5 tháng, phát hiện hơn chục nghìn mặt hàng ngà voi được bày bán tại Việt Nam

Bằng việc thực hiện hai cuộc khảo sát thị trường truyền thống (từ tháng 11/2016 – tháng 3/2017; tháng 5 – tháng 6/2017) tại 13 địa điểm với 852 cửa hàng và một cuộc khảo sát thị trường trực tuyến (từ tháng 3 – tháng 4/2017) với 60 người bán hàng online tại 17 nền tảng trực tuyến (02 mạng xã hội; 10 trang web thương mại điện tử; 5 diễn đàn trực tuyến), Mạng lưới giám sát thương mại hoang dã (TRAFFIC) mới đây đã công bố Báo cáo “Từ ngà voi tới trang sức” với nhiều phát hiện đáng chú ý.

Theo đó, có tổng cộng từ 10.549 – 13.460 sản phẩm ngà voi được bày bán tại Việt Nam, trong đó có 4.363 mặt hàng được tìm thấy tại các cửa hàng trực tuyến và 6.186 – 9.097 mặt hàng được tìm thấy tại các cửa hàng truyền thống; 90% mặt hàng bày bán là đồ trang sức. Giá các sản phẩm ngà voi dao động từ 7 đến 2.637 USD.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy việc bày bán ngà voi tại cả thị trường truyền thống và thị trường trực tuyến đều tồn tại dai dẳng trên khắp Việt Nam, có thể do nhu cầu từ người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Trong đó, các cửa hàng tại TP. HCM, Buôn Ma Thuột và Bản Đôn có số lượng mặt hàng bày bán cao nhất, một số cửa hàng bày bán hơn 150 sản phẩm ngà voi/ cửa hàng. Đặc biệt, ngà voi hiện được bán tại cả hai thành phố Đà Nẵng và Vinh – nơi trước đây không bán (theo kết quả khảo sát năm 2000 và 2014).

Trong số các nền tảng trực tuyến, các mạng xã hội có số lượng bài đăng về ngà voi và mặt hàng ngà voi nhiều nhất. Khảo sát nhận thấy có mối liên hệ rõ ràng giữa thị trường truyền thống và cửa hàng trực tuyến. Trong tám trường hợp, người bán hàng trực tuyến có quan hệ với cửa hàng truyền thống hoặc các cửa hàng truyền thống cũng có bán sản phẩm trực tuyến.

Voi ở VQG Yok Đôn (Ảnh: Hoàng Chiên/PanNature)

Phân tích dữ liệu thị trường vật chất cho thấy có thể có mối liên hệ với du lịch ở bốn địa điểm: Hạ Long, Bản Đôn, Lắk và Nhị Khê. Theo ghi nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sự tham gia của Trung Quốc và công dân Trung Quốc trong lĩnh vực buôn bán ngà voi Việt Nam vẫn còn đáng chú ý. Một số mặt hàng ngà voi được chú thích bằng tiếng Trung Quốc. Thậm chí, có một trường hợp, số lượng ngà voi trên thị trường truyền thống tương ứng với mùa du lịch cao điểm và thấp điểm của khách du lịch Trung Quốc.

Từ thực trạng đáng quan ngại nêu trên, Nghiên cứu khuyến nghị cần tăng cường phòng ngừa hành vi phạm tội bằng cách 1) sửa đổi Nghị định 32/2006/NĐ-CP nhằm làm rõ Nghị định này có áp dụng cả cho các bộ phận của Voi Châu Á Elephas maximus bị khai thác và sử dụng trước năm 1992; 2) làm rõ việc cấm buôn bán tại Việt Nam áp dụng cho cả hai loài Voi Châu Á và Voi Châu Phi và các bộ phận của chúng nhằm ngăn ngừa khả năng lập lờ về sản phẩm ngà voi giữa hai loài; và 3) bỏ ngưỡng tối thiểu 2 kg khi áp dụng Bộ luật Hình sự sửa đổi vì đa số các sản phẩm ngà voi tìm thấy trên thị trường trong báo cáo này không đáp ứng mức tối thiểu đó và do đó được miễn không truy tố hình sự.

Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực cho các cán bộ thực thi pháp luật; điều chỉnh và áp dụng khung pháp lý hiện tại nhằm đảm bảo thực thi pháp luật đối với các kênh buôn bán trực tuyến, bao gồm nâng cao năng lực phát hiện và ứng phó với nạn buôn bán trực tuyến các sản phẩm ngà voi bất hợp pháp, nhất là trên mạng xã hội. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam cần thành lập một đơn vị thực thi pháp luật đặc biệt tập trung vào nạn buôn bán ngà voi trực tuyến vì việc xây dựng chính sách cho thị trường trực tuyến đòi hỏi phải có các kỹ năng khác với kỹ năng áp dụng cho thị trường truyền thống.

Song song với đó, tích cực thực hiện kiểm kê ngà voi, bao gồm đánh giá an ninh tại các kho lưu trữ, đánh dấu, và quản lý kho, theo Nghị quyết CITES 10.10 (Rev. CoP17) và hạn chế nguồn cung ngà voi trên thị trường; cập nhật về xu hướng thị trường và giảm nhu cầu của người tiêu dùng.

Bích Ngọc

Nguồn: