Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 4/12, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 73 Maria Fernanda Espinosa cảnh báo đến năm 2050, lượng chất thải nhựa trong đại dương ước tính sẽ nhiều hơn lượng cá dưới biển.
Phát biểu trước báo giới tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ, bà Espinosa đã nhấn mạnh đến vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa trong đại dương thời gian qua. Hiện nay, các hạt nhựa vi mô đã được tìm thấy trong muối ăn, nước ngọt và thậm chí là cơ thể người.
Theo Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), mỗi năm có hơn 8 triệu tấn chất nhựa bị thải ra đại dương, tương đương với mỗi phút có một chiếc xe tải chở rác thải nhựa đổ ra biển, gây thiệt hại cho hệ sinh thái biển lên tới khoảng 8 tỷ USD.
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ kêu gọi các nước trên thế giới cần có hành động để chấm dứt vấn nạn ô nhiễm chất thải nhựa trong đại dương. Chiến dịch chống ô nhiễm chất thải nhựa do bà phát động sẽ bao gồm hai nội dung: vận động toàn cầu và triển khai các sáng kiến nội bộ để giảm sử dụng chất nhựa trong hệ thống LHQ.
Bà Espinosa nhấn mạnh chiến dịch chống ô nhiễm chất thải nhựa sẽ là nội dung ưu tiên trong năm của Văn phòng Chủ tịch Đại hội đồng nhằm giúp cho người tiêu dùng và chính quyền loại bỏ chất thải nhựa đơn lẻ, nâng cao nhận thức về tác động của ô nhiễm chất thải nhựa đối với sức khỏe con người và môi trường.
Đây không phải là lần đầu tiên LHQ báo động về hiểm họa của hạt nhựa trong các vấn đề ưu tiên của tổ chức này. Năm 2010, chiến dịch “Làm cho biển xanh” đã được LHQ phát động trong toàn hệ thống nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sự bền vững và khuyến khích các nhân viên của tổ chức này giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải nhựa.