Khu bảo tồn biển bỏ quên phần lớn các điểm nóng đa dạng sinh học

Các hệ sinh thái biển đang phải đối mặt với sự mất mát đa dạng sinh học chưa từng có từ việc sinh cảnh bị phá hủy, thay đổi môi trường biển và tăng khai thác tài nguyên biển.

Theo một nghiên cứu mới xuất bản trên Tạp chí Frontiers in Marine Science, các khu bảo tồn biển hiện tại của Phần Lan đã bỏ mặc gần ba phần tư các loài sinh thái và các loài quan trọng không được bảo vệ.

Nghiên cứu cũng cho thấy các khu bảo tồn biển được công nhận với ít kiến ​​thức về đa dạng sinh học biển tại địa phương và chỉ cần tăng thêm 1% các khu vực có liên quan sinh thái nhất cho các mạng hiện có thì có thể tăng gấp đôi việc bảo tồn các loài quan trọng nhất.

Ngoài việc xác định các khu vực có giá trị bảo tồn cao, nghiên cứu sử dụng một tập dữ liệu mới gồm 140.000 mẫu và nguồn dữ liệu này cũng có thể được sử dụng trong quy hoạch không gian biển và tránh tác động đến hệ sinh thái, bao gồm việc xác định cơ sở hạ tầng năng lượng gió, nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác của con người.

Các hệ sinh thái biển đang phải đối mặt với sự mất mát đa dạng sinh học chưa từng có từ việc sinh cảnh bị phá hủy, thay đổi môi trường biển và tăng khai thác tài nguyên biển.

Elina Virtanen, thuộc Viện Môi trường Phần Lan (SYKE) và là tác giả chính của nghiên cứu nhấn mạnh “điều này có nghĩa là hơn bao giờ hết, các khu bảo tồn là rất quan trọng để duy trì hệ sinh thái biển”.

Ảnh minh họa: CC0 Public Domain

Khu bảo tồn biển – bao gồm các vùng cửa sông, biển và đại dương – bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên này khỏi các hoạt động của con người. Ở châu Âu, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu sử dụng Chỉ dẫn môi trường sống của EU để công nhận các khu bảo tồn dựa trên danh sách các sinh cảnh và các loài được coi là quan trọng để bảo tồn.

Ở Phần Lan, nơi có môi trường biển phức tạp bậc nhất thế giới, khoảng 10% biển hiện đang được bảo tồn. Nhưng đánh giá hiệu quả khu bảo tồn biển của Phần Lan cho thấy vẫn còn những phần quan trọng của hệ sinh thái hoàn toàn không được bảo tồn – trung bình chỉ 27% đa dạng sinh học biển hiện đang được bảo tồn.

Virtanen giải thích: “Việc thành lập các khu bảo tồn này dựa vào một số sinh cảnh quan trọng như đầm phá, vịnh cạn và rạn san hô hoặc sự hiện diện của hải cẩu hoặc các vùng chim quan trọng hơn là dựa trên hiểu biết về các loài dưới nước hoặc giá trị sinh thái của những khu vực đó”.

Đặc biệt, các khu bảo tồn biển hiện tại quan tâm quá ít đến thiên nhiên dưới nước, nhất là các loài quan trọng về chức năng. Tuy nhiên, theo Virtanen, “ điều quan trọng là chỉ ra các khu vực là điểm nóng quan trọng nhất đối với đa dạng sinh học biển”.

Các nhà nghiên cứu đã tiếp cận gần 140.000 mẫu dữ liệu được thu thập gần đây về loài và phân bố môi trường sống cũng như dữ liệu về áp lực của con người lên môi trường biển. Những dữ liệu này được đưa vào các mô hình phân phối sinh thái để có cái nhìn toàn diện về môi trường biển hiện tại.

Các mô hình phân phối này sau đó được áp dụng cho một kỹ thuật ưu tiên không gian mang tên Zonation đánh dấu các khu vực dựa trên tầm quan trọng sinh thái. Kỹ thuật này có thể được sử dụng để xác định các khu vực có giá trị bảo tồn cao.

Virtanen chỉ ra: “Chúng tôi thấy rằng việc tăng diện tích được bảo tồn từ 10% lên 11% ở các khu vực đa dạng sinh học sẽ tăng gấp đôi bảo tồn các loài sinh thái quan trọng nhất, đồng nghĩa với việc tăng cường bảo vệ các loài quý hiếm và bị đe dọa, các loài quan trọng về chức năng và các khu vực sinh sản của cá”.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh việc gia tăng các khu bảo tồn không phải là phương tiện duy nhất để bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái biển. Các hoạt động của con người đe dọa đa dạng sinh học cũng có thể được phân bổ lại cho những khu vực có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học thấp và sử dụng quy hoạch không gian biển dựa trên hệ sinh thái.

Theo Virtanen, một điều quan trọng khác nữa là cần nêu bật nơi nào biển có thể sử dụng vào các hoạt động như khai thác các vật liệu đáy biển, nuôi trồng thủy sản, hoặc năng lượng gió để tăng hiệu quả bảo tồn biển và trở thành động lực chính cho việc sử dụng bền vững biển.

Virtanen kết luận: “Cần phải đánh giá lại ranh giới khu bảo tồn biển hiện tại để tập trung nỗ lực bảo tồn vào các khu vực có giá trị nhất và nhấn mạnh vào hiệu quả sinh thái là rất cần thiết khi công nhận hoặc mở rộng các khu bảo tồn biển. Bằng cách này, chúng ta có thể đảm bảo rằng các khu bảo tồn biển đạt được các mục tiêu bảo tồn toàn cầu có ý nghĩa và hiệu quả”.

Nhật Anh (Theo Phys.org)

Nguồn: