Tại Việt Nam, dự án được thực hiện tại 35 xã thuộc 6 huyện vùng núi ở 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.
Ngày 29/11, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Giám đốc Ban Quản lý dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Kông mở rộng – giai đoạn 2” cho biết: Hành lang đa dạng sinh học và các kế hoạch quản lý dự án được thiết lập và đưa vào hoạt động trong năm 2019. Bởi vậy, ngày 29-30/11, Ban Quản lý đã cùng các địa phương trao đổi, xác định cơ sở pháp lý phù hợp để tiến tới bàn giao rừng.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thế Đồng nhấn mạnh: Dự án nhằm tăng cường hợp tác và quản lý xuyên biên giới các hệ sinh thái rừng giữa các quốc gia trong tiểu vùng Mê Kông mở rộng. Dự án không chỉ có ý nghĩa cho Việt Nam mà còn cho thế giới và là kinh nghiệm “quý báu” trong việc thiết lập hành lang đa dạng sinh học.
Tại Việt Nam, dự án được thực hiện tại 35 xã thuộc 6 huyện vùng núi ở 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, được bao quanh bởi các khu rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, tạo hệ thống hành lang đa dạng sinh học nhằm phục hồi và duy trì tính liên kết của hệ sinh thái trong khu vực, bảo đảm dịch vụ hệ sinh thái rừng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng Trung Trường Sơn, đem lại lợi ích sinh kế cho cộng đồng địa phương.
Các hộ trồng rừng phục hồi, rừng sinh kế; lâm sản ngoài gỗ như mây, ba kích; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên thực hiện đủ 3 năm sẽ được bàn giao đến hạn 30/9/2019. Diện tích rừng trồng phục hồi là 1.777,9 ha; rừng trồng sinh kế là 937,5 ha; lâm sản ngoài gỗ là 1.510 ha. Ngoài ra, có hơn 10.000 ha đất rừng tự nhiên được phục hồi thông qua phục hồi rừng, làm giàu, lâm sản ngoài gỗ và nông lâm kết hợp sử dụng chủ yếu các loài bản địa, được chăm sóc trong và sau thời gian dự án.
Dự án tăng cường năng lực thể chế và cộng đồng về quản lý, phục hồi hành lang đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái và quản lý bền vững nguồn tài nguyên; hỗ trợ cải thiện sinh kế và cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ. Có 15.500 hộ gia đình hưởng lợi trực tiếp từ dự án, trong đó khoảng 50% là phụ nữ và 85% dân tộc thiểu số.