Các nước trên thế giới cần đảm bảo không tiếp tục có những hành động gây tổn hại tới “Hành tinh Xanh.” Lời kêu gọi trên được phi hành gia Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) Mae Jemison đưa ra ngày 4/12 trong bài phát biểu tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP 24) đang diễn ra ở Katowice, Ba Lan.
Trong bài phát biểu của mình, bà Jemison, người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên bay vào vũ trụ, đã kêu gọi các đại biểu đến từ gần 200 quốc gia trên thế giới giải quyết “vấn đề khó khăn nhất mà chúng ta từng đối mặt.”
Bà nêu rõ: “Khi mọi người nói rằng phải cứu lấy trái đất, họ đã nhầm lẫn. Đây không phải là vấn đề cứu lấy Trái Đất, đây là vấn đề đảm bảo chúng ta không tiếp tục làm tổn hại hành tinh này tới mức nó không còn hỗ trợ sự sống.”
Bà Jemison cũng kể lại những trải nghiệm của mình trên con tàu vũ trụ hồi năm 1992 khi ngắm nhìn trái đất từ cửa sổ tàu vũ trụ, bà đã thấy được “một Hành tinh xanh tuyệt vời và lớp ánh sáng lung linh mỏng manh là bầu khí quyển của chúng ta.”
Bà kêu gọi cần phải làm rõ về tính xác thực của mối đe dọa mà tình trạng biến đổi mang ra. Nữ phi hành gia này nêu rõ: “Trái Đất không cần chúng ta, chúng ta cần trái đất. Dù tôi rất muốn tới Sao Hỏa, song đây không phải là một kế hoạch B đối với nền văn minh và muôn loài. Chúng ta phải tìm hiểu vấn đề này.”
Trước đó, phát biểu tại COP 24, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo thế giới đang đi chệch hướng trong kế hoạch ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu.
Ông Guterres nhận định các nước chứng kiến những tác động của thảm họa thiên nhiên dẫn tới sự tàn phá khắp thế giới, song con người vẫn chưa hành động đầy đủ và đủ nhanh để ngăn chặn tình trạng này.
Ông Guterres đồng thời kêu gọi các quốc gia phát triển tăng ngân sách hỗ trợ các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biển đổi khí hậu.
COP 24 lần này được xem là cơ hội để các quốc gia, vốn đang đối mặt nhiều nguy cơ từ biến đối khí hậu nhất, như Fiji, Nigeria và Nepal đưa ra minh chứng của sự tác động từ biến đổi khí hậu đối với những nước này.
Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama cho rằng “chúng ta phớt lờ những bằng chứng hiển nhiên và trở thành thế hệ phản bội lại loài người.”
Gần 200 quốc gia tham gia ký kết Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu có thời gian là 2 tuần tại Katowice để hoàn tất một bộ quy chuẩn nhằm kìm hãm sự tăng nhiệt của trái đất ở dưới mức 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, và tiếp tục nỗ lực để hạn chế sự gia tăng nhiệt đến 1,5 độ C.
Tuy nhiên, tình trạng biến đối khí hậu đang diễn ra nhanh hơn so với biện pháp đối phó của con người. Giới chuyên gia cảnh báo chỉ với mức tăng nhiệt độ là 1 độ C, trái đất bị “héo mòn” bới các trận cháy rừng, khô hạn nghiêm trọng và các siêu bão khiến mực nước biển dâng lên.