Bên lề Hội nghị của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 2018 (COP24) vừa diễn ra tại Katowice, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) – Trưởng đoàn đàm phán kỹ thuật của Việt Nam.
Về mục tiêu của Việt Nam khi tham dự COP24, ông Phạm Văn Tấn cho biết đoàn Việt Nam muốn cùng các nước xây dựng và hoàn thành chương trình nghị sự thực hiện Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu 2015. Công việc này đã bắt đầu được triển khai từ sau COP21 vào năm 2015 và kéo dài cho đến nay.
Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo đoàn đàm phán Việt Nam về công tác biến đổi khí hậu và quyết tâm của tất cả các bên, 3 năm qua, Việt Nam đã cùng với các nước xây dựng chương trình nghị sự thực hiện Hiệp định Paris và đang được trình lên lãnh đạo các bộ cấp Bộ trưởng để xem xét trong tuần này.
Ngoài ra, Việt Nam tham dự COP24 để thể hiện với thế giới những nỗ lực của Việt Nam đã làm được trong thời gian qua trong việc ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá rất tích cực triển khai những cam kết, thỏa thuận liên quan đến biến đổi khí hậu. Học hỏi kinh nghiệm của các nước thế giới để đem về sử dụng trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam cũng là mục tiêu của đoàn khi tham dự COP24 lần này.
Theo ông Phạm Văn Tấn, trong quá trình đàm phán tại COP24, Việt Nam cùng với các nước đã có những tiến bộ đáng kể trong đàm phán xây dựng chương trình nghị sự thực hiện Hiệp định Paris. Ông hy vọng những vấn đề khó khăn, tồn tại có thể được các bộ trưởng và đoàn cấp cao tháo gỡ trong tuần này.
Liên quan đến chia sẻ kinh nghiệm và những nỗ lực của Việt Nam, đại diện các bộ, các ngành, các tổ chức đã triển khai một loạt hội nghị bên lề COP24 để tuyên truyền về việc này. Tại COP24, các cán bộ trong đoàn đã tích cực tham gia trao đổi với các tổ chức, các công ty cũng như các nước có nền công nghệ và hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu tiên tiến hơn Việt Nam để học hỏi.
Đề cập đến những khó khăn của các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong việc thực thi Hiệp định Paris, ông Phạm Văn Tấn cho biết đối với thế giới, các nước phát triển ưu tiên, quan tâm nhiều đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Nhưng Việt Nam – một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, lại ưu tiên mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu.
Do đó, trong quá trình đàm phán có nhiều lúc khá căng thẳng để đi tìm tiếng nói chung giữa hai nhóm nước giàu và nghèo trong vấn đề giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu cũng như trách nhiệm của các nước giàu ứng phó với biến đổi khí hậu giúp các nước nghèo.
Ngoài ra, Việt Nam từ năm 2021 trở đi cũng phải tham gia giảm nhẹ phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính một cách bắt buộc. Đây là nhiệm vụ rất lớn, đòi hỏi Việt Nam cần phải nhận thấy thích ứng với biến đổi khí hậu chủ yếu liên quan nhiều đến công nghệ và đầu tư, song nguồn lực của Việt Nam cho hoạt động này chưa lớn. Vì vậy, nếu thúc đẩy mạnh mẽ nguồn phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong giai đoạn đầu, đứng về mặt ngắn hạn, có thể ảnh hưởng đến nguồn lực dành cho các đối tượng khác để phát triển nền kinh tế.
Về chiến lược của Việt Nam để có thể tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các nước phát triển trong quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Phạm Văn Tấn cho biết Việt Nam hiện là một nước có mức thu nhập trung bình, tuy còn thấp. Hỗ trợ của quốc tế cho các nước ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung và hỗ trợ cho Việt Nam nói riêng sẽ ngày một giảm.
Tại COP24, cam kết về tài chính cho các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu là không rõ ràng và không lớn như kỳ vọng. Ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi nỗ lực tự thân là chủ yếu. Vì vậy, việc Việt Nam sử dụng hiệu quả nguồn lực đã huy động được cũng là điều khuyến khích các nước khác giúp Việt Nam nhiều hơn.
Việc Việt Nam là quốc gia khá tích cực, chủ động trong hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu đã được các quốc gia, tổ chức trên thế giới đánh giá tích cực. Nỗ lực của Việt Nam cũng là điều thúc đẩy các nước có khoản hỗ trợ cho Việt Nam.
Tuy nhiên, ông cho rằng đối với Việt Nam, nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu, nguồn lực từ các nước phát triển giúp Việt Nam sẽ ngày một giảm, và Việt Nam phải dựa vào sức mình là chính.
Liên quan đến bất đồng giữa các nước giàu và nghèo trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và xu hướng trong thời gian tới, ông Phạm Văn Tấn cho biết, đối với các nước giàu có nguồn lực, có công nghệ, mục tiêu đầu tiên của họ là giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Đối với các nước nghèo thì mục tiêu đầu tiên là phải tồn tại để phát triển, thế nên thích ứng với biến đổi khí hậu là ưu tiên số một. Vì vậy, hai ưu tiên này khác nhau, và trong quá trình đàm phán suốt ba năm qua, có thể thấy mức độ chênh lệch và khả năng tìm được tiếng nói chung giữa hai nhóm nước đã gần nhau hơn.