Người miền Trung bao đời nay đã quen với lũ lụt, và đúc kết thành câu ca dao: “Ông tha, mà bà chẳng tha. Làm cho cái lụt hai ba tháng mười”. Nghĩa là đến 23 tháng 10 âm lịch sẽ là đợt lụt cuối cùng của năm.
Thế nhưng, bây giờ đã bước qua tháng 11 âm lịch, nhiều đô thị miền Trung vẫn tứ bề nước lụt. Ngoài ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, còn nguyên nhân nào khiến thảm trạng ấy liên tiếp xảy ra ở Đà Nẵng, Quảng Nam và vài tỉnh khác?
Bể nước mênh mông
Sau khi người dân “TP thông minh” TPHCM khốn đốn vì ngập lụt vào những ngày cuối tháng 11, đến người dân “TP đáng sống” Đà Nẵng bì bõm vì ngập lụt trong 2 ngày 9 và 10-12 trên diện rộng. Các phương tiện giao thông gần như tê liệt, người dân có thể ngồi nhà vớt cá theo nước tràn vào từng ngõ ngách. Theo Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ, khu vực các quận trong TP Đà Nẵng có mưa rất to, với lượng mưa đo được từ 3 giờ sáng đến 7 giờ sáng 9-12 phổ biến ở 300-400mm, đặc biệt lượng mưa đo được tại đường Trưng Nữ Vương lên đến 436,6mm.
Tại huyện Hòa Vang, lượng mưa phổ biến từ 70-150mm, còn các tuyến đường ở khu vực trung tâm quận Hải Châu và Thanh Khê đều bị ngập nước. Nhiều đoạn đường và nút giao thông bị ngập sâu đến 0,5m, nhất là tại các nút giao Hàm Nghi – Hùng Vương – Hoàng Hoa Thám, Lê Đình Lý – Nguyễn Văn Linh – Hàm Nghi, Núi Thành – Duy Tân, Đống Đa – Lý Tự Trọng… Một số khu vực quận Ngũ Hành Sơn như nút giao đường Nguyễn Đức Thuận và đường Võ Nguyên Giáp, Khu K20 cũng bị ngập… Có thể hiểu, gần như cả “TP đáng sống” là một bể nước mênh mông.
Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng phân tích, do lượng mưa quá lớn, kéo dài liên tục trong nhiều giờ liền, nên dẫn đến ngập nước cục bộ. Bên cạnh đó, tại các khu dân cư, các tuyến cống rãnh, miệng cống… bị chèn lấp quá nhiều rác thải sinh hoạt, thậm chí cả thùng xốp, chăn màn… nên hạn chế lưu lượng thoát nước dẫn đến ngập sâu. Giải pháp được “TP đáng sống” áp dụng là chỉ đạo Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng bố trí nhân lực, phương tiện khơi thông các cửa thu nước trên mặt đường, vận hành các cửa xả Mỹ An, trạm bơm Thuận Phước, trạm bơm Trương Chí Cương để góp phần hạn chế tình trạng ngập úng tại khu vực.
Không chỉ hầm chui Điện Biên Phủ – Nguyễn Tri Phương (có mức đầu tư gần 120 tỷ đồng) bị ngập nước, đến tối 10-12 giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 ở đoạn qua địa bàn 2 quận Liên Chiểu và Cẩm Lệ, các xe phải dừng di chuyển hoàn toàn do nước ngập dâng cao. Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cho rằng, “TP đáng sống” bị ngập do đô thị này chỉ chịu được lượng mưa 100mm. Đây là một ý kiến chủ quan, bởi lẽ cả trăm nay Đà Nẵng không hề có chuyện bị ngập vì mưa.
Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm phân tích: “Quy hoạch của Đà Nẵng có nhiều sai lầm dẫn đến sự cố ngập nước như vừa qua. Thứ nhất, vùng chứa nước tự nhiên của Đà Nẵng là phía Nam sông Cẩm Lệ thuộc phường Hòa Xuân, Hòa Quý không còn. Trước đây, vùng này là đồng ruộng, thấp hơn so với độ cao của TP Đà Nẵng và là nơi chứa nước khi mưa lớn. Nay TP quy hoạch, đắp toàn bộ khu vực này cao hơn mặt bằng khu trung tâm để làm khu đô thị.
