Người dân khu vực thôn Oăng, xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) cho biết thời gian gần đây ở địa phương xuất hiện nhiều người lạ mặt đến khai thác vàng trái phép. Điều đáng nói dù liên tục được cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang kiểm tra nhưng tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn ngang nhiên diễn ra.
“Vàng tặc” ngang nhiên
Để tiếp cận khu vực khai thác vàng trái phép, chúng tôi đã vào vai những người đi tìm vàng từ Thái Nguyên sang khảo sát tại xã Đạo Viện. Từ Quốc lộ 2C, đi khoảng 2 km bằng xe máy, chúng tôi tiếp tục đi bộ thêm 3 km đường đất để đến xã Đạo Viện. Tại khu vực Năm Đát, thôn Oăng, xã Đạo Viện có một khu ao rộng trên 1 ha đã trơ đáy, bị đào bới tan hoang. Bên dưới, một máy xúc đang hối hả làm việc, sát bờ có một dàn sàng bằng sắt được kết nối với hệ thống máy bơm công suất lớn để tuyển rửa, gần đó có một vật dụng giống chiếc nón bằng kim loại (thường được sử dụng trong khai thác vàng sa khoáng).
Cách đó khoảng 500-700 m về hướng Bắc, chúng tôi phát hiện một khu vực đào bới quy mô lớn nằm trên đỉnh đồi. Để tiếp cận địa điểm này, chúng tôi phải đi vòng qua một nửa quả đồi, tại đây có một lán trại rộng hơn 20m2 dùng làm nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi của các phu vàng. Khu lán trại được xây dựng khá kiên cố với bể nước to dùng để sinh hoạt và phục vụ việc tuyển vàng sau khi nghiền xong. Theo các phu vàng, lúc cao điểm ở đây có khoảng 15 người làm việc, nếu trời mưa, khó làm, chỉ cần khoảng 10 người.
Những “thợ lành nghề” ở đây đều là người từ Thái Nguyên sang, họ làm thuê cho một người tại Tuyên Quang tên là Khương Hai Tư.
Theo kinh nghiệm của các phu vàng, ở đây không có vàng gốc nên họ chỉ dùng thủy ngân để “cô” vàng, không cần dùng hóa chất (xyanua) ủ lấy vàng. Nằm ngay cạnh khu lán này có 2 đường hầm được đào từ lâu, có lẽ ít người đi lại nên mặt hầm đã phủ rêu xanh. Ngược lên đồi hơn 300m, chúng tôi tiếp tục phát hiện một khu vực khai thác vàng quy mô lớn hơn. Để đảm bảo bí mật, các đối tượng chỉ mở một con đường nhỏ dưới tán rừng keo. Khu vực khai thác là một đồi keo mới trồng cao ngang đầu gối. Toàn bộ khu này có 3 hầm; dựa vào số đất đá bên ngoài chúng tôi ước lượng các hầm này sâu đến hàng trăm mét. Nhìn sâu vào trong hầm có các thiết bị dùng để bơm không khí vào. Đất đá sau khi đào, được đưa ra bên ngoài, đổ tràn lấp hết một khoảnh đồi, những cây keo mới trồng cũng bị chặt bỏ để nhường đất cho “vàng tặc”.
“Quả bóng” trách nhiệm
Khu vực khai thác vàng tại thôn Oăng, xã Đạo Viện, đã được cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang tổ chức kiểm tra nhiều lần, nhưng tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn diễn ra. Theo tài liệu do Chủ tịch UBND xã Đạo Viện cung cấp, ngày 11/10/2018, Tổ công tác của UBND xã Đạo Viện do Phó Chủ tịch UBND xã Hứa Ngọc Kha làm Trưởng đoàn đã kiểm tra việc thăm dò khai thác vàng trái phép tại khu vực Năm Đát, thôn Oăng, xã Đạo Viện. Tại khu vực ao nhà ông Phạm Mạnh Cường, đoàn kiểm tra không phát hiện việc khai thác khoáng sản. Tại khu đất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp Yên Sơn, cách trang trại của ông Phạm Hùng Cường khoảng 600 m về phía Bắc, có 1 hầm đào sâu 15m vào lòng núi, không phát hiện máy móc, cách vị trí hầm khoảng 250m có 2 lán trại tạm. Khi thấy các thành viên tổ công tác, những người này đã dọn dẹp vật dụng ra khỏi khu vực đào bới và chạy vào rừng.
Ngày 30/10/2018, Công an huyện Yên Sơn phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Sơn, UBND xã Đạo Viện, tiếp tục kiểm tra tình hình khai thác khoáng sản tại khu vực trang trại của ông Phạm Hùng Cường. Đoàn công tác phát hiện trên mặt ao có 2 máy cuốc, 2 máy bơm nước và 1 sàng sắt. Theo ông Cường trình bày, ông thuê máy cuốc để cải tạo ao. Đoàn công tác đã yêu cầu ông Cường không khai thác khoáng sản dưới mọi hình thức, lập phương án cải tạo đất và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi cải tạo đất làm trang trại.
Ngày 14/12/2018, sau khi nhận được tin báo của nhân dân, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Tuyên Quang phối hợp với UBND xã Đạo Viện kiểm tra tại khu vực Năm Đát, thôn Oăng, phát hiện khu đào bới có diện tích 12.000 m2 tại trang trại của ông Phạm Hùng Cường cùng 1 máy xúc và 1 sàng sắt. Ông Cường cho biết đang cải tạo trang trại, dàn sàng sắt để lọc sỏi tận dụng rải đường.
Ngày 16/12/2018, lực lượng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phối hợp với UBND xã Đạo Viện kiểm tra, xác minh tin báo của nhân dân về một số đối tượng khai thác vàng trái phép khu vực đất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp Yên Sơn, tại thôn Oăng, xã Đạo Viện. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 2 hầm cách nhau 200 m, được đào sâu vào lòng núi, trong đó 1 hầm được đào theo hướng thẳng đứng. Đoàn kiểm tra phát hiện và tịch thu 1 máy phát điện, 1 bộ tời dây cáp, không có đối tượng hoạt động khai thác tại vị trí trên. Đoàn công tác yêu cầu UBND xã Đạo Viện và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp Yên Sơn phối hợp xác định vị trí và phương án để san lấp 2 hầm trên, đồng thời tăng cường quản lý khoáng sản trên địa bàn.
Có thể thấy, khi ông Phạm Hùng Cường đưa máy móc vào để cải tạo ao cá, đã có dấu hiệu khai thác vàng sa khoáng, cơ quan chức năng đã nhiều lần yêu cầu ông Cường lập phương án cải tạo đất và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi cải tạo, đồng thời không được khai thác khoáng sản dưới mọi hình thức. Thế nhưng, không hiểu vì sao đến nay dù chưa có phương án cải tạo đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng ông Cường đã hoàn thành việc “cải tạo” 12.000 m2 và sàng tuyển lấy “sỏi” để rải đường.
Những hầm khai thác vàng trái phép được đào sâu vào lòng núi, đã phát hiện suốt gần một tháng nhưng vẫn tồn tại và không có cơ quan chức năng nào san lấp. Đến thời điểm phóng viên có mặt tại hiện trường (ngày 11/1/2019) những hầm này vẫn tồn tại và có thêm ít nhất 3 hầm nữa xuất hiện. Tài nguyên khoáng sản vẫn bị đánh cắp, vậy ai phải chịu trách nhiệm?
Theo ông Lý Văn Điều, Chủ tịch UBND xã Đạo Viện, chính quyền xã không bao che hay “tiếp tay” cho các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép. Thẩm quyền của xã chỉ báo cáo lên cấp trên vì với tài sản trên 5 triệu đồng xã không được thu giữ. Ngoài ra, do vị trí các điểm khai thác này rất xa, đường vào khó khăn nên xã không có kinh phí để tiến hành san lấp. Mặt khác, phần diện tích trên thuộc sự quản lý của Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp Yên Sơn, vì vậy Công ty phải có trách nhiệm lấp các hố trên.
Trong khi đó, ông Hà Mạnh Phong, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp Yên Sơn cho biết, trách nhiệm quản lý, điều hành địa bàn được giao cho đội trưởng các đơn vị quản lý, nếu có vấn đề khẩn cấp mới báo cáo trực tiếp với ban lãnh đạo Công ty. Vừa qua, Đội trưởng quản lý rừng khu vực xã Đạo Viện phối hợp với UBND xã, cơ quan Công an kiểm tra, nhưng do nhiều việc nên quên báo cáo với lãnh đạo Công ty. Hiện ông chưa nhận được bất cứ một văn bản nào từ xã liên quan đến việc khai thác khoáng sản trái phép trên phần đất của lâm trường.
Khai thác vàng trái phép không những ảnh hưởng đến môi trường, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, mà còn tiềm ẩn nguy hiểm cho các lao động đang làm việc tại đây. Hơn bao giờ hết, cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang cần tăng cường quản lý, làm rõ trách nhiệm các bên liên quan, đồng thời kiên quyết phá bỏ những đường hầm ở Đạo Viện, tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.