An toàn hồ đập vẫn nhiều nỗi lo

Sáng 12/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo “Đánh giá an toàn hồ đập ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam” nhằm chia sẻ các kết quả khảo sát trong chuyên đề “Đánh giá hiện trạng phát triển các hồ chứa thủy lợi, thủy điện khu vực phía Bắc”.

Hiện cả nước có gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang hoạt động với quy mô, tuổi thọ khác nhau, thậm chí có những công trình đã được xây dựng từ hơn 60 năm về trước. Do đó, trong điều kiện biến đổi khí hậu và mưa lũ như hiện nay, nhiều công trình không còn đảm bảo an toàn.

Đề cập đến vấn đề xả lũ ở các hồ chứa gây tác động lũ lụt đến vùng hạ du, GS.TS. Vũ Trọng Hồng, Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến xả lũ đột ngột như lũ đến bất ngờ, nếu không xả sẽ tràn qua đỉnh đập, gây vỡ đập; do khả năng dự báo không chính xác nên phải xả lũ đột ngột; do có những nguồn nước nằm ngoài dòng chính đổ về hồ chứa; do tác động của biến đổi khí hậu gây mưa lớn cục bộ trong một diện tích hẹp. Bên cạnh đó, còn có các yếu tố khác như trình độ quản lý hồ chứa nhỏ không đủ khả năng tính điều tiết lượng nước trong hồ, đập và công trình hồ chứa không được tu sửa, nâng cấp kịp thời. Riêng với hồ chứa thủy điện, GS. Hồng cho rằng còn có thêm nguyên nhân là do quy trình vận hành hồ chứa ưu tiên tích nước để phát điện. Ngay từ đầu mùa lũ vẫn tích nước lên cao, khi lũ về sớm thì buộc phải xả nhanh để bảo vệ đập.

Theo GS. Hồng, để hạn chế thiệt hại cho khu dân cư ở hạ du, giải pháp tổng thể là xây dựng kế hoạch quản lý cho từng lưu vực sông thông qua một chương trình quản lý do Hội đồng lưu vực sông điều hành. Thành viên Hội đồng bao gồm Ban quản lý lưu vực sông thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức cứu trợ, và đại diện người dân địa phương hợp tác hoạt động trên cơ sở tự nguyện. Theo đó, cần nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo lũ trên các dòng sông và lượng mưa trên lưu vực. Riêng địa hình chật hẹp, thiết bị quan trắc nhà nước không đo được, cộng đồng dân cư tự tổ chức dự báo dưới sự hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường. Bên cạnh đó, cần xác định các đường xả lũ của hồ chứa, chủ hồ chứa cần đăng ký với Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai địa phương. Đối với vùng thường có lũ quét, sạt lở đất, cần lập bản đồ, đầu mùa lũ đánh dấu điểm sạt lở, sơ tán nội bộ. Những hồ chứa nhỏ cần được sửa chữa, nâng cấp kéo dài tuổi thọ. Các chủ hồ chứa phải có chứng chỉ vận hành hồ chứa. Nhà nước cần giảm mật đô dân cư ở trung tâm huyện, thị trấn miền núi và phải đặt tránh xa nơi thoát lũ.

GS. Hồng cho hay qua thực tế tiếp xúc với hai công trình thủy điện lớn ở khu vực phía Bắc là Hòa Bình và Cửa Đạt cho thấy việc đảm bảo an toàn hồ chứa ở Hòa Bình đạt yêu cầu nhưng công trình đầu mối Cửa Đạt khá đáng ngại bởi các thông số như độ lún, thấm, chuyển vị… cũng như các thiết bị kết nối thông tin để vân hành hồ chứa đã không hoạt động ngay từ khi Ban quản lý công trình giao cho Công ty Thủy điện Sông Chu.

Phân tích tác động đến môi trường tự nhiên của việc xả lũ, ông Chu Văn Ngợi cũng rất quan ngại trước việc các đập xả lũ sẽ gây tác động lớn tới vùng hạ du như: làm thay đổi chế độ thủy văn ở hạ du đập, phá vỡ quy luật bồi tụ xói lở, thiệt hại hoa mùa, vùi lấp đất canh tác và công trình xây dựng hoặc làm thay đổi chất lượng nước ở hạ du đập theo hướng tăng độ đục, nhiệt độ hạ, tốc độ tăng nhanh.

Không chỉ lo lắng về việc các chủ hồ đập thủy điện thường vì lợi ích kinh tế nên luôn muốn tích nhiều nước trong hồ để phát điện với cột nước cao, ông Chu Phượng Chí, Hội Thủy lợi Việt Nam   còn nhấn mạnh những bất cập trong quản lý nhà nước như hiện nay giữa các Bộ Công Thương, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT trong việc phát điện và phòng chống lũ, giảm thiệt hại do thiên thai. Theo ông, cần đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ kỹ thuật cho cơ sở; tăng cường công tác truyền thông phổ biến kiến thức về an toàn hồ đập; bố trí nguồn kinh phí để duy tu, bảo dưỡng các hồ đập đã xuống cấp, hư hỏng, thường xuyên kiểm tra vận hành các thiết bị của công trình. Thêm vào đó, cần giao cho một tổ chức có đủ thẩm quyền để phê duyệt và giám sát việc xả lũ của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện tại địa phương để đảm bảo hồ đập được an toàn khi cắt lũ, xả lũ, tránh tăng ngập lụt vùng hạ du và thiện hại cho người dân.

Ông Nguyễn Hoài Đức, Tổng cục Môi trường thì cho rằng vấn đề môi trường trong việc vận hành hồ chứa chưa được quan tâm thỏa đáng, các đơn vị vận hành thủy điện thậm chí còn tự ý nâng công suất hoặc thay đổi quy trình vận hành làm ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường và đời sống người dân. Mặt khác, đánh giá tác động môi trường lạii được thực hiện ở từng dự án riêng lẻ, do vậy, cần có một đánh giá tác động môi trường tổng hợp cho các hồ chứa trong cùng một lưu vực sông và xây dựng một quy định chung để các thủy điện cùng tuân thủ, đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế và môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững.

Bích Ngọc

Nguồn: