Chỉ cần vào vai một thực khách muốn mua “hàng rừng” để nuôi làm cảnh hoặc đãi khách nhậu, nhóm phóng viên dễ dàng tiếp cận những quán ăn, nhà hàng với những tủ lạnh đầy ắp thịt thú gồm cheo, sóc, chồn, cầy, nhím, nai, hoẵng, lợn rừng… Vậy mà cơ quan chức năng kêu không biết, không phát hiện hoặc không xử lý được.
Những ngày đầu tháng 12, bầu trời Tây Nguyên đã ngớt những cơn mưa chiều và dần trở nên trong xanh hơn, báo hiệu một mùa bẫy thú rừng lại đến với đồng bào sinh sống ven rừng già thuộc tỉnh Gia Lai. Nhắc đến phố núi này nơi đây có lẽ là còn nhiều thú rừng nhất, đặc biệt là tại hai huyện KBang và Mang Giang – nơi có Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng cùng nhiều lâm trường và các công ty lâm nghiệp đang bảo vệ hàng trăm ngàn héc-ta rừng.
Những ngày này, du khách đến với Pleiku cũng đông đúc hơn bởi thời điểm cuối tháng 11 diễn ra lễ Hội cồng chiêng với sự tham gia của các đại diện, ban ngành từ cấp Trung ương tới cấp vùng, cấp địa phương. Tuy nhiên, thay vì quảng bá những nét đẹp văn hóa và bản sắc của đất rừng Tây Nguyên, một số doanh nghiệp lại nhân sự kiện này trưng bày và chào bán những tiêu bản động vật hoang dã như mèo rừng, cầy với giá 12 triệu đồng tại hội chợ cùng hàng loạt các loại nấm, lan rừng và gỗ quý được chạm trổ, đẽo tượng.
Điều khiến nhóm bất ngờ hơn là khi vào một số quán ăn, nhà hàng ở thành phố thì hầu như nơi nào cũng có các món liên quan đến cầy, nhím, nai, chim… hoặc bất cứ động vật hoang dã nào theo yêu cầu của khách. Qua trao đổi được biết thú rừng được mua từ người dân sinh sống ven rừng tự nhiên ở huyện KBang. Và để chứng thực điều này, nhóm đã dành nhiều ngày ngược xuôi khắp các xã Sơn Lang, Đắk Rong, Sơ Pai, Đắk Smar ven rừng của huyện KBang.
Nơi đầu tiên nhóm tiếp cận là nhà hàng S.T nằm ngay trung tâm xã Sơn Lang, cách UBND xã chưa đầy 100 m. Chủ nhà hàng sau khi biết khách muốn mua thú rừng hoặc các sản phẩm từ động vật hoang dã liền giới thiệu “đặc sản” dạ dày nhím có thể chữ được bệnh. Khi đặt vấn đề cần nguồn hàng lớn, nhóm được chủ hàng dẫn tới nhà bố đẻ cách chừng 1 km, căn nhà nằm lọt trong rẫy cà phê.
Trong ngôi nhà nhỏ, hai bố con miệt mài giới thiệu những chiếc dạ dày nhím: “Ngoài dạ dày nhím thì có thịt sóc, chim rừng, chồn, cầy cun với giá bán khoảng 350.000 đồng/kg, riêng dạ dày nhím phải đi vào tận xã Kon ple, xa lắm, cách đây chừng 70 km, giá trung bình 400.000 đồng/cái nhưng các anh mua thì em lấy 250.000 đồng thôi”.
Thử dò hỏi về việc chuyển hàng, bố chủ quán S.T cho hay “tôi vẫn gửi chim rừng cho các nhà hàng ở thị trấn và thành phố suốt, hầu như sáng nào cũng gửi xe. Bây giờ ở nhà chỉ có sóc và chồn, hươu nai thì chiều họ đi săn về mới có, hàng đông lạnh thì lúc nào cũng có, bao nhiêu cũng gom được…, giờ xe cộ sẵn nên anh khỏi lo, nhận hàng xong giao tiền luôn. Nếu anh muốn lấy rùa thì cũng sẵn, gồm rùa đá, rùa mây…”.
Khi chúng tôi thắc mắc sao ở đây còn nhiều “hàng” thế, chủ hàng S.T liền tiếp lời: “Ở trên tỉnh cũng nhập ở đây hết vì huyện này nhiều rừng nhất, Sài Gòn và Hà Nội cũng lấy ở đây. Giờ ở tủ lạnh nhà chị còn sóc, cầy cun, rùa mây, trước còn có cả rùa vàng… Ở đây có Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn Kon Chư Răng nên nhiều thú lắm”. Tiếp thị xong, chủ quán mời nhóm về lại nhà hàng để mục sở thị tủ lạnh đầy ắp thịt thú, trong đó có sóc và cầy vừa bị giết thịt.
Được biết, người dân sinh sống ven rừng thường dùng súng để đi săn những thú lớn, còn thú nhỏ thì đặt bẫy. “Súng bây giờ họ toàn giấu trong rừng chứ họ không mang về nhà. Nhà tôi 3 – 4 năm trước, ngày nào cũng vài con nai đưa về đây, họ săn được là tôi đi mua về bán lại chứ đi rừng phải dân chuyên nghiệp mới đi được, họ bẫy vài ngày một lần. Người dân tộc lủi khắp núi rừng, thậm chí kiểm lâm còn bảo người dân đi đặt bẫy cho. Kiểm lâm bao khiếp lắm” – một người dân ở xã Sơn Lang cho biết.
Không chỉ tại Sơn Lang mà một số xã khác, các quán ăn ở trung tâm xã cũng sẵn sàng cung cấp các loại thịt thú rừng kể trên nếu thực khách có nhu cầu. Đáng chú ý là tại một cửa hàng tạp hóa ở thôn Krối, xã Đắk Smar, một cá thể khỉ bị xích ngay dưới tấm biển cấm khai thác gỗ và săn bắt động vật hoang dã.
Rời những xã ven rừng tự nhiên, nhóm di chuyển ra trung tâm thị trấn Kbang để tìm hiểu thêm về thị trường động vật hoang dã nơi đây. Dừng tại nhà hàng A.K, nhóm được cô gái tự xưng là con gái chủ hàng đon đả: “có đủ chồn, mang, chim rừng, heo rừng, cheo…, các anh chọn gì?”. Và như chỉ chờ khách mở lời đặt hàng, nhất là khi nhóm thử đặt với số lượng lớn, mẹ con chủ quán mở toang chiếc tủ lạnh to sụ kề bên và nhấc từng con thú lên để quảng cáo: “Các chú thích mua bao nhiêu cũng có, con to con nhỏ có hết, ở đây chỉ để ngăn mát bán hoặc ăn trong ngày chứ bây giờ thích lấy trong tủ đá cũng có. Hàng có thể gửi lên Gia Lai cũng được, hàng lên là tiền về”…
Càng đi nhiều, nghe nhiều, càng thấy xót xa!
Nhóm phóng viên