toong, xã Châu Thành, Quỳ Hợp, Nghệ An vào sáng ngày 9/3/2017 khiến dòng suối Bắc bị ô nhiễm nặng có lẽ vẫn chưa bao giờ là cũ. Dòng suối Bắc bị ô nhiễm nguồn nước, vùng hạ lưu dòng nước bị nhiễm chất thải.
Trong 3 xã bị ảnh hưởng (xã Châu Thành, Châu Cường, Châu Quang) thì xã Châu Quang có 22/26 thôn, bản bị ảnh hưởng, 300 ha lúa bị thiệt hại. Sau khi xảy ra sự việc, nhiều đoàn kiểm tra của Bộ TN&MT, Cảnh sát môi trường… đã tiến hành kiểm tra đơn vị này.
Cuối tháng 11/2018, có mặt tại núi Lan Toong để ghi nhận hoạt động khai thác, chế biến thiếc của Công ty TNHH Thiếc Hà An, chúng tôi nhận thấy ngay phía dưới trạm nghiền sàng là bãi chứa chất thả với bùn đen đang được phơi khô.
Trước đây, khu vực này là bể chứa bùn thải nhưng vì diện tích quá bé nên đã bị lấp và san bằng thành một bãi thải lớn. Nhưng bãi bùn thải này nằm ngay lưng chừng núi. Nếu một trận mưa lớn xảy ra thì rất có thể lượng bùn thải lớn sẽ trôi xuống chân núi.
Thời gian qua, trên địa bàn huyện đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động đau lòng, cướp đi tính mạng của nhiều người. Có thể kể đến như: vụ tai nạn tại khu mỏ khai thác đá Cty CP Khoáng sản và Thương mại Cường Hải (thuộc địa phận xã Châu Quang, Quỳ Hợp) vào ngày 16/10/2016 khiến 3 người chết. Hay vụ tai nạn tại mỏ đá Công ty CP Khoáng sản Á Châu (AMC- địa phận xã Châu Hồng, Quỳ Hợp) ngày 16/12/2017 khiến 1 người chết, 2 người bị thương.
Đáng nói, hiện vẫn chưa có vụ tai nạn lao động tại mỏ khai thác đá hay khoáng sản nào bị khởi tố.
Ông Vi Thanh Tường – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, vụ việc do cơ quan công an xử lý nên huyện cũng chỉ được biết khi công an công bố nguyên nhân. Đối với các vụ tai nạn lao động do khai thác sai gây nên thì địa phương quan điểm là xử lý nghiêm, đề nghị thu hồi mỏ nếu để ra sai phạm. Việc khởi tố hay không khởi tố là việc của tòa, của Viện kiểm sát của Công an.
Về vấn đề này, ông Lang Văn Bảo – Viện trưởng VKSND huyện Quỳ Hợp cho hay, khi xảy ra các vụ tai nạn, Viện cùng với các đơn vị xác định nguyên nhân các vụ tai nạn dẫn đến chết người là tai nạn thông thường, xảy ra ngoài phạm vi mỏ, hoặc tự ngã khi đi vào khu vực khai thác. Sở Lao động Thương binh và Xã hội cũng tiến hành kiểm tra, kết luận không có dấu hiệu vi phạm ATLĐ thì Viện không tiến hành khởi tố theo quy định.
Không đánh đổi lợi ích với môi trường và sự an toàn của người dân
Trao đổi với phóng viên, ông Vi Thanh Tường thừa nhận, vấn đề môi trường tại các mỏ khoáng sản luôn là vấn đề trăn trở cho địa phương. Dù năm nào cũng có đoàn kiểm tra, năm nào cũng có quan trắc ít nhất hai lần (có doanh nghiệp 4 lần/năm) nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn chưa xử lý triệt để được. Đặc biệt là trong việc khai thác mỏ quặng, thiếc.
Hiện, huyện Quỳ Hợp quy hoạch 3 cụm công nghiệp và 6 khu chế biến đá tập trung. Dù tỉnh đã quy hoạch bãi tập kết chất thải rắn nhưng đến nay chưa có kinh phí nên cũng chưa triển khai được.
Theo ông Tường, hiện nay vấn đề ATLĐ tại các mỏ, hầm lò là điều mà tỉnh, huyện và các ngành hết sức quan tâm. Việc khai thác sai thiết kế cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATLĐ và đe dọa tính mạng đến công nhân lao động trực tiếp tại công trường.
Quá trình kiểm tra, huyện đã phát hiện nhiều doanh nghiệp khai thác sai thiết kế kiểu hàm ếch, để đá treo hết sức nguy hiểm. Huyện đã yêu cầu dừng khai thác và xử lý như hồ sơ ban đầu mới được khai thác tiếp. Tuy nhiên, việc này cũng chưa triệt để được vì quá nhiều doanh nghiệp trên địa bàn. Khi đến thì có thể họ khai thác đúng nhưng sau đó lại khác.
Ông Tường khẳng định: “Chính quyền địa phương không cho phép doanh nghiệp đánh đổi lợi nhuận với tính mạng, sự an toàn của người dân cũng như môi trường. Bởi nếu vì lợi nhuận doanh nghiệp hưởng còn những hậu quả thì chính chúng tôi, những người dân sống tại địa phương sẽ phải gánh chịu mà không biết đến đời nào mới hết…”.