Khó giải tỏa đất rừng bị lấn chiếm

Tình trạng đất rừng bị xâm chiếm để trồng cây nông nghiệp diễn ra tràn lan tại Tây Nguyên, nhưng việc giải tỏa, thu hồi đất để trồng lại rừng gặp nhiều khó khăn, nhiều trường hợp nhân viên ban quản lý rừng đi giải tỏa đất còn bị hành hung.

Cà phê mọc ngay giữa rừng ở huyện Kbang, tỉnh Gia Lai

Lấn chiếm tràn lan

Đến khu vực núi Cheng Leng (xã H’Bông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), chúng tôi ghi nhận nhiều khoảnh rừng bị đốn hạ, ngay bìa rừng, nhiều diện tích đất đang bị người dân lấn chiếm để trồng mì. Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa, chỉ tính riêng khu vực núi Cheng Leng, có hơn 130ha đất lâm nghiệp do đơn vị quản lý đã bị người dân lấn chiếm để canh tác nông nghiệp. “Khu vực núi Cheng Leng có địa hình xa, người dân lên đây sinh sống đã lâu. Việc xâm canh cũng diễn ra từ rất lâu, nhiều diện tích xâm lấn hàng chục năm. Trong khi đó, lực lượng của đơn vị mỏng nên khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý”, ông Nay Rcom Jem, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa cho biết.

Còn từ mỏ đá Đức Hoàng (xã H’Bông) đi sâu vào rừng, cách làng Tờ Nung khoảng 1km, chúng tôi phát hiện một khoảnh rừng bị chặt hạ tan hoang, hàng trăm cây rừng bị đốn chỉ còn trơ gốc, một số lóng gỗ vẫn còn tại hiện trường. Theo một cán bộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê đang tham gia đoàn kiểm tra tại khu vực này, vị trí bị phá có diện tích khoảng 4.000m², thuộc rừng phòng hộ do đơn vị quản lý. Từ đường Trường Sơn Đông, đoạn qua huyện Kbang (tỉnh Gia Lai), rẽ vào các lối mòn vào rừng tự nhiên khoảng vài trăm mét, chúng tôi bắt gặp nhiều rẫy cà phê nằm lọt thỏm giữa rừng cây cổ thụ. Những rẫy cà phê xanh tốt, được trồng từ 9 tháng đến 4 năm trải dài nhiều quả đồi. Có nhiều chỗ, cà phê mới trồng sát bên vạt rừng.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Thu hồi đất rừng bị lấn chiếm huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai), tổng diện tích đất rừng của UBND các xã, các đơn vị chủ rừng bị người dân lấn chiếm sử dụng trên địa bàn là hơn 4.000ha, phần lớn đang được người dân trồng mì và điều. Trong số đó, UBND xã Ia Bă có hơn 144ha đất rừng bị lấn chiếm.

Nhiều khó khăn khi thu hồi đất rừng

Những năm qua, tỉnh Gia Lai đã nỗ lực thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để trồng rừng. Tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. Mục đích là thu hồi diện tích đất rừng bị người dân lấn chiếm trước đây để trồng cây nông nghiệp, trả lại mục tiêu phát triển lâm nghiệp và giao cho người dân trồng lại rừng để hưởng lợi, qua đó nâng cao độ che phủ rừng. Dự kiến diện tích đất rừng bị lấn chiếm trong 3 năm (2017 – 2019) phải thu hồi tối thiểu là 30.000ha trở lên. Diện tích này do UBND xã và các đơn vị chủ rừng quản lý. Tuy nhiên, việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển sang trồng cây lâm nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Xuân Bổn, Chủ tịch UBND xã Ia Bă, huyện Ia Grai, cho biết, trong năm 2017, xã đưa vào kế hoạch vận động dân trồng 50ha rừng trên diện tích đất rừng bị lấn chiếm. Ban đầu, nhiều người cũng đăng ký tham gia trồng rừng, nhưng khi triển khai chỉ có mấy hộ trồng. Lý do người dân không mặn mà chuyển sang trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp bị xâm chiếm là vì phải mất nhiều năm mới có hiệu quả, trong khi tâm lý của bà con dân tộc thiểu số là trồng năm nào có thu nhập năm đó…

Ông Trương Quốc Dụng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa, cho biết, diện tích đất lâm nghiệp đang bị lấn chiếm cần thu hồi của huyện Krông Pa là hơn 6.550ha. Tính đến ngày 10-12, toàn huyện đã có hơn 1.700 hộ dân tự nguyện đến UBND xã kê khai đất rừng đã lấn chiếm với tổng diện tích 2.800ha. Tuy nhiên việc vận động dân chuyển sang trồng rừng gặp khó khăn do phần lớn đối tượng lấn chiếm là người dân tộc thiểu số, diện tích đất lấn chiếm đang canh tác nông nghiệp, cho thu nhập hàng năm; nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn, đây là nguồn thu duy nhất nuôi sống gia đình. Một bộ phận người dân tỏ ra không đồng thuận, không chịu tự nguyện kê khai trả lại đất rừng đã lấn chiếm.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, từ năm 2017 đến nay, diện tích đất rừng bị lấn chiếm mà người dân đã tự nguyện kê khai là hơn 26.500ha. Trong số đó, diện tích đã trồng lại rừng là hơn 12.900ha. Ở một số địa phương, khi triển khai công tác thu hồi đất để trồng rừng còn gặp phải sự chống đối của dân. Cụ thể như Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai khi thu hồi đất rừng bị lấn chiếm đã bị người dân xã Ia Bă (huyện Ia Grai) chống đối, hành hung bị thương một nhân viên bảo vệ rừng. Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly khi phát dọn thực bì, chuẩn bị cho công tác trồng rừng năm 2017 trên địa bàn xã Ia Bă cũng bị dân chống đối, ngăn chặn, không cho trồng rừng…

Nguồn: