Mặc dù các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã phần nào chủ động nguồn cung gỗ hợp pháp cho sản xuất và xuất khẩu (XK) nhưng vẫn còn một lượng đáng kể gỗ bất hợp pháp nhập khẩu (NK) vào Việt Nam chưa ngăn chặn hết vì còn thiếu công cụ quản lý.
Hiệu quả từ nguồn cung hợp pháp
Làng nghề Hữu Bằng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) những ngày cuối năm tất bật hoàn thiện cho các đơn hàng. Những con đường gồ ghề đầy ổ voi, ổ gà là dấu vết của những chuyến xe vận chuyển gỗ nguyên liệu nhập khẩu (NK) vào làng nghề. Từ đây, đồ gỗ nội thất của Hữu Bằng tủa đi khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Là 1 trong số hơn 40 DN chế biến gỗ ở Hữu Bằng, ông Nguyễn Duy Vinh – Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát – chia sẻ: Trước đây, DN chủ yếu sử dụng gỗ keo để chế biến. Câu chuyện bắt đầu từ năm 2008, theo thông tin của một người Nhật về 40ha rừng keo đến kỳ thu hoạch ở Hòa Bình, ông đến tận nơi tìm hiểu nhưng không có cây nào. Suốt 3-4 năm tìm nguồn gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước nhưng không đảm bảo tính ổn định, ông đã tìm đến nguồn gỗ NK từ châu Âu. Sự chuyển hướng của DN đã có câu trả lời khi doanh thu năm sau cao hơn năm trước, đơn hàng ngày càng nhiều.
Hiện, 100% nguyên liệu gỗ làng nghề Hữu Bằng là gỗ hợp pháp, hoàn toàn không có gỗ lậu. Ông Vinh cho biết thêm: “Các DN sử dụng gỗ NK giá không chênh nhiều, từ đó hình thành giá sàn. Còn nếu dùng gỗ không hợp pháp, không thể có giá sàn và cũng không đủ sản xuất, bởi sản phẩm của Hữu Bằng gần như phủ cả nước”.
TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương được coi là thủ phủ XK gỗ của cả nước. Tại đây, đã từ lâu, các DN tại Hiệp hội gỗ Bình Dương và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh chủ yếu dùng gỗ nguyên liệu NK là gỗ có chứng chỉ. Dẫn chúng tôi thăm quan 1 vòng nhà máy chế biến gỗ Công ty TNHH Minh Phát (MIFACO) Bình Dương, ông Điền Quang Hiệp – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty cho hay, thị trường XK chính của công ty là Mỹ, từ nhiều năm nay, nguồn cung gỗ của công ty chủ yếu là gỗ tràm và gỗ cao su nội địa. Doanh thu MIFACO tăng khoảng 10%/năm, dự kiến năm 20178 XK đạt khoảng 22 triệu USD. Đã có kinh nghiệm làm quen với thị trường XK khó tính là Mỹ, nên khi VPA/FLEGT được ký kết, ông Hiệp cũng kỳ vọng, DN sắp tới sẽ mở rộng XK sang thị trường EU.
Vẫn còn những khoảng trống
Có thể thấy, Việt Nam đang từng bước từ bỏ thói quen sử dụng gỗ bất hợp pháp. Tuy nhiên, những rủi ro về nguồn cung gỗ vẫn đang hiện hữu khi vẫn có lượng không nhỏ nguồn gỗ có tính rủi ro cao (gỗ tự nhiên, gỗ quý, không chứng minh được tính hợp pháp) được NK từ Campuchia, châu Phi…
Nằm tiếp giáp trực tiếp với Campuchia, Gia Lai là một trong những tỉnh có lượng gỗ Campuchia được NK nhiều nhất vào Việt Nam. Theo một DN chuyên NK gỗ từ Campuchia, 90% lượng gỗ công ty NK sẽ XK sang thị trường Trung Quốc, lượng còn lại sẽ tiêu thụ tại các làng nghề. Những năm gần đây, lượng gỗ NK chính ngạch từ Campuchia ngày càng giảm dần, nhưng vẫn còn một lượng đáng kể được NK về Việt Nam.
Bà Lê Thị Thanh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai- Kon Tum xác nhận, lượng gỗ NK từ Campuchia (chủ yếu qua cửa khẩu Lệ Thanh) đã giảm đi đáng kể. Nếu như năm 2017, số thu thuế riêng từ gỗ xấp xỉ 140 tỷ đồng thì năm 2018 ước chỉ đạt trên 50 tỷ đồng.
Đến Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh vào những ngày cuối tháng 11, phóng viên ghi nhận hoạt động NK gỗ tại đây khá thưa vắng. Dù vậy, những lo lắng trong kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp NK từ Campuchia nhằm đáp ứng yêu cầu của Hiệp định VPA/FLEGT thường trực khá rõ nét.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Nhĩ – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai cho biết: Cơ quan kiểm lâm địa phương là đơn vị giám sát xem có sự trà trộn giữa gỗ NK với gỗ nội địa hay không, tuy nhiên lại không nắm được toàn bộ nguồn gỗ NK. NK chính ngạch chỉ cơ quan hải quan nắm rõ. Đây có thể xem là lỗ hổng trong quản lý lâm sản tại nội địa. “Nếu không trực tiếp được chứng kiến, kiểm tra và xác nhận thì việc quản lý chặt chẽ trong quản lý bảo vệ cũng như truy xuất nguồn gốc gỗ sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Nhĩ nói.
Đứng từ góc độ cơ quan hải quan, bà Lê Thị Thanh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum – cho hay: Theo Thông tư 01/2012/TT-BNNPTNT, quy định về hồ sơ lâm sản NK hợp pháp khi kiểm tra gồm: Tờ khai hải quan, bảng kê lâm sản, Giấy phép CITES nếu hàng buộc phải có thì phải xuất trình. Ngoài ra, hồ sơ còn có văn bản nước ngoài (nếu có) phải xuất trình. “Khi DN đủ hồ sơ thì cơ quan hải quan cho thông quan”, bà Huyền nhấn mạnh.
Bà Huyền đưa ra ví dụ, từ năm 2013 trở về trước, NK gỗ từ Campuchia phải theo giấy phép của Bộ Công Thương và phải có văn bản từ phía Bộ Thương mại Campuchia, Bộ Công Thương mới có cơ sở cấp giấy phép này. Tuy nhiên, năm 2014, Chính phủ lại bỏ cấp phép NK gỗ từ Campuchia, yêu cầu gỗ NK phải được đối xử giống nhau ở tất cả các nước. Tuy nhiên, khi thực thi VPA/FLEGT cần một cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn gốc gỗ NK.
Theo ông Nguyễn Nhĩ, muốn quản lý chặt chẽ chuỗi cung nguồn đầu vào hay không phải từ quy định của Bộ Công Thương. Ví dụ như quy định, lâm sản NK vào phải làm thủ tục gì; NK qua đường hạn ngạch, đối tượng DN, cá nhân nào được thực hiện?…
Đứng từ góc độ DN, ông Huỳnh Văn Hạnh – Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) – cho biết: Chính phủ Việt Nam cần phối hợp Chính phủ Campuchia xem xét cơ chế phối hợp chính sách ngăn chặn không cho NK gỗ bất hợp pháp từ Campuchia, khuyến khích NK toàn bộ gỗ từ rừng trồng., từng bước cấm NK gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên.
Mới đây, Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam đã chủ trì phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia tổ chức đối thoại chính sách về thương mại gỗ và sản phẩm gỗ giữa Việt Nam và Campuchia đảm bảo tính hợp pháp và bền vững. |