Dù toàn Đà Nẵng ngập vào ngày 9-12 nhưng Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân không ngập, chứng tỏ hồ chứa nước đó không còn nữa và toàn bộ nước dồn về trung tâm theo nguyên tắc “nước chảy chỗ trũng”…. Sai lầm của Đà Nẵng là đắp ruộng Hòa Xuân, Hòa Quý và cả Hòa Liên ven sông Trường Định, khiến cho nước không còn chỗ thoát. Thêm nữa, bên trong Đà Nẵng không còn hồ chứa nước, không còn công viên, mảnh vườn, thay vào đó là bê tông hóa, nước đổ xuống nền bê tông không thể ngấm xuống đất để tiêu thoát nước”.
Rõ ràng, với tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng và thiếu khoa học trong suốt thập niên qua, Đà Nẵng đã phải trả giá. Đà Nẵng chỉ tăng trưởng hệ thống nhà cửa, biệt thự và hệ thống hạ tầng du lịch mà không phát triển hệ thống thủy lợi. Chính những tầm nhìn ngắn hạn và vội vàng đã biến “TP đáng sống” thành một bể nước mênh mông.
Không thể đổ cho biến đổi khí hậu
Sau khi Đà Nẵng hứng chịu đợt ngập lụt kinh hoàng, Quảng Nam cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. TP Tam Kỳ và nhiều huyện khác của Quảng Nam như Thăng Bình, Quế Sơn, Phù Ninh đều lênh láng nước. Đây là trận ngập lụt người dân Quảng Nam chưa từng chứng kiến. Chỉ trong ngày 10-12 đã có 2 nạn nhân bị nước cuốn trôi ở Quảng Nam, buộc Ban chỉ huy Phòng chống bão lụt tỉnh phải đưa ra các biện pháp ứng cứu khẩn cấp các trường hợp người dân bỏ nhà cửa bơi đi lánh nạn.
Sự vật vã trong nước ngập, đã và đang gây bấn loạn cho nhiều đô thị miền Trung. Lượng mưa ở các tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định cũng rất lớn. TS. Hoàng Phúc Lâm, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, giải thích: “Do có sự kết hợp của 3 nhân tố gây mưa to đến rất to là gió đông bắc tầng thấp, địa hình và gió đông đến đông nam trên cao bổ sung thêm hơi ẩm. Mùa mưa bão năm nay chưa có dấu hiệu kết thúc, vì vậy nỗi âu lo ngập lụt ở miền Trung vẫn ám ảnh”.
Người miền Trung bao đời nay đã quen với lũ lụt, thế nhưng diễn biến gần đây của khí hậu đã nằm ngoài khả năng tiên liệu và chống chọi của họ. Cứ mưa to dẫn đến ngập nước là một chuyện phi lý. Bởi lẽ, miền Trung có địa hình đa dạng được kết hợp núi, sông và biển. Thử hỏi, nếu những cánh rừng đầu nguồn không bị tàn phá liệu có ngập lụt như vậy không? Nếu đừng san lấp sông hồ để làm công trình xây dựng, có ngập lụt như vậy không?
Nhà cửa cứ được quy hoạch để mọc lên khắp nơi, trong khi hệ thống thoát nước không đảm bảo làm sao tránh được ngập lụt thường xuyên. Biến đổi khí hậu là thiên tai, nhưng ngập lụt ở những đô thị miền Trung không thể loại trừ yếu tố nhân tai. Thiên tai đành chịu, nhưng nhân tai không lẽ cũng nhắm mắt làm ngơ? Ngập lụt, không chỉ gây thiệt hại về tài sản, mà còn đe dọa tính mạng của người dân. Vì vậy, đã đến lúc phải tìm ra giải pháp hữu hiệu cho vấn nạn ngập lụt ở miền Trung. Nếu cứ nhắm mắt lao theo mô hình tăng trưởng bằng cách đô thị hóa cấp tập, hậu quả không thể nào lường hết được.
TS. Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia về đô thị, góp ý: “Có lẽ đến lúc chúng ta cần nghiêm túc nghĩ đến một hệ thống chứa nước dưới lòng đất như của Tokyo, có thể không lớn bằng nhưng có thể cũng cỡ 1/2 hay 1/3 như vậy. Việc chống ngập lẻ mẻ, manh mún như nông dân đắp bờ như hiện nay vừa tốn kém tiền bạc, gây phiền phức cho đời sống cư dân, hiệu quả quá thấp, chẳng thà tốn một lần cho đáng nhưng mang lại tương lai tốt đẹp cho con cháu mai sau”.