Bảo tồn và phát huy giá trị cây thuốc Việt – Bài 3: Cây tràm gió “thổi” vùng đất chết

Nếu không có những con người hơn nửa đời thao thức với Đồng Tháp Mười, trăn trở với bảo tồn nguồn dược liệu, ngày nay đã không có khu bảo tồn nguồn dược liệu vĩnh viễn với hơn 800ha rừng tràm gió, hơn 80 loài gen thực vật quý hiếm.

“Rừng thuốc” phủ xanh trên vùng đất chết (Ảnh: Hoàng Hùng)

Thiên nhiên ban tặng cho vùng đất bưng phèn Mộc Hóa, Long An hàng ngàn hécta tràm gió. Thế nhưng, khoảng 30 năm trước, do không thấu hiểu giá trị dược liệu của cây tràm gió và lại rơi đúng vào chiến dịch khai hoang Đồng Tháp Mười, cây tràm bị đốn hạ rất nhiều. Nếu không có những con người hơn nửa đời thao thức với Đồng Tháp Mười, trăn trở với bảo tồn nguồn dược liệu, ngày nay đã không có khu bảo tồn nguồn dược liệu vĩnh viễn với hơn 800ha rừng tràm gió, hơn 80 loài gen thực vật quý hiếm.

Thao thức “cánh đồng hoang”

Một ngày cuối tháng 11, từ TPHCM vượt gần 100km, chúng tôi đến Mộc Hóa, tìm đường vào Trung tâm Nghiên cứu – Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười. Vượt kênh Tân Thành qua sông Vàm Cỏ, chúng tôi đến đại bản doanh của khu bảo tồn. Tiếp chúng tôi là ông Bùi Đắc Thắng, Giám đốc Trung tâm; đặc biệt, có ông Lê Minh Mẫn, trước đây là Phó Giám đốc Trung tâm. Ông Mẫn là 1 trong 3 người đầu tiên, cùng dược sĩ Nguyễn Văn Bé (người dân gọi là “ông Ba đất phèn” hay “ông Ba Bé”) và kỹ sư Lâm Viết Lợi được phân công về vùng đồng hoang mênh mông ở Đồng Tháp Mười để thực hiện đề tài nghiên cứu về tinh dầu tràm. Ông cũng là người cuối cùng trong 3 người còn sống, để kể cho chúng tôi nghe về tình đất, tình rừng, tình người và tâm huyết của nhiều người gắn chặt đời mình tại đây để không ngừng bảo tồn nguồn dược liệu quý cho đất nước.

Len lỏi trên các con rạch giữa những cánh rừng tràm bao la, bát ngát, bứt vài ngọn lá tràm, ông Mẫn rưng rưng kể về những ngày gian khó: Năm 1983, 3 thành viên chúng tôi, cùng là những người lính năm xưa, lúc đó làm trong Ban Xóa đói giảm nghèo, được phân công về vùng bưng biền Mộc Hóa. Xí nghiệp Khai thác dầu tràm Mộc Hóa thành lập năm đó được giao khai thác rừng tràm của Đồng Tháp Mười. Không thể nói hết những khó khăn, thiếu thốn, vất vả thời đó, bởi ngay các chuyên gia nước ngoài đến khảo sát địa chất cũng lắc đầu, cho rằng đây là “vùng đất chết”. Thời đó, Đồng Tháp Mười vẫn còn là một vùng đất phèn quanh năm hoang hóa, mùa nắng đất khô nứt nẻ, cỏ cháy, mùa mưa nước ngập mênh mông. Nước thì phèn quá, không uống được. Thật sự, nơi này là một vùng đất… bị lãng quên”.

Nói về công lao của ông Ba đất phèn với vùng dược liệu Mộc Hóa, ông Mẫn cho rằng, ông Ba Bé là người tiên phong làm thay đổi vùng đất phèn thành nơi chuyên trồng và bảo tồn dược liệu. Chưa kể, thời đó nhà nước triển khai dự án khai hoang vùng Đồng Tháp Mười, mà cây tràm gió không được đánh giá cao nên bị đốn hạ tràn lan. Chính ông Ba đất phèn là người dám đi ngược phong trào, tìm cách giữ rừng đến hôm nay.

