Các nhà nghiên cứu đã tìm ra một cách mới để theo dõi voi thông qua những rung động mà động vật tạo ra.
Tiến sĩ Beth Mortimer và Giáo sư Tarje Nissen-Meyer phát hiện ra rằng voi tạo ra những rung động thông qua các chuyển động bình thường của chúng và thông qua tiếng kêu được gọi là “âm tần”. Những rung động đó có thể được đo bằng kỹ thuật thường được sử dụng để nghiên cứu động đất.
Nghiên cứu này được trình bày tại hội nghị TEDWomen, tổ chức tại California, Mỹ, và được công bố trên một bài báo cho Tạp chí Current Biology hồi đầu năm nay.
Các nhà khoa học giải thích cách đo sóng địa chấn có thể truyền đi gần bốn dặm qua lòng đất. Họ sử dụng các công cụ là máy thu địa chấn ghi lại những rung động được tạo ra bởi những con voi hoang dã ở Kenya trong khi đi bộ và gọi nhau.
Họ sử dụng phần mềm mô hình địa chấn kết hợp với thông tin địa chất tại địa phương và thuật toán máy tính để đưa ra các ước tính chính xác về sóng địa chấn do voi tạo ra. Họ cũng quay các con vật trong quá trình ghi âm, sau đó đồng bộ hóa để xác nhận trực quan rằng các rung động bắt nguồn từ voi.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng những tiếng ồn khác và loại đất ảnh hưởng đến khả năng phân biệt các mẫu trên một khoảng cách dài. Rung động di chuyển trong cát xa hơn so với trong đá cứng và khi có ít tiếng ồn khác gây nhiễu.
Các tác giả cho rằng tìm hiểu được những gì voi đang làm ngay cả khi chúng ở một khoảng cách xa xôi có thể kịp thời hỗ trợ chống lại nạn săn trộm cũng như cung cấp thông tin chi tiết về hành vi của chúng.
Frank Pope, Giám đốc điều hành tổ chức Save The Elephants chia sẻ: “Từ lâu, các truyền thuyết và dân gian đã nói về cách voi không chỉ giao tiếp từ một khoảng cách xa mà còn phát hiện các sự kiện khác làm rung chuyển mặt đất như sấm sét. Nghiên cứu này đánh dấu một giai đoạn mới về các nỗ lực tìm hiểu bản chất của những rung động do voi tạo ra và cách chúng được chính voi sử dụng, giúp chúng ta hiểu được những thách thức tiếng ồn do con người tạo ra trong một cảnh quan ngày càng đông đúc”.
Nhật Anh (Theo BBC)