Hội thảo “Đánh giá, rà soát các quy định và chính sách trong Luật thuế Tài nguyên theo hướng minh bạch, nâng cao hiệu quả trong quản lý và sử dụng nguồn thu từ khoáng sản”, do Liên minh Khoáng sản phối hợp với Trung tâm Thiên nhiên và con người tổ chức đã diễn ra chiều 29/11.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến chuyên gia đánh giá, việc điều chỉnh chính sách thuế tài nguyên trong thời gian qua vừa nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, qua đó bảo vệ tài nguyên quốc gia, ổn định nguồn thu cho ngân sách, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Thuế tài nguyên – vai trò quan trọng đối với phát triển bền vững
Tại hội thảo, TS. Lê Quang Thuận, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính chia sẻ về chính sách thuế tài nguyên của một số nước trên thế giới. Theo đó, việc áp thuế tài nguyên và chính sách thu liên quan đến tài nguyên được coi là công cụ tài chính quan trọng để khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên quốc gia. Chính sách thu liên quan đến tài nguyên thể hiện vai trò của Nhà nước đối với tài nguyên quốc gia. Thông qua chính sách thu, Nhà nước thực hiện chức năng quản lý đối với hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên, điều tiết nguồn thu từ khai thác khoáng sản.
“Xu hướng chung trên thế giới là nhà nước tăng cường điều tiết nguồn thu từ thuế tài nguyên nhằm cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh hội nhập, cắt giảm thuế quan, khuyến khích khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên vì sự phát triển bền vững, hạn chế việc khai thác không hiệu quả”, ông Thuận cho biết.
Chia sẻ về phương thức quản lý sử dụng nguồn thu, ông Thuận cho hay, một số nước lập Quỹ tài nguyên để quản lý nguồn thu từ khai thác tài nguyên như: Chile, Nauy, một số nước vùng Vịnh. Bên cạnh đó, nhiều nước hình thành nguồn thu của công quỹ để phân bổ sử dụng theo quy trình ngân sách, trong đó phân bổ ngân sách địa phương, đảm bảo lợi ích của người dân địa phương có tài nguyên; đảm bảo công khai minh bạch trong quản lý, phân bổ sử dụng.
Theo PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính, hiện quy định pháp luật thuế tài nguyên hiện hành ở Việt Nam có nhiều ưu điểm. Bên cạnh đó, phương pháp thu thuế tài nguyên dựa trên giá trị tài nguyên phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ ở các nước đang phát triển.
Cần có quy chế phối hợp, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân
Theo đánh giá của PGS.TS Lê Xuân Trường, thời gian qua cơ quan thuế địa phương đã phối hợp chặt chẽ với sở tài nguyên môi trường trong việc đối chiếu xác định sản lượng khai thác của doanh nghiệp khai thác khoáng sản.
Cơ quan thuế địa phương cũng đã làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo hệ thống chính trị cùng tham gia quản lý thuế. Nói về sự phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý thuế, ông Trường dẫn chứng: “khi phát hiện doanh nghiệp khai thác khoáng sản lậu, cơ quan thuế không có chức năng dừng xe để kiểm tra mà cần tới cảnh sát giao thông và phải phối hợp với cơ quan quản lý thị trường… Một mình ngành Thuế không thể làm được”, ông Trường nói.
Hiện nay, ở một số địa phương đã áp dụng công nghệ hiện đại trong việc giám sát doanh nghiệp. Đơn cử như Cục thuế Thanh Hóa lắp đặt camera giám sát sản lượng khai thác khoáng sản. Từ việc giám sát cho thấy, có những doanh nghiệp sản lượng tính thuế tăng 40% so với trước khi có biện pháp giám sát.
Ông Trường nhấn mạnh: “Như vậy có thể thấy rằng, có những doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định pháp luật. Nhưng không ít những doanh nghiệp khai thác lậu, không giấy phép, xuất khẩu lậu, kê khai không trung thực sản lượng khai thác”.
Theo ông Trường, nguyên nhân của thực trạng trên là do mặc dù đã có quy định về cơ chế phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên môi trường trong xác định sản lượng tài nguyên khi thu thuế, song cơ chế này vẫn còn những quan điểm chưa rõ như: cách thức phối hợp kiểm tra thực địa giữa cơ quan thuế với cơ quan tài nguyên môi trường; trình tự thủ tục để cơ quan tài nguyên môi trường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác định sản lượng khai thác thực tế của doanh nghiệp khai khoáng. Bên cạnh đó, các bên chưa làm rõ trách nhiệm của người chủ trì, phối hợp trong những trường hợp cụ thể cũng như quy định trách nhiệm của người đứng đầu…
Để nâng cao hiệu quả trong viêc quản lý thuế, PGS.TS Lê Xuân Trường kiến nghị, cần bổ sung cơ chế phối hợp cụ thể để xác định trách nhiệm của cơ quan có liên quan trong quản lý thuế tài nguyên cũng như quản lý hoạt động khai thác tài nguyên; làm rõ trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp cách thức phối hợp trong những trường hợp cụ thể, trách nhiệm của người đứng đầu…
Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại để giám sát, xác định đúng sản lượng khai thác tài nguyên; tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong quản lý thu đối với khai thác tài nguyên, nâng cao vai trò của người đứng đầu địa phương trong quản lý tài nguyên; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra cơ quan thuế các cấp.
Số thu thuế tài nguyên đã góp phần đáng kể vào nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Giai đoạn 2010 – 2017, số thu bình quân một năm từ thuế tài nguyên của Việt Nam đạt 33.756,61 tỷ đồng/năm chiếm 3,8% tổng thu ngân sách nhà nước, tương đương với 0,92% GDP; trong đó số thu từ dầu thô có xu hướng giảm những năm gần đây. |