“Ảnh thành lập một trung tâm bảo tồn dược liệu bằng cách quy hoạch kênh mương, đào đắp hàng loạt kênh rạch… Ngoài việc bảo tồn cây tràm gió và chiết xuất tinh dầu tràm, ảnh còn nghiên cứu chưng cất nhiều loại tinh dầu thiên nhiên tốt cho sức khỏe, phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Giờ thì mọi người thấy đó, chúng tôi có trung tâm nghiên cứu giống cây tràm và một số dược liệu khác, có cơ sở chưng cất tinh dầu tràm, đầu tư xây dựng phòng kiểm nghiệm… Hơn hết, dọc ngang nơi đây là những kênh rạch tự tạo, nối nhau thành một “vạn lý trường thành” để bao bọc báu vật tràm gió. Bức thành này không xây bằng đá gạch mà bằng cây rừng, bằng hệ thống tháp canh và bằng tâm huyết của con người”, ông Mẫn kể.

Dược sĩ Nguyễn Văn Bé đột ngột ra đi vào cuối năm 2016, để lại hơn 800ha rừng tràm nguyên sinh, trung tâm nghiên cứu dược liệu, nhiều công trình nghiên cứu dược liệu, bảo tồn nguồn gen… Cũng như ông Bé, kỹ sư Lâm Viết Lợi mất trước đó, cũng đã nằm lại trên mảnh đất này với rất nhiều yêu thương. Cuộc đời của các ông bình dị, thầm lặng với bao gian khó để có được màu xanh, sự sống của rừng tràm nguyên sinh.

Quy tụ nguồn dược liệu đặc trưng

Với ông Mẫn, vùng đất hoang ngày nào giờ đã là quê hương thứ hai của ông khi mọi loài cây, từng con vật, mỗi ngõ ngách, con đường, bờ kênh đều nằm trong bàn tay. Ông Mẫn cho biết, khu rừng tràm tại Mộc Hóa rộng hơn 1.000ha không chỉ là nơi bảo vệ cây tràm gió nguyên sinh bông trắng, cây tràm trà, cây bạch đàn chanh… mà còn giữ gìn, bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sinh thái của vùng phèn chua với gần 100 động vật, thực vật có dược tính quý. Trong đó, đất phèn giúp cây tràm gió nguyên sinh tiếp tục sinh sôi thành rừng, có hàm lượng tinh dầu cao, chất lượng. Tinh dầu tràm gió có giá trị kinh tế rất cao, khoảng 50USD/kg tinh dầu. Cây tràm gió cho tinh dầu và hương liệu bậc nhất và giúp điều trị nhiều loại bệnh.

Theo ông Mẫn, lúc còn sống, từ kiến thức tây y, dược sĩ Nguyễn Văn Bé đã mày mò nghiên cứu đông y. Từ các loại cây thuốc có sẵn trong rừng, ông điều chế nhiều loại thuốc trị bệnh. Từ lò nấu tinh dầu tràm, các ông xây dựng một trung tâm dược liệu lớn nhất nước với gần hơn 800ha tràm gió, trên 100ha những cây thuốc quý làm nguyên liệu sản xuất dược phẩm tại chỗ. Nguồn gen của các cây tràm gió ở đây đều là giống bản địa, nhiều cây có tuổi thọ lên đến hàng trăm năm. Trong hơn 1.000ha đất của trung tâm, có 25ha trồng và lưu giữ nguồn gen các loại cây thuốc quý như: hà thủ ô, lạc tiên, tràm Úc, bụp giấm, đinh lăng, kim tiền thảo, cây nhàu… Có tới 83 loài thực vật trong khu bảo tồn như bạch đàn chanh gốc từ Brazil, sả Java… Ở khu bảo tồn này, đi đâu cũng là cây dược liệu, từ những loại cây dân dã đến những loại cây nhập ngoại. Thế nên, giờ đây người dân trong vùng hay khách du lịch hay truyền tai nhau gọi đây là “rừng thuốc”.

Đầu tháng 11-2017, UBND tỉnh Long An đã trao quyết định thành lập Khu Bảo tồn đa dạng sinh học – Cây dược liệu cho Công ty CP Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (Mephydica) với mục tiêu bảo tồn, nghiên cứu, phát triển các loài dược liệu truyền thống của vùng Đồng Tháp Mười; bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập nước đặc thù. Dược sĩ Bùi Đắc Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Mephydica, cho biết phải nhất quyết giữ gìn, bảo tồn vĩnh viễn đối với cây tràm gió. Hiện trung tâm cũng đã xây dựng được tiêu chuẩn trồng dược liệu sạch GACP – WHO (tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới). Ông Thắng cho biết, đã quy hoạch thêm gần 16ha để trồng các loại dược liệu đặc trưng của khu vực Đồng Tháp Mười nhằm lưu giữ nguồn gen; di thực, trồng thử nghiệm các loại dược liệu; lập giống dược liệu cho khu vực.

Từ một xí nghiệp dầu tràm thuộc Bộ Y tế thành lập vào năm 1983, sau gần 35 năm, Công ty Mephydica đã hình thành vùng trồng và sản xuất dược liệu lớn nhất nhì cả nước. Nơi đây hiện khai thác và phát triển nguồn gen, tạo ra các sản phẩm từ thiên nhiên. Dược sĩ Bùi Đắc Thắng cho biết, trung tâm đã có nhiều thành tựu khoa học, sản xuất đạt được các nghiên cứu cấp Nhà nước như: nghiên cứu về cây tràm gió; nghiên cứu trồng và chế biến tinh dầu tràm trà; nghiên cứu trồng và chế biến tinh dầu bạch đàn chanh; nghiên cứu trồng và chế biến tinh dầu sả hoa hồng, sả Java, tinh dầu oải hương; nghiên cứu sản phẩm từ các cây khác như cây mù u, đu đủ, rau má Nhật…

Gần đây, tại khu bảo tồn đã xây dựng và đưa vào sản xuất Nhà máy Mộc Hoa Tràm đạt tiêu chuẩn GMP – WHO về dược liệu. Hàng chục sản phẩm tinh dầu, dược liệu chiết xuất từ tràm và các giống cây thuốc khác với nhãn hiệu Mộc Hoa Tràm như tinh dầu tràm, thuốc xoa bóp, thuốc xịt côn trùng, tinh dầu lau sàn… thân thiện với môi trường đã được thị trường đón nhận. Sản phẩm từ cây bạch đàn chanh như nước lau sàn, nước rửa chén, nước xịt phòng… Các sản phẩm như nước ép, rượu, nước cốt, viên thuốc, gói thuốc… từ cây nhàu giúp tăng sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh đau cơ xương khớp, nhuận trường cũng được sản xuất.

Theo ông Bùi Đắc Thắng, thị trường các sản phẩm dược liệu của công ty tập trung vào một số thành  phố lớn của Việt Nam. Doanh số bán các tháng sau đều tăng hơn các tháng trước. “Một số đơn vị, trung tâm, công ty tại nước ngoài cũng đã đặt vấn đề về việc nhập các sản phẩm của công ty. Chúng tôi cũng đã xuất đi một lô hàng nước lau sàn, nước rửa tay, nước rửa chén ra nước ngoài với phản hồi rất tốt. Phía họ đang đặt thêm một lô hàng lớn hơn vào năm 2019”, ông Thắng nói.

Khi được hỏi về những dự định tương lai, ông Thắng trải lòng, anh Ba đất phèn là người đam mê và có kiến thức rất rộng về ngành dược liệu. Ảnh đã truyền niềm đam mê đó lại cho chúng tôi, cũng như tình yêu thiên nhiên, quyết tâm bảo tồn dược liệu ở vùng đất này. Nặng nợ duyên với dược liệu, tôi sẽ kế thừa, tiếp nối những thành quả mà ảnh để lại. Người dân xung quanh vùng cũng đang cùng trung tâm bảo tồn nguồn dược liệu, những gì có ở đây. Lúc trước, cây tràm rất nhiều nhưng người dân đốn đi để trồng lúa thì bây giờ khi tràm còn ít, người ta xem việc gìn giữ rất quan trọng và cùng chung tay với chúng tôi và tôi sẽ bảo vệ rừng tràm, tiếp tục nghiên cứu những sản phẩm từ tràm cho đến hơi thở cuối cùng.
Nguồn: