Ngày 12-12, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Hội bảo vệ động vật hoang dã (WWF), Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt xanh (Green Việt) tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng “Đề án bảo tồn loài voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành giai đoạn 2019-2028”.
Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học, chuyên gia đến từ các trường đại học, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế đã đưa ra những đề xuất nhằm bảo vệ hiệu quả đàn voọc chà vá chân xám được phát hiện tại khu vực núi Hòn Dồ, thuộc xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam.
Voọc chà vá chân xám được xếp hạng bảo vệ ở mức cực kỳ nguy cấp trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Tại Quảng Nam, hiện có 2 đàn voọc chà vá chân xám phân bố ở các huyện phía Trung và Nam của tỉnh như huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phú Ninh, Núi Thành, Nông Sơn, Tiên Phước với khoảng hơn 200 cá thể.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam phối hợp với UBND huyện Núi Thành và Green Việt xây dựng “Đề án bảo tồn loài voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam”. Đề án đưa ra các giải pháp bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên khoảng 25 hecta còn lại trên Hòn Dồ, Hòn Ông, Hòn Dương Bông và Dương Bản Lầu; triển khai các giải pháp làm giàu rừng, kết nối và mở rộng sinh cảnh sống trên cơ sở tạo nguồn thức ăn cho chà vá chân xám nhằm tạo một sinh cảnh có diện tích và chất lượng rừng phù hợp với quần thể sinh trưởng và phát triển; nâng diện tích rừng và sinh cảnh sống cho loài đạt tối thiểu khoảng 100 hecta đến hết năm 2018. Đề án có tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng, trong đó kinh phí của nhà nước trên 63 tỷ đồng còn lại là nguồn huy động từ các tổ chức quốc tế.
Phát biểu tại hội thảo, GS Lê Vũ Khôi, Khoa Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Quảng Nam là một trong 5 tỉnh của cả nước được xác định là nơi phân bố của loài voọc chà vá chân xám đặc biệt quý hiếm. Việc xây dựng đề án bảo tồn loài linh trưởng này là nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa rất lớn trong việc Việt Nam thực hiện các cam kết về chương trình đa dạng sinh học quốc tế.